Nhọc nhằn đời gánh gạch thuê

(Sóng trẻ) Bàn tay xạm đen và thô ráp miệt mài xếp những viên gạch hồng vào quang, không khẩu trang, không khăn bịt mặt, mặc cho cái bụi của xỉ than và khói lò, những chiếc đòn gánh vẫn hàng ngày nặng trĩu trên đôi vai gầy… Công việc  độc hại và vất vả này đã trở nên quen thuộc với các cô, các chị thuộc xã Nham Sơn huyện Yên Dũng- Bắc Giang.

Làm gạch - Nghề độc hại

Nham sơn là một xã miền núi, tập trung nhiều lò gạch nhất huyện, chỉ khoảng một cây số ven đê  đã có tới hàng trăm lò mọc san sát bên nhau. Hằng năm, cứ mỗi khi người dân thu hoạch xong vụ mùa là lúc các lò gạch ven sông bắt đầu được hoạt động. Việc đốt lò gạch đã giải quyết công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập cho người dân những lúc nông nhàn.

Thế nhưng, những độc hại từ lò gạch thì dường như không ai nhắc đến. “Khói bụi có thể chịu được nhưng đói ăn thì có thể chết ngay”, đa số các chị làm việc ở đây đều có suy nghĩ như vậy. Khu vực lò gạch luôn luôn có những mùi khói than độc hại xộc thẳng vào tận cổ họng, nếu ai mới đến, không quen với mùi khói lò này chắc hẳn rất khó chịu và thấy đau đầu, hơn nữa bụi của xỉ than bốc lên mỗi khi ra lò gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi.

 Chị Lam làm ở đây được 2 năm, cho biết, “mỗi khi ra sông rửa mặt, thấy trong cổ khó chịu, nhổ ra được cả một cục đờm trong họng màu đỏ của gạch, nhìn mà thấy sợ, thế nhưng vẫn phải cố gắng chịu, làm mãi cũng quen thôi.”

Cách đây chưa đầy một tháng cả xóm Đông Hương bàng hoàng và lo sợ khi hai ông chủ lò gạch vẫn còn rất trẻ đang thập tử nhất sinh ở bệnh viện vì bệnh viêm phổi cấp tính. Ai cũng hiểu là do tiếp xúc quá nhiều với khói lò độc hại.

Gánh gạch - Công việc của phái đẹp

Ông Nguyễn Văn Lương trưởng thôn Đông Hương, thôn tập trung nhiều lò gạch nhất trong xã cho biết: “Đa số các lò gạch hoạt động được là do bàn tay làm việc chăm chỉ của chị em phụ nữ. Những ngày nông nhàn, không có việc làm, các chị phải đi gánh gạch thuê để tăng thu nhập cho gia đình”.

Đi dọc theo bờ đê, lò gạch nào cũng có tiếng í ới của chị em phụ nữ, họ làm việc hăng say quên hết mọi nặng nhọc. Những khuôn mặt gầy hốc hác và đen xạm vì lam lũ của người phụ nữ quê nghèo.

Chị Đỗ Thị Hoà cho biết, đến nay đã là ba năm chị làm công việc này, tuy vất vả, nặng nhọc nhưng còn có đồng ra đồng vào. Nếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng thì cả nhà sẽ chết đói.

Bàn tay nhanh thoăn thoắt nhặt những viên “phơ” xếp vào quang gánh chị  Nguyễn Thị Hải tâm sự: “Đàn ông ở đây họ nghĩ rằng công việc gánh gạch là việc của người phụ nữ bởi thu nhập từ nghề này không đáng là bao, không xứng đáng với công sức của họ bỏ ra, thế là họ bảo ở nhà nghỉ cho khoẻ”.

Đứng dưới lò, gần những chiếc nón trắng nhấp nhô bên đống “phơ” nối đuôi nhau tấp nập vào trong lò dưới cái ánh nắng chiều, ông Phương chủ lò gạch ở đây cho biết: Để đốt được một lò gạch và cho ra sản phẩm thì phải cần tới 6 ngưòi thợ đùn, 3 người xếp gạch, phơi “phơ”, 10 đến 15 người gánh gạch và hai người đóng than. Đấy là chưa kể  đến ông và chiếc “kành kạch” đang chở “phơ” cộng lại cũng khoảng từ 20 đến 25 người.

 Ông cho biết thêm, hiện nhân công ở nhà ông chủ yếu là chị em phụ nữ. Mỗi ngày phải gánh nặng trên vai hàng nghìn viên gạch, tính khối lượng thì mỗi chị phải chịu từ bốn đến 5 tấn. Nhiều chị đôi vai đã sờn, lớp da trên vai như đã bị chết, cháy đen và bong ra từng mảng thế nhưng họ vẫn lao động và lao động một cách hăng say như quên đi hết mọi nặng nhọc của công việc này.

Chị Nguyễn Thị Mầu tâm sự: “Tuy công việc vất vả nhưng cũng phải cố  làm bởi không còn cách nào khác, nhiều lần đêm về đôi vai đau rát, người ê nhức…”. Mỗi ngày thu nhập được từ 40 đến 50 nghìn đồng, tuy không cao nhưng với nhiều chị số tiền đó trang trải được rất nhiều việc trong gia đình.

Mỗi viên gạch - Mỗi mảnh đời


Chị Hoà làm công việc gánh gạch đã được 7 năm. Số tiền gánh gạch không đủ để chị chi trả tiền thuốc men và nuôi hai đứa con ăn học. Chồng chị mấy năm trước làm cửu vạn ở Lạng Sơn và sau về nhà thì phát hiện bị bệnh ung thư hạch. Hai năm sau anh mất để lại cho chị hai đứa con với ngôi nhà trống rỗng, không còn một thứ gì đáng giá nài chiếc xe đạp nát và mấy thứ lặt vặt khác. Đau khổ cũng phải cố đứng dậy bởi gánh nặng đè lên vai người phụ nữ gầy gò.  

Chị Thuyết, cùng xóm với chị Hoà lại có cảnh đời éo le khác. Chồng chị mạnh khoẻ nhưng chỉ suốt ngày mê lô đề. Nhà có chiếc xe máy, anh ta cũng đem cầm cố. Đã thế, thằng con trai học lớp 10 nghịch ngợm, hư hỏng đã tự ý bỏ học vào Nam. Chị chỉ mong làm đủ tiền để vào trong đó trong đó tìm con về!

Chị Đỗ Ngọc Khánh là người trẻ nhất nhóm. Để có tiền đi lao động ở Đài Loan, gia đình chị đã phải vay nợ ngân hàng gần 50 triệu đồng. Nhưng khi sang đến nơi, bị phát hiện nhiễm viêm gan B, chị đã bị trục xuất về nước. Với thu nhập từ nghề gánh gạch thì biết đến bao giờ chị trả được hết tiền vay ngân hàng!

 Mặt trời đã khuất dần sau dãy núi. Một ngày lao động mệt mỏi của các chị sắp kết thúc. Họ lại trở về với mái ấm gia đình, với những sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày. Dù sống trong cái nghèo và vất vả nhưng các chị luôn  mơ ước, khao khát về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái mình.

Đinh Bá Đô

Lớp Báo Ảnh K26

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN