Người “nhặt nắng” thắp lửa niềm ti
(Sóng trẻ) - "Trong cuộc đời làm gì cũng cần có một cái tâm" - đó là lời mà cô giáo Trần Thị Nhung - Chủ nhiệm câu lạc bộ "Từ trái tim đến trái tim", người tổ chức dự án “200 hộp sữa mỗi tuần” vẫn hay nhắc nhở học trò của mình.
Trong một lần thực hiện chương trình SV Update của câu lạc bộ, tôi được biết đến cô qua lời giới thiệu của một người bạn. Xuyên suốt quá trình thực hiện phóng sự, được tiếp xúc, được chứng kiến những việc làm và cùng trò chuyện với cô, tôi dường như thấm thía hơn về câu nói của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không chỉ dạy con chữ mà còn dạy làm người…”.
Người khơi dậy những tấm lòng
Cô Nhung cùng các em nhỏ tại viện K2
Cô Nhung hiện đang làm giáo viên dạy Tiếng Anh tại trường THCS Giáp Bát, nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi, xuất sắc của trường. Nài thời gian lên lớp, cô còn tham gia nhiều chương trình tình nguyện, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.
Cô là người đứng ra thành lập chương trình “200 hộp sữa mỗi tuần” phát sữa đến tay những bệnh nhân ở bệnh viện K2, Tam Hiệp, Hà Nội từ tháng 5/2013, đồng thời cô cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” – Quỹ nhân ái người cao tuổi. Thời gian đầu mới thành lập dự án, số lượng thành viên chưa nhiều, số lượng sữa hàng tuần mới chỉ dừng lại ở con số 200 hộp nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, con số ấy đã tăng lên gấp đôi.
Cảm phục trước tấm lòng của cô giáo mình, rất nhiều bạn học sinh của cô Nhung đã trở thành tình nguyện viên cho chương trình, cô còn kêu gọi được hơn 150 bạn sinh viên và các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước đóng góp cho dự án này. Cô chia sẻ: “Dự án này bắt nguồn từ một dịp rất tình cờ, khi cùng mọi người đi phát cháo từ thiện trong bệnh viện. Khi mà cô đến đó, nhìn thấy những bệnh nhân không ăn được cháo, không ăn được cơm cô cảm thấy rất thương xót. Lúc đấy mới nghĩ rằng mình nên ủng hộ thứ gì để bệnh nhân thực sự có thể uống được, dùng được. Vì thế mà cô nghĩ sẽ làm “ 200 hộp sữa mỗi tuần” ”.
Không chỉ là kiến thức sách vở…
Cô Nhung cùng những bạn tình nguyện viên
Trong hơn 30 tuần thực hiện chương trình, đều đặn hàng tuần cô cùng với các bạn tình nguyện viên chở những hộp sữa đến với những mảnh đời bất hạnh. 30 tuần với biết bao khó khăn vất vả nhưng đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc, 30 tuần với những cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên để nâng từ 200 lên 400 hộp sữa, cô Nhung đã trở thành “người mẹ” thứ hai của những bạn tình nguyện viên tham gia chương trình. Mỗi chiều thứ bảy, trong ngồi nhà nơi ngõ nhỏ của cô lại tràn ngập tiếng cười, những tiếng gọi “mẹ Nhung” đầy ấm áp.
Là một giáo viên nhưng cô không chỉ truyền dạy cho học sinh những kiến thức trong sách vở mà vượt ra khỏi ngưỡng cửa ấy, cô dạy học trò của mình cách làm người, cách đối nhân xử thế. Cô từng hỏi chúng tôi: “Do you want to become a STARTER or FINISHER?”. Khi mà mọi người vẫn lưỡng lự chưa trả lời cô nắm tay và bảo: “Trong cuộc đời làm gì cũng cần có một cái Tâm các con ạ. Dù cho trong hành trình ấy đầy những khó khăn và thách thức chỉ cần có niềm đam mê thì việc gì cũng có thể vượt qua, chỉ cần các con không nản chí, vững tin với mục tiêu của mình. Mình cho đi và nhận lại đó là quy luật của cuộc đời. Cuộc đời chẳng phụ những tấm lòng đâu”.
Cảm ơn sự hữu duyên của cuộc đời đã đưa cô đến với tôi để tôi có thể chiêm nghiệm và rút ra được nhiều bài học như vậy. “Cuộc đời là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình” – Cô là Trần Thị Nhung - Người “ nhặt nắng” thắp lửa niềm tin.
Cô Nhung chụp ảnh kỉ niệm cùng đoàn SV Update
Mỹ Linh
Truyền hình K32 A1