Người giữ hồn Việt trong tiếng sáo quê hương
(Sóng trẻ) – Trong suốt 7 năm trở lại đây, lớp học nhạc cụ truyền thống miễn phí của nghệ sĩ Lê Thái Sơn (số 1, ngõ 3, đường Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội) được mở cửa đều đặn vào mỗi buổi chiều. Với thầy Sơn, điều thầy mong mỏi lớn nhất, chính là thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn con người Việt Nam vào trong từng nốt nhạc.
Căn phòng khách của ông bày biện rất nhiều loại sáo, tiêu, đàn T’rưng đủ các hình dáng, kiểu loại khác nhau. Đặc biệt, tất cả trong đó đều được làm nên từ bàn tay ông. Làm sáo, tiêu, làm đàn là công việc, đồng thời đó cũng là niềm đam mê, là bữa cơm tinh thần mỗi ngày của người thầy giáo giàu đam mê và tận tụy.
Luôn trăn trở về tính dân tộc trong từng nốt nhạc
“Tôi luôn muốn rằng, bất kỳ học sinh nào đến học với tôi, dù thời gian dài hay ngắn, dù có năng khiếu hay không, đều có thể thổi được bài “Quê hương”. Bởi đó là cái hồn của dân tộc, là điều mà chúng ta cần hướng đến”. Nghệ sĩ Lê Thái Sơn tâm sự như thế khi kể về lớp học nhạc cụ truyền thống được xây dựng tính đến nay đã được gần 7 năm. Khi sự du nhập của nhiều thể loại nhạc nước nài đã trở nên phổ biến, việc gìn giữ nét riêng, hồn Việt trong từng nốt nhạc trở nên khó khăn hơn. Người thầy giáo ấy vẫn luôn trăn trở về những thanh âm riêng, đậm chất quê hương Việt Nam trong tiếng sáo.

Căn nhà nghệ sĩ Lê Thái Sơn được trang trí bằng những nhạc cụ truyền thống
Từ một cây tiêu, ông thổi cho chúng tôi nghe từ điệu ru miền núi, đến đồng bằng Bắc Bộ, đến miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Mỗi một bài ru, ông lại đưa người nghe về với một vùng miền khác nhau. Đó cũng chính là hành trình rong ruổi, bôn ba của ông từ khi còn trai trẻ. Ông từng đi nhiều nơi, đến mỗi vùng miền, ông lại học được những nét riêng trong âm nhạc, ca từ của vùng đất ấy. Và chất riêng đó thu vào trong từng nốt nhạc, trong từng cây sáo, cây tiêu. Ông còn kể về thời gian đến nước Mỹ, ôm cây đàn T’tưng nhỏ nhắn, chơi bài nhạc truyền thống ngay giữa thủ đô Washington. Có thể nói, trong tiếng sáo của ông không những có tình yêu, mà còn có cả niềm tự hào dân tộc.
Năm 2010, nghệ sĩ Lê Thái Sơn đã xuất bản cuốn sách “Hướng dẫn sử dụng Sáo ngang 10 lỗ, sáo mèo và tiêu”. Nhắc lại về những bài sáo mẫu được viết trong cuốn sách này, ông cho biết: “Trong cuốn sách đó tôi đã lược bớt phần lớn các bài sáo Trung Quốc. Bởi tôi luôn muốn những giai điệu quê hương Việt Nam ăn sâu vào tiềm thức, vào thói quen của mỗi học sinh. Quê hương mình đẹp thế, tình đến thế, sao phải thổi những khúc nhạc của nước nài?”

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn chơi đàn T’rưng
Cho đi là nhận lại…
Nhiều người biết đến nghệ sĩ Lê Thái Sơn bởi lớp học nhạc cụ dân tộc miễn phí ông đã mở ra từ năm 2011. Lớp học mở cửa mỗi ngày với các nhóm học sinh đủ mọi lứa tuổi, từ những em nhỏ là học sinh tiểu học đến những người đã về hưu.
Ngày nào lớp học cũng mở cửa từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều. Những ngày trong tuần ông dành phần lớn thời gian để giảng dạy cho những người lớn tuổi, những người đã về hưu. Còn ngày thứ bảy, chủ nhật, ông quan tâm sâu sát hơn đến những em nhỏ đang ở độ tuổi đến trường. Phải thực sự tâm huyết và đầy tính trách nhiệm, ông mới có thể duy trì lớp học của mình một thời gian dài như vậy.
Khi được hỏi về động lực khiến ông có thể duy trì lớp học trong một thời gian dài đến thế, ông cho biết: “Trước hết tôi quan niệm rằng mỗi người chỉ có được một cuộc đời thôi. Có người sống được 80 đến 90 tuổi, nhưng có người không được như thế. Nếu chúng ta có hiểu biết sâu về một lĩnh vực nào đó, nếu không biết lan tỏa, không biết truyền dạy cho người khác, thì cuối cùng cát bụi cũng sẽ về với cát bụi. Việc truyền dạy, lan tỏa một hiểu biết, kỹ năng nào đó đến cho người khác khiến cho nó được tồn tại mãi mãi”
Ông tâm sự, khó khăn nhất là giảng dạy cho những người lớn tuổi. Hơi thổi của người già không khỏe, không sâu như người trẻ nữa, ngón tay cũng không còn linh hoạt. Bởi thế mà khi sửa lỗi cho họ gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhưng chỉ cần họ có đam mê và muốn được học, thầy sẵn sàng chỉ dẫn cho đến lúc thuần thục.
Một con người không ngừng tìm tòi cái mới
“Tôi đã trăn trở biết bao nhiêu lâu rồi, mới chế ra cái loại tiêu có thể thổi được những bài hát cực kỳ trầm. Trong hệ tiêu vẫn còn thiếu những loại trầm này”. Vừa kể ông vừa rút ra từ trong tủ một chiếc tiêu dài gần 1 mét và bắt đầu miêu tả về những đặc trưng của nó. Để làm nên một sản phẩm như thế không phải là chuyện của ngày một ngày hai, đó phải là kết quả của một hành trình dài dày công tìm hiểu, thử nghiệm. Nhưng ý nghĩa hơn cả, là nó đã góp một phần mình trong việc làm phong phú thêm bộ công cụ sáo tiêu Việt.
Có một loại tiêu được ông trực tiếp chế tạo chỉ có 9 lỗ nhưng chất lượng âm thanh vẫn không giảm. Việc giảm đi một lỗ sẽ làm cho người thổi gặp ít khó khăn hơn trong việc điều khiển nốt nhạc. Và không dừng lại tại đó, ông vẫn đang ấp ủ nhiều dự định để tạo ra nhiều loại tiêu sáo đơn giản hơn, dễ sử dụng hơn cho nhiều người. Những chiếc tiêu, sáo nhỏ sẽ được thiết kế để phù hợp hơn cho những học sinh cấp một. Ông luôn mong mỏi tìm kiếm và thiết kế được những nhạc cụ mà nhiều người có thể sử dụng được, để một ngày không xa, nó trở thành một người bạn thân thiết của mọi người, mọi nhà.

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn với chiếc tiêu trầm mới chế tạo
Căn phòng khách của nghệ sĩ Lê Thái Sơn vẫn vang lên tiếng sáo, tiêu truyền thống mỗi buổi chiều. Và thế hệ học sinh này tiếp nối thế hệ trước, họ đã, đang và sẽ góp một phần mình trong việc gìn giữ và mang tiếng sáo, tiếng đàn quê hương vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn, sau khi tốt nghiệp Trường Lý luận nghiệp vụ Bộ văn hóa (Tiền thân của trường Đại học Văn hóa ngày nay), ông bôn ba khắp mọi miền tổ quốc, từ rừng núi Tây Bắc đến vùng đồng bằng, Tây Nguyên. Suốt cả chặng đường ấy, tiếng sáo, tiếng đàn T’rưng theo ông như một người bạn tri âm, tri kỷ. Nhiều học sinh của ông đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực âm nhạc như: Giảng viên Học viện âm nhạc Quốc gia Bùi Công Thơm – người từng đạt giải Nhì cuộc thi độc tấu sáo toàn quốc năm 2008, Nguyễn Xuân Trung – diễn viên nhà hát ca múa nhạc Việt Nam,… Có nhiều học sinh của ông không theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, nhưng cũng nhờ có âm nhạc mà đã đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống.
|
Hằng Nguyễn – PTK36
Cùng chuyên mục
Bình luận