Nhà mạng, xe buýt đầu tư lỗ là “giáng đòn” tăng giá
(Sóng Trẻ) Sau đợt tăng giá lần thứ 2 trong năm gói cước 3G vào tháng 10 chưa hết ngỡ ngàng đối với người dùng của các nhà mạng thì vừa qua sở giao thông vận tải Hà Nội lại vừa đề xuất tăng vé xe bus. Dịch vụ cộng đồng đang “giáng đòn” người tiêu dùng.
Hết 3G giờ chuẩn bị đến bus
Từ tháng 4, khi các nhà mạng âm thầm tăng cước lên 25% thì 16/10 vừa qua cộng đồng mạng đã “than trời” khi các gói cước 3G ở hai mạng Viettel và Mobifone tăng lên 40% từ 50.000đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng . Hai gói cước Internet di động không giới hạn dung lượng Minmax (của Viettle) và MIU (của Mobifone) dành cho học sinh, sinh viên cũng tăng từ 35.000 đồng (gói MIU) và 30.000 đồng (gói Minmax) lên 50.000 đồng/tháng.
(ảnh Internet)
Mặc dù tăng giá nhưng tốc độ và dung lượng gói cước vẫn giữ nguyên như cũ. Điều này làm cho cư dân mạng không khỏi bức xúc, thậm chí nhiều người còn dự định ngừng sử dụng 3G.
Nỗi lo ấy chưa đầy một tháng thì “cú sốc” về giá vé xe bus lại đánh vào tâm lí người dân. Vừa qua theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội với UBND thành phố Hà Nội, kể từ 1/1/2014 giá vé xe buýt sẽ tăng lên mức thấp nhất là 7.000 đồng/lượt và cao nhất là 200.000 đồng/tháng.
Đây là lần tăng giá vé xe bus thứ 2 trong vòng 2 năm. Theo đó, Sở GTVT đưa ra mức dự kiến điều chỉnh giá vé tăng đối với vé lượt là 40% với cự ly dưới 25km, từ 25km đến dưới 30km tăng 16% và trên 30km tăng 14%.
Giá thì cứ tăng nhưng liệu chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt, chất lượng hạ tầng xe buýt, chất lượng đoàn phương tiện, chất lượng đội ngũ công nhân lái xe-nhân viên bán vé và chất lượng kiểm soát- điều hành có tăng lên cùng hay vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm thiểu ở một bộ phận không nhỏ. Đây là một câu hỏi lớn cho ngành giao thông nói chung và phương tiện xe bus nói riêng.
Chung quy một lí do: Bù lỗ
Việc tăng giá lần này được các nhà mạng giải thích là để để bù lỗ và tiếp cận gần hơn với giá cước 3G của các nước lân cận.
Giờ đến xe bus cũng là để bù lỗ. Bởi lẽ, Thành phố đã phải bỏ ra khoản kinh phí lớn để trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Cụ thể, năm 2010 là 612 tỷ đồng, năm 2011 là 1.332 tỷ đồng, năm 2012 là 1.020 tỷ đồng, năm 2013 là 1.134 tỷ đồng. Do đó, Sở GTVT Hà Nội cho rằng trong bối cảnh giá đầu vào như nhiên liệu, tiền lương… dẫn đến chi phí cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tăng giá và tình hình thu ngân sách của thành phố giảm do bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên việc điều chỉnh giá vé trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.
Cảnh chen lấn lên xe bus
Các doanh nghiệp muốn giá tăng sao cho "hợp tình, hợp lý" thì cần đồng hành với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Chỉ có như vậy mới có thể khiến khách hàng hài lòng để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp "kêu khóc" là đầu tư lỗ và tiếp tục "giáng đòn" tăng giá xuống đầu người sử dụng.
Thùy Linh
Báo mạng K31
Cùng chuyên mục
Bình luận