Nhận thức rõ mô hình truyền thông, xây dựng khung lý thuyết đề tài nghiên cứu khoa học
(Sóng trẻ) - Sáng 18/7, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về thách thức và cơ hội trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn cấp Quốc gia về mô hình truyền thông.
Đến tham dự buổi hội thảo “Xây dựng khung lý thuyết mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ” có sự hiện diện của PGS.TS Lương Khắc Hiếu - Nguyên giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài; PGS.TS Nguyễn Xuân Phong - Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực 4; PGS. TS Trương Ngọc Nam - Nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Hà Huy Phượng - Trưởng ban Tổ chức cán bộ Học viện; PGS.TS Trương Thị Hằng - Trưởng khoa Triết học; TS. Trần Doãn Tiến - Nguyên tổng Biên tập Báo Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng là toàn thể các nhà khoa học và thành viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS Lương Khắc Hiếu phát biểu: “Mục đích của buổi hội thảo là xây dựng khung lý thuyết mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hướng đến hoàn thiện đề cương đã được Bộ Khoa học & Công nghệ thông qua”.
Đề tài nghiên cứu dựa vào những căn cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất mô hình truyền thông cụ thể: mô hình cá nhân, mô hình nhóm và mô hình truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Trong đó, trọng tâm là các loại hình truyền thông tăng cường nhận thức, nhằm đáp ứng những yêu cầu mà đề tài nghiên cứu đã đề ra.
PGS.TS Hà Huy Phượng phát biểu xây dựng các vấn đề lý luận của đề tài nghiên cứu: “Trong cấu trúc đề tài cần xây dựng được khung lý thuyết vấn đề nghiên cứu, khảo sát thực trạng, đề xuất hệ thống giải pháp, đưa ra các kiến nghị. Đặc biệt, các cơ sở lý luận không thể bỏ qua 2 mô hình truyền thông truyền thống: truyền thông một chiều và truyền thông đa chiều, bởi 2 mô hình đã trở thành công thức của các nhà làm truyền thông, được áp dụng rộng rãi”.
Theo PGS.TS Trương Ngọc Nam, để từng bước hoàn thiện nội dung của nghiên cứu, các nhà khoa học cần xác định hướng tiếp cận và mô hình truyền thông để nghiên cứu đạt hiệu quả. “Mục tiêu của nghiên cứu là đề xuất được một mô hình truyền thông mới, được luận chứng và xây dựng trên cơ sở khoa học thực tiễn. Vì vậy, cơ sở để xây dựng mô hình bao gồm lý thuyết truyền thông đã và đang được ứng dụng tại Việt Nam, cơ sở thực tiễn để hoàn thiện khung lý thuyết đề tài”, PGS.TS Trương Ngọc Nam chia sẻ.
Những vấn đề được đặt ra trong truyền thông và trong nhận thức của công chúng vùng Đồng bằng sông Cửu Long về cơ hội từ quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững được các nhà khoa học bàn luận sôi nổi nhằm đưa ra những định hướng về giải pháp thực hiện triệt để, tiến đến thử nghiệm đề tài.
Đóng góp về việc xây dựng khung lý thuyết, TS.Trần Doãn Tiến cho biết: “Nghiên cứu nên bám sát mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, đồng thời không nên quá xa vào lý thuyết, khái niệm đã được sử dụng để tập trung vào thực trạng, khảo sát và thử nghiệm mô hình truyền thông ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Buổi hội thảo đã đề ra phương hướng thực hiện đề tài nghiên cứu tập trung tinh gọn lý thuyết và khai thác các vấn đề thực tiễn trong và ngoài nước để tăng cường chuyển đổi nhận thức của công chúng. Thông qua buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã định hướng các giải pháp để dự đoán hiệu quả của các mô hình truyền thông, kết quả thực hiện, chỉ báo đánh giá hiệu quả, từ đó làm tiền đề để đề xuất mô hình truyền thông.