Nên thay đổi phương pháp giảng dạy môn học “Đạo đức nhà báo
(Sóng Trẻ)-Hiện nay, sinh viên báo chí được học môn “Đạo đức nhà báo” chủ yếu qua giáo trình. Họ được giảng viên “cung cấp” cho những quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong nước và của các cơ quan báo chí lớn trên thế giới. Điều đó là vô cùng cần thiết, nhưng liệu như thế đã là đủ?
Các tờ báo lớn trên thế giới đều rất coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Một tờ báo khi đăng thông tin sai phải ngay lập tức thu hồi ấn phẩm và đăng lời xin lỗi. Cá nhân, doanh nghiệp bị thông tin sai có thể kiện tờ báo lên tòa án. Và nếu thua kiện, họ sẽ phải bồi hoàn cho người đi kiện một khoản tiền rất lớn. Thậm chí, đã có những cơ quan báo chí đã phải đóng cửa vì đăng những thông tin sai lệch.
Ở nước ta, hàng loạt những vụ vi phạm về đạo đức nghề nghiệp nhà báo cũng đã được xử phạt một cách nghiêm khắc. Dư luận vẫn còn nhớ những vụ như: “Thánh vật ở sông Tô Lịch”, “Bưởi gây ung thư”… Nhiều nhà báo khi đăng những thông tin thất thiệt, những tin đồn chưa được kiểm chứng, bản thân họ có lẽ cũng không ngờ được rằng những thông tin của mình lại gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội đến như thế.
Nói như vậy để thấy rằng, giảng dạy đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên báo chí là một việc làm vô cùng cần thiết.
Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả đã đề cập trong bài viết. Đó là chúng ta nên lồng ghép các nội dung về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo vào các môn học khác. Bên cạnh đó, giảng viên cần phải nêu lên các trường hợp vi phạm đạo đức nhà báo đã bị xử phạt để cho sinh viên báo chí thấy được hậu quả nghiêm trọng của việc thông tin sai sự thật.
Sinh viên báo chí là những bạn trẻ đầy năng động, sáng tạo, nhiều bạn có lòng đam mê nghề nghiệp. Nhà báo trẻ mới ra trường thường rất hăng say đi làm tin, viết bài. Sự năng động này là một điều cần thiết trong nghề báo. Tuy nhiên, kinh nghiệm và sự nhạy cảm là điều còn thiếu ở các nhà báo trẻ. Bởi thế rất dễ xảy ra trường hợp nhà báo nhiều khi không nhìn nhận được một vấn đề trong tính đa chiều của nó, dẫn tới việc thông tin gây ảnh hưởng xấu đến dư luận.
Có ý kiến cho rằng: không nhất thiết phải dạy thật nhiều học trình về đạo đức nghề báo và cho sinh viên đọc thật nhiều các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp là họ sẽ tự tránh được các vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Bởi thực tế làm báo, thực tế cuộc sống sống động hơn rất nhiều. Thay vì những tiết học nặng về lý thuyết, sinh viên nên được học cách phân tích các góc cạnh của một sự kiện, một vấn đề nào đó, để họ thấy rằng cái gì nên và không nên trong báo chí. Họ sẽ phải tự hình dung xem tác phẩm của mình sẽ tác động như thế nào đến người khác. Ai sẽ được? Ai sẽ mất? Ai sẽ bị hại?
Bên cạnh đó, họ cần phải có được sự chia sẻ của những nhà báo có kinh nghiệm. Sau mỗi bài viết, những nhà báo trẻ có thể nhờ những người làm báo đi trước đọc và nhận xét bài viết của mình, để có được cái nhìn đầy đủ hơn.
Chỉ khi có một nhận thức đầy đủ về chính trị, người làm báo mới có cách nhìn đúng đắn trước mọi hiện tượng, sự kiện xảy ra. Vụ việc hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải bị bắt và bị khởi tố cho thấy các nhà báo cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong quá trình đưa tin, viết bài. Nếu không, hậu quả sẽ không chỉ khôn lường đối với xã hội, mà bản thân nhà báo cũng sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta có một chế tài đủ mạnh thì việc làm giảm thiểu những thông tin thất thiệt trên báo không phải là quá khó.
Minh Thống
Lớp Báo mạng điện tử K25