Người phụ nữ hơn 20 năm dạy học miễn phí: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về"
(Sóng Trẻ) - Hơn 20 năm dạy học miễn phí cho các em nhỏ gia đình khó khăn, đến nay, dù đã ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy”, bà vẫn tiếp tục dạy học với đầy niềm vui. Bà chia sẻ vui rằng: “Khi nào tôi còn sức thì khi đó tôi vẫn sẽ tiếp tục dạy. Niềm vui của tôi là được nhìn thấy các em học tốt, nên người".
Ghé thăm nhà bà Sắc ở trong một con hẻm nhỏ tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lớp học của bà không khang trang như các lớp học khác mà chỉ có hai ba bộ bàn ghế để cho học sinh ngồi học. Thấy tôi tới thăm, bà giao cho một em đang học một bài tập nhỏ rồi tất bật đi dọn dẹp bàn ghế, vui vẻ rót nước.
Sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ, học xong cấp 3 ở tỉnh nhà, bà thi đỗ vào trường Đại học Thương Mại Hà Nội. Năm 1972, tốt nghiệp đại học, bà đợi đất nước giải phóng để đi vào công tác miền Nam. Chờ 1 tháng ở Hà Nội nhưng quân ta lại chưa giải phóng được, bà lên Yên Bái công tác. Nộp hồ sơ tại Lào Cai để vào ty Thương Mại thì bà nhận được quyết định về dạy ở trường Thương Mại, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Bà được phân công dạy kỹ thuật tính toán cho cán bộ miền Nam, thanh niên xung phong và bộ đội trong chiến trường ra.
Trong thời gian đi dạy, bà vừa đi làm ở khách sạn ga Yên Bái, lại vừa làm công tác 228 – công tác đi kiểm tra các cơ quan, xí nghiệp nhằm chống tham ô. Sau đó, bà tiếp tục được tỉnh triệu tập đi điều tra dân số. Công tác ở biên giới được 7 năm, cuối năm 1978 bà xin về dưới xuôi. Về Hà Nội, bà làm công tác giảng dạy tại trường chế biến ăn uống Hoa Sữa Hà Nội, nay là trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa.
Năm 1991, chồng mất vì bệnh tai biến mạch máu não nên bà phải một thân một mình nuôi con khôn lớn. Hai người con bà lúc ấy mới chỉ học cấp 2 và cấp 3. Việc dạy các con cũng là do một tay bà làm. Ngày xưa, điều kiện còn thiếu thốn hơn bây giờ rất nhiều, nài việc đi dạy, bà phải làm cả các công việc nài khác để kiếm thêm vài đồng ít ỏi cho hai đứa con ăn học.
Công việc dù có vất vả nhưng tối nào bà cũng dạy học cho các con, từ xem bài vở trên trường, kiểm tra lại kiến thức của con. Hồi ấy, bà còn nhận kèm thêm miễn phí cho con em của những nhà lân cận. Ban đầu có những phụ huynh chưa dám tin vào những kiến thức bà dạy. Nhưng sau một thời gian thấy các em hiểu bài nhanh, cứ như vậy, bà càng được nhiều người tin tưởng.
Gần 20 năm dạy học miễn phí
Bà Sắc bên một em học trò của mình
Những năm đầu, bà chỉ nhận dạy cho những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đến trường. Nhưng càng về sau, thấy bà dạy đơn giản, dễ hiểu, tiếng lành đồn xa nên nhiều em trong xóm thỉnh thoảng cũng sang nhờ bà giảng thêm kiến thức chưa biết. Công cụ giảng bài chỉ gồm cái bút và quyển vở, chẳng có phương pháp giảng dạy hiện đại nào. Nhưng bù vào đó, bà như một “kho tàng sống” chứa đựng đầy những ví dụ, câu chuyện lấy từ thực tế để đưa vào dạy học. Em nào học chậm bà còn ưu tiên nhiều thời gian hơn để giúp đỡ các em. Chính vì vậy mà học sinh của bà tiến bộ rất nhanh.
Là người thích đọc nhiều thể loại sách khác nhau lại hay tìm tòi và học hỏi, bà Sắc am hiểu ở nhiều lĩnh vực, từ Toán, Lịch sử, Địa lý, Tự nhiên và Xã hội. Chính vì vậy, kiến thức ở bậc từ tiểu học đến phổ thông bà đều có thể giảng dạy cho các em. Dù không được đào tạo qua trường lớp Sư phạm nào, nhưng với kinh nghiệm đứng lớp trong nhiều năm liền, bà hiểu được cách dạy giúp các em học và nắm bắt kiến thức tốt hơn.
Bà Sắc dạy học cả sáng, chiều, tối. Cứ lúc nào có học sinh mang sách vở đến là bà dạy. Bà chia sẻ: “Nếu cái tâm đã muốn làm thì không có công việc nào là khó". Nhờ tình yêu thương các em học trò mà bà đã truyền dạy rất nhiều kiến thức, giúp các em tiến bộ từng ngày.
Nghe bà chia sẻ đến đây, em Phạm Diệp Linh (14 tuổi, huyện Lâm Thao) đang ngồi học phía bên nài cũng nói vọng vào: “Em rất thích bà dạy môn Toán. Hồi trước, em học kém môn Toán lắm nhưng từ khi học bà, em thấy thích môn Toán hơn. Em thấy bà dạy rất dễ hiểu".
Vui vì có thể giúp đỡ được nhiều người
Không chỉ dạy văn hoá, bà Sắc còn dạy các em cả nhân cách làm người. Bà thường hay kể những câu chuyện dân gian mang tính răn đe, giàu nhân văn để chỉ bảo các em. Những câu chuyện bà kể, chỉ cần nghe một lần là em nào cũng nhớ. Bà Sắc chia sẻ: “Tôi thường kể cho các em câu chuyện về những tấm gương tốt đẹp trong đời sống. Đối với tôi, không gì quý hơn là có một cái tâm trong sáng, một tấm lòng hướng thiện. Điều tôi mong muốn là được nhìn thấy các em được nên người, mai sau trưởng thành làm nên điều có ích cho xã hội".
Nài việc dạy học không lấy tiền, nhà bà còn có cả tủ sách cho mượn miễn phí để các em có thể đến mượn đọc bất cứ lúc nào. Tủ sách của bà có rất nhiều các đầu sách về Lịch sử, Địa lý, toán nâng cao, tập làm văn, thậm chí là cả những cuốn từ điển Tiếng Việt, tập thơ, tập truyện... Nhiều cuốn là bà dùng tiền của mình để mua. Hoặc nhiều khi, sách cũ, sách người ta không còn dùng đem cho, bà đều giữ lại, lưu về tủ sách để giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Sắc bên cạnh tủ sách của mình
Các con của bà hiện đều đã có công ăn việc làm, không muốn bà tuổi cao mà phải vất vả dạy học. Nhưng đối với bà, niềm vui duy nhất ở tuổi xế chiều là giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt. Hai người con dù nhiều lần khuyên mẹ nhưng thấy mẹ yêu thích việc dạy học như vậy nên cũng ủng hộ. Bà chia sẻ, hai chị còn sắm bộ bàn ghế và đóng cho bà tủ sách chắc chắn hơn.
Từ căn phòng dạy học nhỏ của bà, nhiều lớp học sinh đã trưởng thành nên người và cũng có sự nghiệp của riêng mình. Có người trở thành giáo viên, có người trở thành kế toán,... Trong lòng họ, bà không khác gì một người thầy, người mẹ mang sức mạnh to lớn, là động lực để họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Đâu phải ai sinh ra cũng có được gia cảnh tốt, điều kiện để đi học đầy đủ. Việc bà làm là xuất phát từ tình thương, thương các em, thương cả cha mẹ các em chật vật từng đồng nuôi con. Bà hiểu điều ấy, bởi đã từng trong hoàn cảnh của họ, bà biết để nuôi đứa con của mình nên người đâu có dễ dàng gì. Bà Sắc tâm sự, danh xưng như thế nào không quan trọng, quan trọng là bà vui vì có thể giúp đỡ được nhiều người.
Nguyễn Diệp Hằng
Cùng chuyên mục
Bình luận