Ngõ phố Hà Nội nhem nhuốc trong "ma trận" rác quảng cáo
(Sóng trẻ) - Hình ảnh những cột điện, tường nhà, trạm biến áp, thậm chí cả cây xanh bị dán chi chít tờ rơi quảng cáo đã trở nên quá quen thuộc, làm xấu xí bộ mặt đô thị và gây bức xúc trong lòng người dân.
Nhan nhản quảng cáo rác khắp nơi
Từ trung tâm thành phố đến các khu vực ngoại thành, từ trong ngõ đến ngoài phố, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp “bóng dáng” của những tờ rơi quảng cáo đủ loại, từ cho vay tín chấp, dịch vụ lắp đặt internet, cho thuê phòng trọ, tìm thú cưng thất lạc… Chúng được dán chồng chất lên nhau, tạo thành một lớp "áo" nhếch nhác, lôi thôi, che khuất cả thông tin trên biển báo, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Không chỉ dán trên các bề mặt cố định, "quảng cáo rác" còn len lỏi khắp nơi, treo lơ lửng trên dây điện, thậm chí bị vứt bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Đạt, sống tại khu vực Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ: "Cái cột điện trước nhà tôi, hôm nay bóc tờ rơi đi thì ngày mai lại mọc lên như nấm. Nhìn rất phản cảm. Chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý tình trạng này".
Bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương gần 60 tuổi ở chợ Thành Công, cũng bức xúc: "Tôi thấy mấy người dán quảng cáo toàn làm ban đêm. Họ dán kín mít, chẳng quan tâm gì đến mỹ quan cả. Nhiều tờ rơi còn rơi xuống đất, gây mất vệ sinh môi trường. Cần phải phạt thật nặng những người này”.
Vậy nguyên nhân nào khiến "quảng cáo rác" hoành hành như vậy? Một phần là do chi phí quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội khá cao, trong khi việc in và dán tờ rơi tại nơi công cộng lại rẻ và nhanh chóng. Lợi dụng tâm lý này, nhiều cá nhân, tổ chức đã bất chấp quy định, in ấn hàng nghìn tờ rơi rồi thuê người đi dán trộm vào ban đêm. Hơn nữa, việc xử phạt hành vi dán quảng cáo trái phép hiện nay chưa đủ sức răn đe, khiến tình trạng này tái diễn liên tục.
Đáng lo ngại hơn, một số quảng cáo còn chứa nội dung nhạy cảm, thậm chí là lừa đảo, như quảng cáo cá độ, mại dâm, vay nặng lãi… Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.
Cần đẩy mạnh chế tài để nâng cao ý thức
Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã quy định rõ mức phạt đối với hành vi dán quảng cáo trái phép. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt vẫn còn gặp nhiều khó khăn do khó xác định được đối tượng vi phạm. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân trong việc giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh việc xử phạt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc chấp hành quy định về quảng cáo. Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng các hình thức quảng cáo hợp pháp, văn minh và hiệu quả hơn.