Nghề Báo và những trải nghiệm

(Sóng trẻ) - “Mấy năm đầu tốt nghiệp, trở về trường, tôi luôn muốn cho thầy cô biết mình đã đạt được giải này, giải nọ. Nhưng giờ, về trường, tôi chỉ muốn kể về những chuyến đi tôi đã có mặt, những nhân vật tôi đã nói chuyện. Đó mới là điều đáng quý hơn tất thảy của nghề”.

Một nữ nhà báo nổi tiếng đã chia sẻ với các thí sinh có nguyện vọng thi vào trường báo như vậy trong buổi tư vấn hướng nghiệp. Nói với các sinh viên tương lai mà tôi như thấy đang nói với mình. Đúng như thế, những trải nghiệm của nghề này thực sự đáng quý, quý hơn bất cứ giải thưởng nào chúng ta có thể giành được trong đời.

“Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt” (V.Huy-). Mỗi khi đọc câu châm ngôn này, tôi lại nhớ đến bác Nhiệm – người phụ nữ gần 10 năm qua đã miệt mài bỏ công, bỏ sức cưu mang những sinh linh bất hạnh. Xét ở một góc độ nào đó, bác cũng là “người nổi tiếng” bởi báo đài đã đến viết về bác rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, bác cũng là một người nông dân Việt Nam chính hiệu với sự hồn hậu, chân chất thường trực trong tâm hồn. Khi chúng tôi đến ngỏ lời, bác đồng ý ngay tức khắc: “Các cháu cũng khó khăn. Bác giúp được gì bác sẽ giúp”. Và chẳng phải khó khăn để bác chia sẻ câu chuyện của riêng mình. Trong lần đến bệnh viện thăm người thân, bác chứng kiến cảnh một cô gái trẻ dứt lòng bỏ đi cái thai trong bụng mình. Niềm thương cảm trong bác trỗi dậy, “còn con, còn của, sao nỡ vứt bỏ đi”. Hành trình 10 năm chở che cho những sinh linh bất hạnh của bác bắt đầu từ đó.

Thế nhưng, chớ có hiểu nhầm rằng bác “ham” nổi tiếng. Bác đã âm thầm làm công việc không ai dám làm ấy suốt sáu, bảy năm trời. Gia đình cũng còn không biết. Chỉ đến khi có một vài biến cố, các nhà báo mới biết đến câu chuyện đầy cảm động về tấm lòng của bác. Và khi đoàn chúng tôi chuẩn bị ra về, bác nói: “Mấy năm trước các báo đến nhiều lắm, nhưng bác từ chối, lên nhiều ngại lắm. Bác chỉ đồng ý với sinh viên vì muốn tạo điều kiện cho các cháu học tập thôi”. 

Tôi cũng nhớ đến anh Thuận – một kỹ sư công nghệ thông tin đầy tài năng mà tôi chợt biết đến qua vài người bạn học cùng trung tâm tiếng Anh. Khi đang học phổ thông, một căn bệnh quái ác tưởng như đã quật ngã anh trên giường bệnh. Nhưng anh vẫn gượng dậy, nỗ lực học tập, kiên trì theo đuổi ước mơ để giờ đây, không chỉ có công việc ổn định, anh còn có điều kiện để giúp đỡ rất nhiều người khác. Lớp học anh mở miễn phí tại thôn Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) thu hút trẻ em khắp vùng đến học. Nhiều đứa trưởng thành từ đây rồi lại quay trở về cùng anh giảng dạy. Khi đến trò chuyện cùng anh, tôi cứ nghĩ mãi: “Nếu là mình, lâm vào hoàn cảnh đó, mình liệu có thể đứng dậy như vậy không?”.

cbd45e525_i_2466.jpg

Anh Thuận cùng lớp học nhỏ của mình đã truyền cho tôi một cảm hứng sống thật lạc quan, mạnh mẽ.

Ngày xưa, tôi từng là một "fan" của bộ sách Hạt giống tâm hồn - nơi tập hợp những câu chuyện tuyệt vời về lòng tốt. Thế nhưng, từ ngày trở thành sinh viên Báo chí, tôi đã bỏ thói quen đó vì chợt nhận ra những con người tôi được hân hạnh biết tới còn tốt hơn cả điều ghi trên trang giấy. Họ không "vĩ đại" như sách vở hay nói, nhưng họ nhân hậu gấp trăm ngàn lần! Nếu so sánh mỗi nhân vật là một món quà với người viết báo, thì bản thân tôi thực sự hạnh phúc vì đã có quá nhiều quà được gửi đến trong năm. Họ thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi.

Và nghề báo còn thú vị ở những câu chuyện “phía sau mặt báo”. Tôi mới kể trên trang giấy rằng, làng ca trù ở Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) ấy, có những người ca nương tài năng và tâm huyết ra sao, chứ chưa kể đến sự tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ của người dân nơi đó. Trời tối muộn, bác Chủ tịch CLB ca trù vẫn chẳng nề hà đưa chúng tôi đến gặp từng nhân vật để trò chuyện. Khi ra về, bác còn tiễn đến đầu làng và chỉ đường ngắn nhất để về lại nội đô. Hay một cơ duyên rất “ngẫu hứng” qua một shop mỹ phẩm trên mạng mà tôi gặp được nhân vật mình mong đợi cả tháng trời. Những chi tiết có thể “không báo chí” nhưng đã làm nên những tác phẩm báo chí của chúng tôi.

Tôi đã mơ được trở thành một nhà báo từ năm học lớp 8. Nhiều năm trôi qua, với những va vấp và thất bại, những niềm tin và động lực, tôi vẫn muốn chân thành với ước mơ thưở nhỏ của mình. Tôi không dám chắc mình có thể thành công hay đi xa bao lâu với khát khao này, nhưng còn một ngày làm nghề, tôi vẫn muốn viết thật tử tế và hẳn hoi trên từng trang giấy.


Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN