Nguyễn Đình Kiên: "Tôi chấp nhận hóa trang thành nữ để được diễn văn"
(Sóng Trẻ) - Nhiệt tình, hết mình với hoạt động chung và đặc biệt say sưa với nghệ thuật cổ truyền – là những lời nhận xét ưu ái của các thành viên trong khóa học ‘Một hành trình ba khám phá’ dành cho Nguyễn Đình Kiên – người chấp nhận hóa trang thành nữ để được diễn văn hầu đồng.
Từ không thể…
Gia đình không ai theo nghệ thuật, bố mẹ làm bán hàng kiếm thêm thu nhập nhưng không vì thế mà làm vơi hụt đi niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống từ Kiên – Chàng trai xuất thân từ quê hương ‘Bánh đậu xanh’ nổi tiếng chia sẻ “Ngày nhỏ tôi hay được ở với ông bà nội, nại nên thường được xem và nghe hát dân ca và sân khấu trên đài, trên tivi cùng ông bà. Nhà tôi lại ở gần nhà văn hóa của thôn nên hay được xem mọi người diễn văn nghệ, nhất là hát chèo, hát văn. Lớn lên tôi tham gia các chương trình của trường lớp, xem nhiều vở diễn nhạc cổ trên truyền hình, rồi từ lúc nào nó ngấm vào máu thịt tôi không hay nữa!”
Được biết, Kiên từng là học sinh lớp chuyên văn năm cấp ba, nên việc học thuộc các bài thơ đối với anh là rất cần thiết. Cách mà Kiên nhớ các bài thơ cực nhanh là anh thường ngâm hoặc ‘thổi hồn’ nhạc cho thơ theo các làn điệu dân ca đã biết. Nói đoạn Kiên nhoẻn miệng cười bảo: “Đôi lúc ngâm làn nọ lẫn sang làn kia, mẹ tôi không biết lại phá lên cười”. Sau khi vào Đại học Văn hóa Hà Nội, Kiên bắt đầu nhen nhóm ước mơ được biểu diễn, hát múa các loại hình dân ca nhiều hơn. Chuyện xuất phát từ lần đó, nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Văn hóa Hà Nội với chủ đề “Hồn thiêng sông núi”, Khoa của anh cũng đăng kí dự thi và chuẩn bị một tiết mục văn nghệ chào mừng. May mắn bắt đầu mỉm cười với Kiên khi anh được các Thầy cô trong khoa của mình chọn để biểu diễn tiết mục ‘múa hầu đồng giá chầu đệ nhị thượng ngàn’. “Lúc đó, tôi đã giãy nảy lên em không biết thể hiện đâu! Nhưng các thầy cô đã động viên tôi là: “Em không thê hiện thì còn ai vào đây”. Nhận thấy, thầy cô đã đặt hết niềm tin vào mình rồi, nên tôi phải cố gắng thôi” – Kiên nói.
Chân dung Nguyễn Đình Kiên trong trang phục biểu diễn (ảnh - NVCC)
Có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất đối với người nghệ sĩ đó là khi, đứng trên sân khấu biểu diễn, dưới khán đài không ngớt tiếng reo hò, cổ vũ tán thưởng theo vở diễn đó thì đã là một sự thành công nạn mục. Trở lại đêm diễn trong tiềm thức, Kiên nói: “Hôm biểu diễn ở hội trường đông nghịt với gần một nghìn khán giả, không còn cả chỗ đứng. Khi tôi nhìn về phía khán giả, họ đã cổ vũ, reo hò nhiệt tình theo làn điệu tôi diễn, vì tôi là người đầu tiên múa hầu đồng trên sân khấu Đại học văn hóa, lại ‘giả nữ’ nữa, quả thực lúc ấy tôi không nghĩ trên đời mình còn hạnh phúc nào hơn thế nữa”.
…đến thành công
Được nhiều người biết đến hơn qua lần diễn tại Đại học Văn hóa, Đình Kiên đã xuất sắc ‘ẵm’ về giải nhất ở tiết mục: hai giá hầu đồng và giải nhất toàn đoàn cho huyện Tam Đảo trong Liên hoan hát văn, chầu văn Tỉnh Vĩnh Phúc. Cơ hội cứ lần lượt kéo đến với Kiên, khi trường Đại học Văn hóa phối hợp cùng Trung tâm Âm nhạc Việt Nam thành lập câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống Đại học văn hóa, Kiên được biểu diễn nhiều hơn trên các sân khấu lớn nhỏ và các đài truyền hình. Nài hát văn hầu đồng, Kiên còn theo học và biểu diễn các thể loại như hát xẩm, quan họ, trống quân cùng với Trung tâm Âm nhạc Việt Nam.
Chia sẻ về bảng thành tích đạt được, Kiên tự hào: “Thật vinh dự cho tôi khi là nam đầu tiên ‘được giả nữ’ biểu diễn múa hầu đồng giá Cô đôi thượng ngàn trên Đài truyền hình Việt Nam các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 trong chương trình Chào Xuân mới 2011 - “Dân ca, nhạc cổ”. Sau này, thì được quay thêm một số giá khác nữa trên truyền hình”. Nài ra, anh cùng đoàn đã có cơ hội được biểu diễn cho Chủ Tịch nước thưởng thức; được gặp gỡ, giao lưu và diễn cùng hai nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền…Anh chia sẻ, thường vào tối ba ngày cuối tuần, địa điểm biểu diễn của anh là các sân khấu trong phố cổ Hà Nội, chợ đêm Đồng Xuân…
Đình Kiên cùng đoàn biểu diễn cho Chủ tịch nước thưởng thức (ảnh - NVCC)
Sau khi tốt nghiệp đại học, Kiên làm nhân viên phục trang tại Nhà hát Cải lương Việt Nam và sau đó nhân duyên cứ thế tìm đến với Kiên như được sắp đặt. Anh được biểu diễn ngay trên sân khấu của nhà hát, khán giả rất ủng hộ và hay yêu cầu đoàn trong đó có anh về địa phương biểu diễn.
“Tôi còn được tham gia múa hầu đồng trong chương trình từ thiện gây quỹ như chương trình “Bánh chưng yêu thương” và “Cõng chữ lên non” để trao cho người nghèo và xây dựng trường cho trẻ em vùng cao. Điều đó làm tôi cảm thấy có ý nghĩa hơn khi biểu diễn những tiết mục này” – Kiên chia sẻ.
Diễn vai nữ nhiều thành ra ‘nhiễm’
Không ít khán giả mến mộ Kiên đều thắc mắc một câu rằng: hầu hết trong các vở diễn của mình đa phần thấy Kiên hóa thân trong nhân vật là nữ mà không phải là nam. Câu hỏi khiến chàng trai nở một nụ cười tếu táo: “Chắc là do tôi có đôi tay với những ngón dài, khi múa là một lợi thế, cộng thêm khuôn miệng rộng, mỗi khi cười thì khóe lên và ánh mắt long lanh nên hợp với vai nữ là đúng rồi! (cười). Đó chỉ là một phần lý do thôi, khi đã chuyên và quen thì thành ra nhiễm”.
Gặp gỡ Cô Hòa (Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi rất thích xem biểu diễn giá hầu đồng, đặc biệt lần nào có cháu Kiên diễn tôi cũng đi xem hết. Thấy cháu duyên và diễn nhập vai quá, thành ra lần nào cháu đi diễn ở đâu là cũng muốn đi xem cho bằng được”.
Chia sẻ thêm với pv, Đình Kiên cho rằng mình không hợp khi diễn giá nam, vì diễn nhiều vai nữ quá nên khó để trở về giá khác được. “Khán giả lại hâm mộ và yêu mến tôi ở các giá thánh nữ, tôi lại tự tin ở các giá đó, thành ra tôi cứ dập khuôn thôi. Nói theo tâm linh một chút là, tôi các Thánh Châu, Thánh Cô “chọn” nên đã được cái thân, cái bóng của các ngài và tôi cũng được nhiều “lộc” ở những giá đó. Nhưng điều này đang làm cho tôi trở nên ‘một màu’, tôi đang cố gắng thay đổi, để có thể biểu diễn được nhiều giá hầu hơn nữa” – Anh Kiên khẳng định.
Video Cô đôi thượng ngàn
Tham gia học “chèo 48h”: khi đam mê nâng tầm trách nhiệm
Để thỏa mãn niềm đam mê của mình Kiên đã đăng kí vào khóa học “Chèo 48h – Một hành trình ba khám phá: Chèo – Xẩm – Chầu văn” với mong muốn cùng với các bạn trẻ tham gia khóa học để trải nghiệm các loại hình nghệ thuật truyền thống, mặt khác góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
“Tôi muốn biết thêm về các loại hình nghệ thuật cổ, hơn nữa là học hỏi từ sự truyền dạy của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đồng thời, được học cùng với các bạn trẻ, tôi sẽ tiếp cận được cái hiện đại từ các bạn ấy” – Kiên hào hứng.
Theo ghi nhận của pv có mặt trong đêm gala tổng kết khóa học “chèo 48h”, phần lớn khán giả là các bạn trẻ đã có mặt tại hội trường, để xem các tiết mục báo cáo tổng kết khóa học của các thành viên trong khóa học này. Mọi người tỏ ra rất hào hứng, không ngớt những chàng pháo tay và hò reo dành cho các ‘nghệ sĩ không chuyên’ biểu diễn trên sân khấu.
Đình Kiên cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam (ảnh - Nguyễn Thúy)
Trao đổi với chủ nhiệm câu lạc bộ “Chèo 48h” – Đinh Thảo cho biết: “Anh Kiên là một người rất nhiệt tình, hòa đồng, đặc biệt rất say sưa với nghệ thuật cổ truyền. Là diễn viên nhà hát cải lương, chất cải lương đã ngấm sâu vào anh ấy nên khi chuyển sang học chèo, có những lúc bị lấn chất cải lương vào hát chèo. Khi ấy, anh Kiên rất kiên trì tập luyện để sửa cho bằng được, chăm chú tiếp thu từ các nghệ sĩ đứng lớp, sau giờ học cũng chủ động ôn luyện thêm với các thành viên khác. Bên cạnh đó, anh Kiên được biết đến là người múa hầu đồng rất đẹp và khá nổi tiếng. Vì vậy anh ấy cũng thường xuyên hỗ trợ cho các học viên lớp Chầu văn tập múa sau giờ học. Cho nên, ở lớp anh được Thầy cô và các thành viên khác khá quý mến!”.
Đồng quan điểm với chủ nhiệm Đinh Thảo, Trần Thảo – Thành viên cùng lớp Kiên nói: “Cá nhân mình thấy anh Kiên là một người rất nhiệt tình, hết mình vì hoạt động chung”.
Nắm bắt được lượng khán giả yêu mến loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng tăng lên, không kể tầng lớp, tuổi tác… Chàng trai sinh năm 1989 bày tỏ quyết tâm yêu nghề và sự cố gắng học hỏi hơn nữa để giữ gìn nét truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt. Anh thẳng thắn chia sẻ: “Là một cử nhân ngành Văn hóa, nghệ thuật truyền thống với tôi không còn là sự yêu thích, đam mê nữa mà còn là trách nhiệm đối với việc gìn giữ và phát huy truyền thống của dân tộc, đưa các giá trị truyền thống dân gian đến gần khán giả và nhân dân hơn!”.
Nguyễn Thúy
Đa phương tiện K34a2