Nam sinh báo chí với chia sẻ “mọi đam mê đều bắt nguồn từ hai chữ Văn hóa”
(Sóng trẻ) - Khi được hỏi về nguồn cảm hứng khiến bản thân đam mê tìm hiểu Phật giáo, Lê Quang Đức mỉm cười trả lời: “Mọi đam mê và sở thích của mình đều bắt nguồn từ hai chữ “văn hóa”. Với đạo Phật cũng vậy, mình nghĩ rằng Phật giáo ở nước ta chứa đựng cả một gia tài văn hóa thôi thúc mình phải quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa
Lê Quang Đức hiện đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Báo mạng điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chàng trai với vóc dáng dong dỏng cao cùng nụ cười tươi rói, sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình nhiều thế hệ (tam đại đồng đường), mang đậm tính cách và bản chất của con người Kinh Bắc dân dã, giản dị, quy củ và truyền thống.
Chân dung chàng trai Lê Quang Đức
Bắc Ninh nổi tiếng là mảnh đất giàu truyền thống khuyến học, trọng nhân tài, nói về điều này, anh bộc bạch: “Bố mẹ khuyến khích mình học tập bằng cách dạy cho mình đức tính tự học và hình thành tích cách tự chủ, tự quyết định trong học tập. Cá nhân mình thấy phương pháp này khá hiệu quả.”
Lời tiên đoán của ni sư chùa Khai Nguyên
Nhắc đến Lê Quang Đức, mọi người đều tỏ vẻ khâm phục và nghĩ ngay về một chàng sinh viên tuy tuổi đời vô cùng trẻ nhưng lại mang trong mình lượng kiến thức am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, đặc biệt là Phật giáo. Khi được hỏi về nguồn cảm hứng khiến bản thân đam mê tìm hiểu Phật giáo đến như vậy, Đức trả lời: “Trong gia đình mình không ai theo đạo Phật, gia đình có đi lễ chùa nhưng không hẳn là những tín đồ thuần thành. Xuất phát điểm tìm hiểu đạo Phật của mình không phải do tôn giáo. Mà mình nghĩ rằng Phật giáo ở Việt Nam chứa đựng một gia tài văn hóa, từ đó nảy sinh niềm đam mê và khát vọng nghiên cứu.”
Với vốn kiến thức về giáo lý tương đối đầy đủ, anh đã đạt được một số thành tích cao trong các cuộc thi: đạt giải Xuất sắc với số điểm tuyệt đối 100/100 trong “Hội thi Giáo lý thanh thiếu niên Phật tử từ các tỉnh thành phía Bắc năm 2014” (cuộc thi về giáo lý lớn nhất cho thanh niên, Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay), một vở kịch do anh đạo diễn và viết kịch bản có tựa đề "Quay về đài sen" từng đoạt giải nhì trong cuộc thi văn nghệ do chùa Khai Nguyên – Sơn Tây tổ chức.
Với tố chất của một con người có trí tuệ, anh được một ni sư tại chùa Khai Nguyên tiên đoán: “Quang Đức sẽ là một cây viết Phật giáo trong tương lai”.
Khát vọng trở thành nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa
Nhắc đến kế hoạch về nghề nghiệp trong tương lai, anh chia sẻ sẽ cố gắng hết sức để đạt được nguyện vọng trở thành một nhà báo đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa chân chính. Anh hiện đang đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng Ban biên tập kiêm trưởng chuyên mục Văn hóa trang điện tử Sóng trẻ (trực thuộc Chi hội Nhà báo Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Anh được bạn bè nhận xét là con người có trách nhiệm với công việc, luôn có những ý tưởng mới và luôn tạo ấn tượng đặc biệt với người khác. Do cá tính cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc nên anh được bạn bè trêu đùa mệnh danh là “biên tập viên khó tính nhất” của trang tin điện tử Sóng trẻ.
Quang Đức cùng PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái
Khi được mời tham gia chia sẻ về kỹ năng viết báo tại lớp Đa phương tiện K34A2, anh chia sẻ với các em sinh viên khóa dưới rằng: “Có thể khi mới vào trường các em còn hoang mang với nghề nghiệp sau này nhưng hãy cứ viết đi! Viết đi rồi các em sẽ yêu nó!”
Hình ảnh chàng trai với cá tính tỉ mỉ, cẩn thận trong công việc, niềm đam mê vô bờ bến đối với sách và với đạo Phật đã để lại ấn tượng trong mắt mọi người. Mong rằng trong quãng thời gian phía trước, anh sẽ để lại dấu ấn sâu đậm hơn với nghề báo, với công cuộc nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, đóng góp vào kho tàng của dân tộc.
Hồng Nhung
Báo mạng điện tử K33
Ảnh: NVCC
Cùng chuyên mục
Bình luận