Nguy cơ lộ thông tin cá nhân khi in mã QR tiêm vaccine COVID-19 trên áo, ốp điện thoại
(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, việc in mã QR chứng nhận tiêm vaccine lên thẻ, điện thoại, thậm chí là áo đang thu hút đông đảo sự chú ý của người dân. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng tiềm tàng những nguy cơ khôn lường ở phía sau.
Nở rộ mã QR
Theo ghi nhận của PV, từ ngày 1/10, TP. Hồ Chí Minh cho phép người dân di chuyển trong nội thành với điều kiện: tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc 1 mũi sau 14 ngày; hoặc F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày. Việc kiểm tra lưu thông trên đường, khai báo y tế, cung cấp thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19… sẽ được thực hiện bằng mã QR (QR code) cá nhân.
Bám vào lý do đó, nhiều dịch vụ in ấn rất nhạy bén với thời cuộc khi nhanh chóng triển khai in mã QR có thông tin tiêm vaccine lên thẻ, huy hiệu, điện thoại và thậm chí là áo cho người dân.
Theo khảo sát, mẫu áo phông in mã QR có giá từ 80.000 - 150.000đồng/chiếc, tùy vào chất liệu của áo và phiên bản dành cho nam - nữ. Chị Ngọc Ánh – chủ shop bán áo phông ở TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Mặt hàng đang bán chạy nhất là mẫu áo được in dòng chữ “Tôi đã tiêm 2 mũi vaccine”. Bên cạnh đó, shop cũng nhận in mã QR cá nhân nhưng giá thành sẽ cao hơn".
Tương tự, mẫu thẻ in QR code cũng là mặt hàng được ưa chuộng. Sản phẩm này có giá chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/chiếc với nhiều màu sắc đa dạng.
Ngoài dịch vụ in thẻ, nhiều người cũng lựa chọn in mã QR lên ốp điện thoại với giá là 120.000 đồng cho ốp kính và 170.000 đồng cho ốp 4D. Nhiều chủ cửa hàng còn không quên trấn an khách: “Mỗi người mỗi mã riêng để di chuyển nên khách đừng hiểu nhầm là quét sẽ lộ thông tin của mình. Hãy an tâm".
Ngoài ra, huy hiệu "chứng minh đã tiêm vaccine" cũng là mặt hàng gây chú ý khi có thể gắn lên trang phục, túi xách như 1 món phụ kiện thời trang. Mỗi chiếc huy hiệu này đang được bán với giá chỉ từ 10.000 - 30.000 đồng.
Bên cạnh việc sử dụng như một trào lưu, nhiều người cho rằng việc in mã QR chứng nhận tiêm vaccine lên áo phông, ốp điện thoại, huy hiệu, thẻ… sẽ giúp việc thao tác được nhanh chóng khi đến các cửa hàng và địa điểm công cộng, thay vì phải chờ mở khóa điện thoại, truy cập ứng dụng, đặc biệt sẽ thuận tiện đối với người lớn tuổi. Ý kiến khác lại cho rằng việc in mã QR code lên thẻ cũng nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ bị cướp giật hoặc làm rơi điện thoại.
Tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin
Mặc dù được xem là ý tưởng kinh doanh thông minh, nhanh nhạy trong mùa dịch COVID-19, thế nhưng nhiều người nhận định việc in QR code thật của cá nhân có thể làm lộ thông tin, bảo mật, ảnh hưởng tới quyền riêng tư sau này. Cụ thể, mã QR chứa nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm của người dùng gồm họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, số CCCD (CMND), địa chỉ cư trú, số điện thoại... Các mã QR thường lưu thông tin người dùng dưới dạng văn bản thuần túy, không có mã hóa. Chỉ cần vài thao tác decode (giải mã) căn bản là kẻ xấu có thể thu thập được các thông tin trên từ mã QR.
Trước đó, các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo, người dân không nên làm lộ mã QR cá nhân, nhất là trên mạng xã hội. Bởi hiện nay, thẻ xanh COVID-19 và mã QR đều chứa thông tin cá nhân quan trọng của người dùng. Chính vì vậy, việc đưa thông tin lên mạng xã hội sẽ bị các đối tượng xấu lợi dụng để mua bán hoặc đánh cắp, sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân đó để vay tiền tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, khi in mã QR, thay vì gửi mã cho người khác, mọi người nên đến tận cửa hàng để in trực tiếp và đảm bảo người chủ không giữ file sau khi hoàn thành giao dịch.