Người sáng lập Vaps: 10 năm đồng hành cùng người tự kỷ

10 năm qua, anh Nguyễn Đức Trung đã đầu tư không ngừng nghỉ về trí tuệ, công sức và tiền bạc để tạo ra mô hình kinh tế đặc biệt cho người tự kỷ (Vietnam’s Autism Projects - VAPs), nhằm mục đích giúp đỡ cho người tự kỷ.

a-nh-1.png

Nhận và thưởng thức chiếc pizza từ “Chef” Hưng - nhân viên tự kỷ của VAPs - Bếp trưởng của nhà hàng, chúng tôi có cơ hội được trò chuyện cùng anh Nguyễn Đức Trung - Giám đốc dự án. Bất cứ ai đến trải nghiệm, anh Trung đều có mặt để thuyết minh, trò chuyện cùng khách hàng về công ty và các bạn nhân viên đặc biệt ở đây. 

Hành trình gắn bó với cộng đồng người tự kỷ 

Điều gì dẫn anh đến với cộng đồng người tự kỷ nói chung và bắt đầu hành trình sáng lập và hoạt động VAPs?

- Trước đây tôi học chuyên ngành về tài chính - kế toán. Tôi đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, du lịch, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu… Sau này, tình cờ có cơ duyên với người tự kỷ, tôi bắt đầu dành thời gian nghiên cứu về các chương trình nghề nghiệp cho người tự kỷ trên thế giới và quyết định thành lập dự án giúp đỡ các bạn tự kỷ và các gia đình có con tự kỷ ở tuổi trưởng thành. Trong khoảng năm 2013-2015, tôi vừa nghiên cứu, vừa đầu tư mô phỏng để tránh thiệt hại, sau đó là 2 năm đầu tư thật vào dự án đào tạo việc làm cho người tự kỷ.

Đây là mô hình chưa từng có trên thế giới và tại Việt Nam. Chính vì chưa có tại đất nước này thì mình làm để cho thấy niềm tin và dĩ nhiên mình phải hi sinh, đánh đổi trí tuệ, đánh đổi thời gian, tiền bạc để gây dựng.

Trách nhiệm của VAPs là dìu dắt, đào tạo các bạn mắc tự kỷ có thể lao động, làm việc, tự tạo ra thu nhập bằng chính sức lao động của mình. Khác với các dự án thiện nguyện là đóng góp rồi chia sẻ thì sẽ không mang tính bền vững, dự án này sẽ ổn định và đồng hành cùng các bạn tự kỷ trong thời gian dài

Anh mất bao lâu để đào tạo một bạn tự kỷ đến khi có thể thực hiện được những công việc trong công ty này?

- Câu hỏi này tôi cũng không thể trả lời chính xác được. Vì sao? Mỗi bạn lại có khiếm khuyết khác nhau, sự phát triển khác nhau nên thời gian đào tạo cũng là khác nhau. Những ngày đầu, tôi phải dạy các bạn rất lâu bởi kiến thức nền của các bạn ấy trống rất là nhiều

Như bạn Hưng - bếp trưởng 17 tuổi - chuyên về đồ ăn, đào tạo khoảng 2 năm rưỡi đến 3 năm, bạn Minh chuyên về đồ uống đã theo được khoảng 5 năm. Bạn Hưng rất giỏi về đồ ăn và tư duy đồ ăn rất là cao, bạn thích xem phim, hoạt hình về đồ ăn. 

Còn có anh Tùng 29 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong các nhân viên tại đây và cũng giao tiếp tốt nhất. Anh Tùng có thể vận hành siêu thị, hiệu sách, tư vấn, thanh toán cho khách hàng và còn có thể tham gia đào tạo các bạn lứa sau.

Tùy theo mức độ tiếp thu của các bạn mà mình lại phải dành lượng thời gian khác nhau để chỉ bảo và phân công cho các bạn chuyên môn phù hợp.

Để đưa mô hình kinh tế cho người tự kỷ đi vào hoạt động như ngày hôm nay là một hành trình rất dài. Anh có thể chia sẻ thêm về những khó khăn trên hành trình ấy được không?

- Đứng ở góc độ thực hiện thì hoạt động mô hình này cũng rất là khó. Để làm được tới ngày hôm nay nó phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố về trình độ, về kiến thức, về pháp lý, về xã hội, về nhiều cái rủi ro mà chính mình không  nắm bắt được. 

Như đã đề cập ở trên thì việc đào tạo các bạn tự kỷ cũng là quá trình gian nan. Các bạn ở đây lúc đầu không biết Coca hay Pepsi là gì, vì các bạn không tiếp xúc với môi trường xã hội như chúng ta, không biết được sự mĩ miều của thế giới bên ngoài. Để dạy một bạn cách cầm cốc đúng thôi cũng có thể mất đến vài tháng. Và khi dạy việc, không thể dạy các bạn cùng một lúc mà phải đào tạo riêng từng bạn. Kiến thức nền của các bạn tự kỷ cũng rất là ít, vì hầu hết là nghỉ học sớm vì không theo được chương trình học. Vì vậy, mình không chỉ dạy nghề mà còn phải bổ sung kiến thức phổ thông cho các bạn.

Tôi làm công việc này cũng có nhiều thứ chưa biết nên hoạt động hiện nay vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện. Cứ làm rồi thấy chỗ nào sai thì mình lại sửa. 

Còn ai khác hỗ trợ anh công việc quản lý công ty, chăm sóc, hướng dẫn các bạn nhân viên hay không?

- Hiện tại có một cô hỗ trợ tôi, còn phần còn lại vẫn do tôi đảm nhiệm chính. Toàn bộ thời gian trong ngày tôi đều dành ra tại đây để cùng các bạn làm việc. Nếu tôi đi ra ngoài là toang, không ai kiểm soát, không ai điều hành. Nếu có ai sẵn sàng làm việc ở vị trí này, tôi sẵn sàng trả trăm triệu một ngày.

Vậy anh có ý định tuyển dụng thêm cho vị trí quản lý, điều hành cùng anh?

- Tôi có tuyển đủ, nhưng không ai làm nổi. Đây là mô hình KINH TẾ cho người TỰ KỶ. Vì vậy người điều hành cần kiến thức về kinh tế và hiểu rõ về người tự kỷ, và quan trọng nhất phải là sự đam mê và kiên nhẫn. Một giám đốc lớn nhưng kiến thức về tự kỷ lại hạn chế, họ có thể bán cả trăm chiếc xe nhưng việc phải đi dạy bảo một người tự kỷ từ cái nhỏ nhất như lau chén, bát trong hàng tháng trời lại là chuyện khác. Giống như việc phải từ bỏ đỉnh cao để trở về với những thứ nhỏ nhất vậy.

Còn một lựa chọn khác là các giáo viên về giáo dục đặc biệt. Các cô sẽ hiểu được tâm lý của các bạn mắc khiếm khuyết, có thể giao tiếp, kiên nhẫn với các bạn. Tuy nhiên các giáo viên lại không có kiến thức về kinh doanh, marketing, quản lý nhà hàng… Mà không biết mấy cái này thì thầy cô cũng không thể đào tạo các bạn làm việc được.

Mô hình mở - hòa nhập xã hội 

Tại sao anh lại lựa chọn mô hình kinh doanh nhà hàng, hiệu sách, và siêu thị cho các bạn mắc chứng tự kỷ?

- Ngoài nhà hàng, hiệu sách và siêu thị thì tôi còn 6 dự án khác về người tự kỷ (homestay, hướng nghiệp, giặt là…)

Tôi chọn các mô hình này bởi tính chất “mở”, tức là các bạn vừa làm việc vừa trò chuyện với khách. Khi nói về giúp đỡ người khuyết tật, ta thường nhắc đến từ khóa “hòa nhập”. Hòa nhập trước rồi mới có thể kiếm tiền được. Các bạn khi làm việc ở đây không chỉ được học nghề, kiếm tiền mà còn được giao tiếp với khách hàng. Mô hình tương tác mở đó là điều tôi muốn hướng đến cho các bạn.

                                   Video: Doanh nghiệp hạnh phúc của người tự kỷ

Thời gian gần đây, mô hình kinh tế của anh có sức lan tỏa rất lớn trên mạng xã hội. Anh thấy thế nào về sự lan tỏa của đứa con tinh thần này?

- Khách hàng đến đây chủ yếu là nghe tôi nói và tương tác với các bạn nhân viên nhiều hơn là chỉ để ăn pizza. Tức là mình biết cái giá trị của mình nó ở đâu. Cái mà cuốn hút khách hàng đến đây chính là các bạn nhân viên, chứ còn ăn pizza thì ăn ở đâu, ăn lúc nào chẳng được, đúng không? Mọi người đến đây nhìn thấy các bạn lao động, các bạn kiếm tiền nhờ phục vụ thì khách rất thích, vì nó hay và có thể giúp đỡ các bạn giống mọi người.

Cũng có những người nổi tiếng đến đây và ngỏ ý muốn giúp đỡ. Nhưng chúng tôi có cách làm rất khác với phần còn lại tại Việt Nam. Cách họ (các tổ chức xã hội khác) làm là vận động nguồn đầu tư xã hội, trách nhiệm của họ là thu chi minh bạch, hợp lý. Còn cái tôi đang làm là dìu dắt hàng ngày, đồng hành cùng các bạn để hoạt động kinh doanh. Tôi là nhà kinh tế, nhà đầu tư. Nếu công ty cứ đi lên dần dần thế này thì tôi không cần cầm tiền của ai cả, công ty vẫn tự chủ và kiếm tiền rất tốt. Chỉ khi nào công ty này cần quy mô lớn để giúp đỡ 63 tỉnh thành khác thì lúc đấy sẽ cần sự chung tay của xã hội.

Khách hàng cũng không cần phải ủng hộ bằng cách đặt 40 cái pizza rồi ship về nhà, tôi sẽ từ chối luôn. Vì khi ấy là tôi làm pizza chứ các bạn nhân viên sẽ không thể làm được những 40 cái. Nếu tôi muốn lợi nhuận từ bán pizza thì thay vì thời gian làm bánh đó, tôi đi làm cái khác còn kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Vậy nên tôi không nhận khách cũng như đơn hàng ào ạt.

Cách tốt nhất để mọi người giúp đỡ công ty là đến đây ăn và trả tiền. Khách hàng đến trải nghiệm, trò chuyện với tôi và tiếp xúc với các bạn nhân viên ở đây là được rồi.

Qua chia sẻ thì việc điều hành mô hình kinh tế cho người tự kỷ là không hề dễ dàng. Anh có dự định mở rộng quy mô dự án trên nhiều địa phương khác hay không?

- Một mình tôi thật sự không thể quản lý hết được nhiều chi nhánh hay dự án tương tự, vì vận hành một cơ sở này thôi đã tốn rất nhiều thời gian và công sức. Những tích cực từ dự án của tôi có thể là tiền đề cho những người khác có thể tin tưởng và nhân rộng mô hình này lên. Và những người đó chính là các bậc phụ huynh có con tự kỷ.

Bài toán lớn nhất của các phụ huynh có con tự kỷ chính là niềm tin. Họ chưa biết phương pháp đào tạo, chưa đủ đam mê, kiên nhẫn, chưa biết cách đầu tư, chưa biết cách làm để vận hành nó hiệu quả. Qua đó, tôi mong mô hình của mình có thể là cơ sở, tạo dựng được niềm tin cho các bậc cha mẹ trên để họ sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư cho con về giáo dục, y tế. Đầu tư cho con là đầu tư hợp lý nhất, chứ thay vì đưa tiền cho tôi thì tôi không có nhu cầu nguồn tiền của phụ huynh. Đấy là cái cách làm sau này thì tỉnh nào cũng có thể  làm được, gia đình nào cũng làm được.

Doanh nghiệp của anh còn có tên là “doanh nghiệp hạnh phúc”. Tại sao anh lại đặt tên như vậy?

- “Hạnh phúc” là bởi muốn các bạn làm được thì trước hết phải hạnh phúc đã. Có niềm vui, hạnh phúc rồi thì ta mới có thể làm việc.

 *Một nhân viên quay sang hỏi “Chef” Hưng* “Anh chị này là sinh viên thì có cho nợ tiền được không?” 

*Hưng trả lời rõ ràng* “Có ạ”.

Đấy, các bạn ở đây rất là thuần khiết, không quan trọng đến tiền, người khác có thể đến lừa lọc, nợ tiền, các bạn cũng không quan tâm. Khách đến đây các bạn rất thích, còn nếu khách lừa đảo thì phải gặp tôi (cười). Đó cũng là lý do vì sao tôi phải lựa khách.

Còn đối với anh, “hạnh phúc” khi hoạt động dự án này là gì?

- Đó là sự bình an, tôi cảm thấy bình an hàng ngày.  Với nhiều người, cách giải tỏa stress là đi du lịch, khám phá, nghỉ ngơi… để cân bằng cuộc sống của họ. Nhưng rồi khi quay về làm việc thì họ lại tiếp tục stress. Còn tôi thì làm ở đây ít tiền, lợi nhuận ít nhưng ngày nào tôi cũng vui vẻ. Tôi không phải bỏ chi phí gì mà 8 tiếng vẫn rất là “happy”. Mỗi ngày tôi dành ra 8 tiếng tại đây để làm việc cùng các bạn.Với năng lượng đó thì mỗi ngày làm việc là tôi lại khỏe hơn, vui vẻ hơn, an nhiên hơn, yêu đời hơn. 

Ngôi nhà này có rất nhiều nguồn năng lượng tốt, ấm cúng, bình an. Các bạn ở đây rất thân thiết và coi nhau như gia đình. Tất cả cái gì mà tôi làm cho các bạn thì các bạn ấy lại “focus” vào tôi, yêu tôi, quý tôi và trân trọng tôi.

Ở đây không liên quan gì đến sự thần kỷ hay huyền bí, chỉ đơn giản là trái tim chạm đến trái tim mà thôi.

Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ này!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN