Nghệ sĩ Bùi Văn Huân: "Bỏ phố về quê" để thổi hồn cho gốm
(Sóng trẻ) - Trên mảnh đất Phù Lãng, Quế Võ (Bắc Ninh), nghệ sĩ Bùi Văn Huân - hay còn được biết đến với cái tên Gốm Huân - đã thổi hồn văn hóa Việt vào từng hòn đất, làm nên những tác phẩm gốm mộc mạc mang đậm bản sắc dân tộc.
Viên gạch trên nền móng ban đầu
Sinh ra và lớn lên tại làng gốm Phù Lãng có truyền thống hơn 700 năm tuổi nghề, ngay từ khi còn nhỏ, nghệ sĩ Bùi Văn Huân đã được tiếp xúc với hơi thở của gốm. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành Gốm, anh quyết định gắn con đường tương lai của chính mình với nghề gốm thủ công. Chính tình yêu với quê hương và làng nghề đã khiến anh từ giã nơi phố thị phồn hoa để sống với gốm.
Không sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại, anh Huân quyết định tìm về với gốm theo phương pháp thủ công truyền thống. Đối với anh, làm thủ công tuy có nhiều công đoạn, lại mệt nhọc, vất vả, song đó là cách duy nhất để gìn giữ và phát huy những kỹ thuật truyền thống của cha ông. Anh Huân chia sẻ: “Những kỹ thuật máy móc hiện mới được sáng tạo ra trong vòng hơn một trăm năm nay, nhưng những kỹ thuật thủ công kia đã được đúc rút từ đời này qua đời khác, nó đã mất hàng trăm năm, hàng nghìn năm mới có được những kỹ thuật đó”. Tuy nhiên, theo thời gian cũng như chiến tranh, những kỹ thuật đó dần bị mất đi ít nhiều đã ảnh hưởng tới chất lượng, giá trị của gốm. Làm gốm thủ công là một cách để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Anh Huân mong muốn mình là viên gạch đầu tiên trên nền móng ban đầu đó, có thể cùng với những người trẻ tìm lại được những kinh nghiệm, kỹ thuật làm gốm xưa để có thể phát triển gốm Việt trong tương lai.
“Cuộc đời ai cũng có những khát khao, mong muốn riêng. Với bản thân tôi, đam mê cả đời có lẽ là phát triển nghề gốm thủ công và gìn giữ những giá trị tốt đẹp nhất cho các thế hệ sau”, nghệ sĩ bộc bạch. Với anh, đó là một cách để đóng góp một phần công sức cho việc giữ gìn nền văn hóa nước nhà.
Chia sẻ về những đứa con tinh thần của mình, anh Huân cho biết: “Những sản phẩm tôi làm phần nhiều dựa trên cảm hứng và ngẫu hứng. Mỗi một sản phẩm đều mang cảm xúc, hơi thở, kinh nghiệm của bản thân nên sản phẩm dù hỏng hay ở trạng thái nào cũng đều trân quý. Từ những sản phẩm chưa hoàn hảo để rút kinh nghiệm làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng hơn”. Quá trình không ngừng trải và nghiệm giúp anh Huân thêm trân quý từng hòn đất, dù ở bất kỳ trạng thái nào cũng có thể trở thành gốm. Làm gốm thủ công là cái nghề đòi hỏi kinh nghiệm, song đẹp hay không lại phụ thuộc vào cảm nhận và cái gu của người nghệ sĩ. Bởi lẽ: “Chính cách nhìn các sự vật hiện tượng, văn hóa, lịch sử sẽ diễn giải đúng tinh thần của người tạo tác trên sản phẩm gốm”. Đối với anh Huân, làm gốm là một hành trình đi cả đời vẫn chưa hết kinh nghiệm, vẫn phải học, càng học càng thấy mình cần phải học tiếp.
Gia tài gốm thấm đượm tinh thần Việt
Gốm Huân theo đuổi phong cách mộc mạc, gần gũi và truyền thống, mỗi tác phẩm luôn mang giá trị tinh thần và văn hóa dân tộc. Những tác phẩm của anh là sự kết hợp giữa cá tính hiện đại và âm hưởng dân tộc qua đó khẳng định được dấu ấn cá nhân giữa làng nghề 800 năm tuổi.
Bước đệm đầu cho tình yêu gốm của nghệ sĩ Bùi Văn Huân là bộ tượng linh vật 12 con giáp giúp anh bước vào con đường sáng tác gốm chuyên nghiệp. Lấy cảm hứng từ hình ảnh 12 con giáp gắn liền với văn hóa của người Việt không bị trùng lặp với bất kỳ quốc gia nào, bộ tượng đã lan tỏa được nét đẹp truyền thống dân tộc qua những dáng hình ngộ nghĩnh và mới lạ. Bộ linh vật đã giúp anh Huân giành được giải khuyến khích trong Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc năm 2014 tại Hà Nội.
Với mong muốn tái hiện tình cảm gia đình, bộ sưu tập “Gia đình sen” với hình dáng bông sen “tàn” là toàn bộ tâm ý của người nghệ sĩ được gửi gắm qua những đài sen cách điệu. Anh Huân lý giải: “Sen tàn biểu hiện cho bố mẹ, còn bông sen thể hiện đứa con”. Trên bình sen là những đường lượn sóng, chuyển động như những khó khăn của gia đình phải trải qua, để giũa được hạnh phúc đó là hình tượng đặc trưng cho tình cảm của người Việt luôn hướng về nhau. “Con lớn đến mấy vẫn là con của bố mẹ. Do vậy, bố mẹ có già đến mấy vẫn luôn lo lắng cho con và hướng về con cái, lo nghĩ cho con cái chứ không bỏ con cái được”, nghệ sĩ gốm sử dụgn hình ảnh sen tàn là vì vậy.
Nguồn cảm hứng cho các sản phẩm gốm của anh Huân còn đến từ chính những điều giản dị nhất trong cuộc sống như những nơi mà anh đi qua. “Cao nguyên đá Đồng Văn”, “Đường lên non cao” hay “Ruộng bậc thang”- đó là những đặc trưng của người Việt Nam. Nét đẹp đó chạm vào cảm xúc của người nghệ sĩ, thôi thúc anh diễn tả nó trên gốm, đưa vào trong những sản phẩm để ai cũng có thể cảm nhận và đâu đó, cũng vẽ lên được câu chuyện về gốm, về tinh thần Việt.
Mang linh hồn văn hóa người Việt nên các sản phẩm của gốm Huân chủ yếu hướng đến khách hàng trong nước. Khi làm gốm, vấn đề kinh tế phải sonh hành nhưng đối với Bùi Văn Huân, đó không phải là điều duy nhất anh quan tâm. Anh Huân luôn lạc quan, không nóng vội mà chỉ quan tâm đến việc học hỏi từng ngày để tạo ra được những sản phẩm thật sự có giá trị về mặt tinh thần cũng nưh văn hóa, để những người khách hàng, nhừng người yêu gốm Việt giống anh, có thể lan tỏa được tình yêu gốm đó đến với mọi người.
Những tác phẩm trên mới chỉ là những bước đi đầu tiên của anh Huân, anh cho biết bản thân còn nhiều mong muốn và dự định cho gốm Việt trong tương lai. Để làm được điều đó, bản thân anh vẫn cần phải học tập, rèn luyện thật nhiều bởi “Trong gốm, cần phải trải nghiệm, khám phá nhiều, cần phải có những thất bại để bước được thêm những bước tiếp theo”. Mục tiêu lớn nhất của anh là lan tỏa tình yêu gốm Việt cũng như đam mê của mình tới cộng đồng.