Nghệ nhân Hà Thị Cầu – Đời người, nghiệp Xẩm

(Sóng trẻ) - Cái đã đi là cái đã mất, đành vậy, nhưng nỗi nhớ và tình cảm hoài niệm về một con người cứ ám ảnh ta mãi, đó là chưa kể giá trị vô giá mà người ấy để lại vẫn còn là cả một tiếc nuối với nhiều người.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã mang điệu Xẩm ca vắt qua hai thế kỷ, người đã nối sợi chỉ vàng của nghệ thuật Xẩm để truyền lại cho con cháu, để Xẩm ca không bị đứt gánh giữa đường. Vì con người ấy, chúng tôi đã thực hiện phóng sự chân dung “Cụ Hà Thị Cầu – Đời người, nghiệp Xẩm” như một nén tâm hương tưởng nhớ người nghệ nhân già.

Tôi đến Yên Mô vào một ngày cuối tháng Tám, khi trời đang độ vào thu, những hạt lúa vàng óng hòa vào màu nâu của đất đai châu thổ, tiếng máy tuốt lúa chạy ềnh ềnh báo hiệu vụ thu hoạch được mùa. Tôi hỏi thăm vào nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu không khó. Đó là một ngôi nhà có chu vi chừng hai chục m2, thọt lỏn giữa những tòa nhà cao tầng xung quanh.

Hương trầm khói tỏa thoang thoảng khắp ngôi nhà kéo không gian trùng xuống, trầm mặc và tịnh độ. Bàn thờ cụ Cầu được đặt ngay cạnh cửa sổ, nơi này trước kia là chiếc giường cụ nằm. Tôi rưng rưng xúc động khi nhìn lên di ảnh của cụ được đặt cung kính trên bàn thờ. Những nếp nhăn xô lại trên gương mặt già cả, hồn hậu. Chiếc khăn mỏ quạ trên đầu để lộ ra những sợi tóc bạc trắng. Đôi mắt có hột thường thấy ở người cao tuổi vẫn sáng lên như nhìn thấu cuộc đời, khuôn miệng đỏ lên màu vôi trầu, hai má đầy nếp nhăn hồng hồng ở người hay rượu.
Cây đàn nhị được đặt ngay bên tấm ảnh. Bầu gỗ mộc tròn tròn, cung vĩ óng xám lên như một chứng minh cho sự gắn bó lâu dài.

36f0b68cc_anh1.jpg

"Báu vật sống" Hà Thị Cầu

Cô Mận, con gái cụ giở những tấm bằng khen của cụ cho tôi xem. Dòng chữ ngay ngắn đề danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, giải thưởng Đào tấn… và nhiều bằng khen khác. Đó là sự ghi nhận cái nghiệp Xẩm của một con người đã suốt đời cất lên giai điệu mà mỗi khi lắng nghe lại gợi trong ta những suy ngẫm về thế thái nhân tình, để rồi tĩnh tại trong cái cuộc sống bộn bề này.

Sinh ra giữa thời loạn lạc ở vùng quê nghèo Nam Định, từ năm 8 tuổi, cô bé Năm đã phải bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp làng trên xóm dưới, khắp Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình…. Những điệu hát, tiếng đàn cứ thấm dần vào trong cô, rồi đến ngày cô cũng coi Xẩm là một cái nghề của đời mình.

Gió về đông năm ấy, lạnh tê tê, nước ập vào bờ dào dạt và ở bến nước nào người ta cũng khổ bởi làng quê nào cũng nghèo, cũng đói. Giữa khu chợ quê lủng lẳng nào thúng nào nia, nhấp nhô những chiếc nón mê mốc xanh mốc đỏ …Trên nền lấm lem đất cát, một chiếu Xẩm được trải ra, có bóng dáng người con gái chừng 14, 15 ngồi bên cây đàn nhị mà cất lên điệu hát vừa não nùng lại vừa dìu dặt, vui tươi. Cái chợ quê nghèo dặt bước chân người được góp vào điệu Xẩm trở nên đỡ heo hút hẳn đi. Người qua, người lại nghe hay tai thì ngồi bệt xuống đất, tụm quanh chiếu Xẩm mà nghe, thi thoảng chiếc chậu thau ố vàng phát ra tiếng lách ta lách tách.

Thế rồi, người con gái ấy về làm vợ thứ 18 của ông trùm Xẩm Trương Mậu, lại cùng cây đàn nhị lăn lê khắp nơi kiếm sống. Cho đến năm 38 tuổi, chồng bà qua đời. Tiễn biệt ông chồng trùm Xẩm, bà lại quay về với nghiệp Xẩm. Suốt mấy mươi năm gắn bó với Xẩm, cho đến khi tóc đã bạc, tay đã mỏi, bà vẫn cứ gắn bó với cây đàn nhị, cứ ca lên điệu Xẩm như một thách thức với đời. Xẩm dường như đã là cuộc sống của bà, cũng như là cái nghiệp nó đã vận vào cuộc đời bà vậy.

Năm 1979, lần đầu tiên tiếng hát của bà được cất lên trên một sân khấu lớn. Đó là buổi hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh hợp nhất Hà Nam Ninh. Giọng hát của bà đã làm xáo động và náo nức cả hội diễn. Câu hát xưa kia lang thang khắp các chợ vùng quê giờ được trân trọng trên ánh đèn sân khấu. Bà say sưa hát, hồ hởi hát trước những con người lao động thôn quê nhưng biết yêu và trân trọng cái di sản văn hóa của dân tộc. Tiếng đàn dứt rồi, câu hát Xẩm     lặng đi, ngấm vào khoảng không tĩnh mịch, rồi bỗng dưng cả phòng khán giả rào rào vỗ tay. Ban giám khảo tặng bà Huy chương Vàng, năm ấy bà bước vào tuổi 60, tuổi 60 tỏa sáng trên ánh đèn sân khấu.

Trong suốt cuộc đời hát Xẩm của mình, không biết bao nhiêu lần nghệ nhân Hà Thị Cầu đã cất lên những câu hát tri ân mười công ơn biển trời của cha mẹ. Những làn điệu Xẩm Thập ân đã được vang lên trong những ngày lễ mừng thọ, đám giỗ và đám hiếu… Ở mỗi nơi, nghệ nhân lại có một cách thể hiện khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh. Cách thể hiện khác nhau đó đã làm nên nét độc đáo, hiếm có ở bà.

Không chỉ có tiếng đàn, lời ca diệu vợi, nghệ nhân Hà Thị Cầu còn có sáng tạo nghệ thuật vô cùng độc đáo. Sự độc đáo là bởi bà là một người không biết chữ mà lại sáng tác ra bài hát Xẩm gây được tiếng vang trong xã hội, đó là bài “Theo Đảng trọn đời”.

Từ lời ca hóm hỉnh, những thanh điệu trong vắt, hồn nhiên của tâm hồn và tính cách dí dỏm, cụ đã hát mãi lời ca mộc mạc, ca ngợi Đảng, ca ngợi quê hương, đất nước, hát về những tình cảm chân chất, gần gũi của người nông dân Việt Nam chân lấm tay bùn. Vừa nhấn nhá theo những lời Xẩm cụ ngân, bác Lê Thị Quý, 55 tuổi, nói: “Cụ hát, cái giọng hát của cụ thì kể cả ở đài tiếng nói Việt Nam thì chả có ai được như cụ. Già rồi mà giọng bà cứ vang, cứ nn vậy. Chỉ có chê mỗi cái điều là cụ làm vậy mà không được tý lương.”

36f0b68cc_anh2.jpg

Nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền nghề

Niềm vui trong cuộc sống lúc về già của cụ đó là được tiếp tục hát lên những điệu Xẩm, được nghe những điệu Xẩm lưu truyền trong nền Văn hóa Việt Nam. Cụ hát cho mình, hát cho đời và đồng thời cũng mong muốn truyền lại cái nghiệp Xẩm cho con cháu về sau.  Học trò của cụ, có những người nổi tiếng như Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nan, Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa… và cũng có những người vì yêu Xẩm mà đến nhờ cụ truyền dạy. Chú Nới, con rể cụ kể lại :“Ở hội câu lạc bộ ở đây, tối đến đây học, cứ hát ầm ầm. Bà cứ ngồi đây, lắm bận hát chán trong nhà, dạy hát rồi ra thực tập múa ở đây. Bà cứ ngồi cái ghế đây, đứa nào mà đàn sai là bà đến bà chỉ, dạy cứ như giáo viên vậy, thích lắm chứ”.

Đối với những thế hệ tiếp bước cụ, người Nghệ nhân ấy là cả một tình yêu và lòng ngưỡng mộ. Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Thập nói:“ Đây là một người có giọng hát có một không hai. Một giọng hát dân gian, đặc biệt nó khác hẳn với tất cả các giọng hát Xẩm khác. Là một cái giọng có một không hai. Mà cái cảm nhận của tôi đứng trước cụ là cảm nhận của thế hệ đi sau, đứng trước một bậc tiền bối, mặc dù cụ không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng mà để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng mà những thế hệ những nghệ sĩ chuyên nghiệp như chúng tôi cần phải học hỏi. Bởi vì học hỏi nghệ thuật truyền thống nó chính là được tích tụ lại từ những cái vốn có xuất phát từ dân gian mà ra, mà cụ chính là cái gốc của dân gian đấy”.

“Dạt nước cánh bèo, bấy lâu nay lênh đênh dạt nước cánh bèo. Đã từng lưu lạc để nhiều vất vả gian truân…” Câu Xẩm ấy như vận vào cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu. Một cuộc đời đầy những gian truân, thế nhưng người nghệ nhân này đã bước qua tất cả để trở thành biểu tượng của nghệ thuật hát Xẩm. Cả đời bà đã dong duổi hát rong, đã đem cái vốn Xẩm vắt qua hai thế kỷ, nhưng ở con người ấy cũng chỉ có một tâm niệm duy nhất như lời cô Mận, con gái cụ kể với tôi: “Bà bảo là bây giờ mẹ chỉ mong là đến nữa mẹ chết, người ta nghĩ đến mẹ, cho mẹ một gian nhà để thờ riêng mẹ để làm cái kho bảo tàng. Chỉ nghĩ mơ ước một điều đấy chưa được. Các nơi cũng chả thấy về nữa.”

Sinh thời, cụ Cầu rất thích uống rượu. Có lẽ, cái men rượu nó cũng say mê như cái men say của Xẩm, hai chất men đó hòa quyện vào nhau, ăm ắp trong giọng hát khiến cho bao người nghe phải say đắm, não nùng. Và gần một năm sau cái ngày cụ vĩnh viễn về với tổ Xẩm, cô Mận vẫn hàng ngày rót chén rượu dâng lên bàn thờ cụ. Vệt nắng vàng xiên qua khung cửa, rọi bóng cây đàn nhị lên mặt bàn thờ, mùi hương trầm lan tỏa đem lại cảm xúc mênh mang với dòng hồi ức như đang ùa về…

Vào những ngày như hôm nay, cụ Cầu lại đem cây đàn nhị ra cạnh cửa sổ, cứ ngồi xổm chân vậy, khuôn miệng cứ bỏm bẻm nhai trầu mắt hướng nhìn về phía con đường dài của phố huyện. Tiếng nhị vang lên cứ nhấm nha nhấm nhẳng, rắt réo, đu đưa theo đôi bàn tay gầy gầy, hằn lên những đường gân xanh xao…

                                                                       Lê Thư
                                                             Lớp Phát Thanh K31
Ảnh: Internet



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN