Nhà báo Nguyễn Phương Liên: Năng khiếu + Say nghề = Thành công
(Sóng Trẻ)- "Viết báo, chỉ năng khiếu là chưa đủ, phải không ngừng
viết, không ngừng học và đi mới có thành tựu được. Nhiều người quan niệm làm
báo phải có năng khiếu, bản thân tôi khởi nghiệp từ học sinh chuyên Văn, Văn và
Báo đều sử dụng ngôn ngữ nhưng khác biệt đặc thù, thông thạo và thành công của
nghề báo nền tảng là do biết kết hợp hai yếu tố trên" - nhà báo Nguyễn
Phương Liên, Phó Vụ trưởng - Phó Ban Văn nghệ báo Nhân Dân cởi mở chia sẻ.
Từ cô giáo dạy Văn đến nhà báo nổi tiếng
Nhà báo Nguyễn Phương Liên vốn là cô giáo dạy Văn của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Chị công tác ở đây 2 năm rồi mới chuyển hẳn sang nghiệp viết. Trong quá trình dạy học, chị đã cộng tác với báo Văn Nghệ, Tiền Phong và cả báo Nhân Dân, nơi chị gắn bó sau đó, từ 1997 đến hết thời gian công tác của mình.
Nhà báo Phương Liên tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sau lễ tốt nghiệp lớp Lý luận chính trị cao cấp, 5/2016 (ảnh nhân vật cung cấp)
Chị bồi hồi nhớ lại thời thanh
niên, vừa đi dạy vừa viết báo, với vốn kiến thức văn chương sẵn có cùng trải
nghiệm từ những chuyến đi, mỗi bài viết của chị là luyện nghề bằng cách học qua
công việc trực tiếp, cũng đánh dấu sự tự trưởng thành. Năm 1997, gác lại công
việc giảng dạy, chị nộp hồ sơ thi tuyển vào báo Nhân Dân và được nhận làm phóng viên tập sự, khi 25 tuổi.
Sau một năm thử việc, năm 1998, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên trở thành phóng
viên chính thức của báo Nhân Dân với bút danh Nguyễn Phương Liên. Chị bộc bạch:
"Hồi đó, vì cộng tác với báo, tôi biết được thông tin tuyển nhân sự, nên nộp
hồ sơ luôn, đến với Báo cũng xem là may mắn, vì chưa qua đào tạo báo chí chính
quy".
Mới đó, đến nay chị đã gắn với nghề
báo gần 20 năm, đó là quá trình nỗ lực cố gắng hoàn thiện mình. Nhà báo Phương
Liên kể, ban đầu vào Báo cũng lo lắng nhiều vì đây là một báo uy tín, chính thống,
có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Báo Nhân Dân - nhật báo hàng đầu Việt Nam, cơ
quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy tụ nhiều cây bút lão làng, uy thế
của nền báo chí nước nhà, nên ngày đầu công tác ở đây cho đến bây giờ, Phương
Liên thường trực đặt cho mình áp lực: làm sao để viết đúng, trúng, hay, kế thừa
truyền thống của một tờ báo lâu năm, phấn đấu để có thương hiệu và đứng trong đội
ngũ những cây bút thiện chiến, được yêu mến mà vẫn có bản sắc của mình. Quen với
môi trường công tác mới, chị càng năng nổ lăn xả trên các lĩnh vực để tìm kiếm
thông tin nên công việc cứ thế vào guồng và hiệu quả, càng làm càng yêu nghề.
Lao động thực tế là con đường nhanh nhất đưa đến thành công
Nhà báo
Phương Liên tại phòng làm việc - Tòa soạn Báo Nhân Dân
Không phải là dân báo chí gốc,
nhưng chính việc đi thực tế nhiều đã giúp khả năng viết của Phương Liên ngày
càng "lên tay". Chị có quan điểm: Học - làm báo, chỉ có năng khiếu là
chưa đủ, cần phải được va chạm thật nhiều, tiếp xúc nhiều nhân vât, tìm hiểu vấn
đề tới tận gốc rễ mới ra bài hay, có tác động dư luận. "3 nguyên tắc vàng
sinh viên báo chí nên áp dụng khi bước vào nghề: phải đi thực tế, cẩn trọng khi
xem xét tình huống cụ thể và hiểu biết về đời sống", nhà báo Phương Liên
truyền cho chúng tôi niềm say nghề khi nghe chị kể sự khổ luyện. Không đơn thuần
là mang những công thức, khái niệm, thể loại áp dụng, là thành phóng viên khá;
mà phải không ngừng học, đọc, liên tục rút kinh nghiệm và nghiêm khắc với bản
thân. Chị cho rằng, việc trang bị kiến thức và kỹ năng viết tốt ngay lúc là
sinh viên rất cần thiết, bên cạnh đó cần phải cảm thụ xã hội bằng sự nhạy cảm,
nhạy bén, cập nhật, chịu khó quan sát những vấn đề sự kiện đang diễn ra hàng
ngày. "Bí quyết của sự Thành công = Năng khiếu + Chuyên cần", nhà báo
Phương Liên nhấn mạnh.
"Điểm yếu của sinh viên báo
chí hiện nay là thiếu kiến thức, kỹ năng, chưa nghiêm túc trong quá trình rèn
luyện, học tập tại các tòa soạn. Nhiều em chọn nghề vì mốt thời thượng, vì muốn
nổi tiếng, vì nối nghiệp người thân để có cơ hội việc làm chứ không phải vì yêu
thích, nên không chịu khó. Viết báo là phải Đúng - Trúng - Hấp dẫn. Vậy nên, ngay từ bây giờ, các em cần phải học
bằng đam mê, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, học hỏi từ các tiền bối
đi trước - cách hiệu quả giúp nâng cao
khả năng viết, mở rộng kiến văn".
Báo Nhân Dân không còn "khó - khổ
- khô"
Đây là lời khẳng định kèm nụ cười
tươi của nhà báo Phương Liên, khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao Nhân Dân bị tiếng
là báo "khó - khổ - khô ", nhưng chị vẫn chọn chị chia sẻ:
"Báo Nhân Dân nửa thế kỷ đúng là rơi vào tình trạng ấy. Khi chưa đổi mới,
các mảng đề tài đều khô khan. Song trong xu thế đổi mới chung của báo chí Việt
Nam, báo Nhân Dân tuổi 61 đã thoáng hơn trong phong cách viết, trình bày báo, mở
rộng đề tài, hiện nay đồng loạt các ấn phẩm đều được thổi vào luồng gió mới với
đội ngũ cộng tác viên hùng mạnh. Điều ấy chứng tỏ nhiều văn nghệ sĩ đã hào hứng
cộng tác với Nhân Dân, không còn định kiến là tờ báo nặng tuyên truyền, cứng nhắc
nữa".
Nhà báo Phương
Liên trong lễ trao giải Cuộc thi viết về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh với bài viết "Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa" đạt giải
Nhì
Đúng và Trúng vẫn là tiêu chí hàng
đầu, bên cạnh đó yếu tố hấp dẫn đang được tăng cường nhằm giảm vẻ khô khan của
tờ báo. Báo Nhân Dân hiện nay đã có thêm truyền hình Nhân Dân, với những bước
tiến vượt bậc của các báo in, báo điện tử chuẩn bị có thêm phiên bản Tây Ban
Nha, đã chuyển sang lối viết với văn phong sinh động hơn để tăng thêm sự lôi cuốn.
Đồng thời, Nhân Dân cũng tuyển thêm những cây bút là các nhà văn, nhà thơ, nhằm
tăng thêm tính văn chương, độ sâu sắc, nét
bay bổng, nhân văn cho những trang báo vốn kham tải nhiều nhiệm vụ chính
trị.
Là cây bút truyện ngắn từ thời sinh
viên Đại học Tổng hợp Văn, nhà báo Phương Liên còn là hội viên của Hội Nhà văn Việt
Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam bên cạnh việc (đương nhiên) là hội viên Hội
Nhà báo Việt Nam. Đảm nhiệm cương vị Phó Ban Văn nghệ, phải lo tổ chức, biên tập bài vở hàng ngày,
chị vẫn là phóng viên tiếng tăm về mảng Mỹ thuật, vẫn không quên sáng tác văn
chương. Chị còn là người mẹ đảm đang: chăm lo con trai lớn du học ở Anh, sang dự
lễ tốt nghiệp tháng 7/2015, hiện "cậu cả" 23 tuổi đang làm kiểm toán
tại London. Hàng ngày, vừa lo việc cơ quan, đưa đón con trai nhỏ học lớp 3 trường
Trưng Vương, nữ nhà báo còn là người con hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ già.
Mái tóc ngắn năng động làm chị trẻ
hơn tuổi 44, nhà báo Phương Liên chuẩn mực, sắc sảo trong trang viết, lại hiện đại trong đời thường, từ phong cách
thời trang đến tư duy. Sự hiện đại không phải ở dáng phóng xe máy điệu nghệ hay
lái ôtô nhiều năm, mà chính từ tư tưởng không bao giờ bằng lòng với mình, khát
khao cái Đẹp và Mới. Chị nhận nhiều giải thưởng, nhưng khiêm nhường không muốn
liệt kê. Tôi chỉ kịp ghi lại tên tác phẩm "Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như
xưa" đạt giải Nhì trong Cuộc thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh (2012 - 2013), tác phẩm "Những nhà văn hóa cộng đồng Tây
Nguyên bị bỏ hoang", đạt giải B Báo Nhân Dân năm 2013, bằng khen khung
kính quay mặt vào trong tủ kính.
Nhà báo Phương Liên cũng nhắn nhủ lớp
đàn em, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kĩ năng làm báo, mỗi cây bút cần biết
giữ cho mình đạo đức nghề. Nhà báo Phương Liên quan niệm: đạo đức của người làm
báo là phải giữ được cái tên xây dựng và giữ được thương hiệu riêng trong niềm
tin của đồng nghiệp và độc giả. Nghề báo là nghề vất vả, nguy hiểm mà đầy hạnh
phúc, bởi báo chí là nhu cầu thiết yếu của mọi xã hội, trên toàn thế giới.
KIM BẢO NGÂN