Người dân ngạt thở sống cùng "Cao- Xà- Lá"
Chỉ trên một đoạn đường dài chưa đến 3km ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) là ba nhà máy: Cao su, Xà phòng, Thuốc lá nằm san sát nhau, hàng đêm xả khí thải ra môi trường. Sức khỏe của người dân sống xung quanh rơi vào nguy hiểm khi ngày ngày hít thở khối lượng lớn chất khí độc hại.
“Cao- Xà- Lá” là khu công nghiệp bao gồm Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, Công ty thuốc lá Thăng Long tồn tại trên 50 năm gần trung tâm Hà Nội. Nhiều năm nay, người dân phường Hạ Đình quanh khu công nghiệp đã phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm kéo dài từ việc xả thải của ba nhà máy, gây lên những ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống sinh hoạt. Bên cạnh đó, trục đường Nguyễn Trãi- Ngã Tư Sở, nơi lưu lượng tham gia giao thông rất đông đúc, vốn ô nhiễm vì hoạt động sản xuất công nghiệp nay lại càng ô nhiễm hơn vì khí thải ô tô, xe máy.
Một trong ba nhà máy xả khí thải ra môi trường nhiều năm nay
Đây cũng được coi là “’điểm nóng’’ điển hình về ô nhiễm không khí. Tại số nhà 55 phố Hạ Đình, nơi được đặt hệ thống quan trắc không khí đã cho kết quả: lượng SO2 cao nhất trong 100 điểm nóng về ô nhiễm không khí bên cạnh khu công nghiệp của Hà Nội (91 microgam/m3), cao gấp 9 lần so với các khu vực nông thôn. Chỉ cần đi dọc con đường Nguyễn Trãi thì có thể lần lượt ngửi ngay thấy 3 mùi đặc trưng này bốc nồng nặc khắp đường phố. Theo các chuyên gia, đây cũng chính là nơi “tiêu thụ” lượng than khổng lồ cho sản xuất công nghiệp (than sản ra khí lưu huỳnh gây ô nhiễm).
Chất thải ba nhà máy xả ra là bụi than, khói khét, hóa chất công nghiệp, các chất gây ung thư từ thuốc lá như: axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)…
Ô nhiễm không khí tại đây đang gây ra những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp đe dọa sức khỏe cũng như tính mạng của người dân địa phương đang sinh sống. Nhiều hộ dân bức xúc đã đưa kiến nghị, phản ánh lên cơ quan chức năng có thẩm quyền mà vẫn chưa có biện pháp hay chính sách để giải quyết.
Video: Người dân bức xúc vì hoạt động xả khí thải của nhà máy
Không chỉ vậy, đối diện khu công nghiệp “Cao- Xà- Lá” còn là nơi học tập của hàng ngàn sinh viên của hai trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Khoa học Tự nhiên. Khói khí thải từ ba nhà máy gây mùi khó chịu và ảnh hưởng tới quá trình học tập cũng như làm việc của sinh viên, giáo viên.
Bạn Nguyễn Lê Minh Thuận (Trường ĐH KHXH - NV) chia sẻ: “Vào giờ cao điểm, lúc 4-5h là lúc nhà máy xả thải ra. Mùi hôi gây gây của thuốc lá, cảm giác buồn nôn và rất khó chịu, ảnh hưởng tới việc học hành. Ngồi học bọn mình thường phải đóng kín hết cửa sổ để tránh phải ngửi thấy rõ mùi thuốc lá của nhà máy bên kia đường. Nhưng lúc về, ra đến trạm xe buýt vẫn không thoát khỏi mùi khó chịu đó, vì bến xe buýt nằm sát cạnh Nhà máy Thuốc lá Thăng Long”.
Trước tình trạng trên 20 hộ dân phường Hạ Đình đứng đơn kiến nghị về khu công nghiệp “Cao- Xà- Lá” nhưng đến nay chỉ có Nhà máy Cao su Sao Vàng là di chuyển về khu công nghiệp Châu Sơn (Phủ Lý - Hà Nam). Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không khí, mùi hôi thối của khí thải vẫn không hề thuyên giảm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị và khu dân cư. Nhưng cho tới hiện nay, ba công ty Cao su, Xà phòng, Thuốc lá dù gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhưng vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất.
Trong vụ việc này, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đến đâu? Tại sao vẫn chưa có hình thức xử lý những sai phạm? Và đến bao giờ người dân mới thoát khỏi cảnh sống ô nhiễm?... Đó là những câu hỏi lớn được đặt ra cho bài toán phát triển kinh tế đô thị đi đôi với bảo vệ môi trường của thủ đô Hà Nội.
Đinh Thu Thủy- Nguyễn Thị Ngọc Mai
Đa phương tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận