"Những bài học chiến tranh" - Cuốn sách về cái chết và sự tái sinh
(Sóng Trẻ)- Chiến tranh đã đi qua nhưng những kí ức về một thời đạn bom ác liệt vẫn còn đọng lại trong nhiều người lính. “Những bài học chiến tranh” là những ký ức về sự sợ hãi cũng như hối hận của John Merson - một người lính Mỹ đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam.
Nỗi sợ hãi
Qua từng trang viết, John Merson đã diễn tả nỗi sợ hãi, sợ cái chết của ông và đồng đội khi sang chiến trường Việt Nam. Những người lính Mỹ mang trong mình khát vọng được trở thành anh hùng nhưng lại vô tình làm mất đi cảnh yên vui, hạnh phúc của bao gia đình, bao người dân Việt Nam vô tội. Khát vọng anh hùng mù quáng ấy đã làm cho họ như điên như dại và chính John Merson cũng nhiều lần đặt câu hỏi “Tại sao những người trên chiến trường lại trở nên điên dại như vậy?”. Ông cũng chỉ ra những sai lầm trong chiến lược của Mỹ khi “lấy thân thể của chúng tôi để làm suy yếu lượng địch”. Cho tận tới về sau này khi trở về nước, những người lính Mỹ tham gia chiến đấu tại Việt Nam cũng sống trong dày vò và tâm lí rối loạn nặng nề. Họ dễ cáu giận và cô độc.
Merson viết “Sự tổn thương về tinh thần của người lính là việc dễ nhận thấy sau mỗi cuộc chiến tranh”. Vậy, những người lính Mỹ ngày xưa đã sợ hãi điều gì? Họ có thực sự mạnh như nhiều người nghĩ?. Họ sợ hãi chính không khí nơi họ sống, chính mặt đất họ nằm, nước họ uống, nỗi sợ ấy len lỏi trong những đường làng, ngõ xóm, thôn ấp mà họ đi qua. John Merson cho rằng chính họ, những người lính Mỹ đã “kế thừa” của quân đội Pháp việc đem nỗi sợ hãi sang đất nước Việt Nam. Họ đã làm cho cả những người mẹ, những em bé nhìn họ với ánh mắt sợ hãi. Nhưng nếu nỗi sợ đó luôn bám đuổi thoe họ thì những con người Việt Nam chân chất, hiền lành kia lại có thể vượt qua được nỗi sợ hãi và trở lại làm những công việc thường ngày.
Cuốn sách “Những bài học chiến tranh” của tác giả John Merson
Tác phẩm còn chứa đựng những tâm tư, suy nghĩ về cuộc sống của những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Họ cũng có rất nhiều trăn trở, khát vọng sống và có những sự lựa chọn sai lầm. Họ cũng phải chứng kiến cảnh đồng đội mình bị chết hay những lúc sợ chính đồng đội của mình. “Chiến tranh không còn là một chuỗi ý tưởng mà trở thành một thây ma trôi trên sông… hay là cái chết hàng ngày đang rình rập chúng tôi.”
Anh hùng thực sự
Ân hận là điều để lại trong rất nhiều người lính Mỹ, trong đó có John Merson. Họ ân hận vì đã sang một đất nước yên bình, reo rắc những nỗi sợ hãi và phải nhận lấy sự sợ hãi đến xuốt cuộc đời. Và hơn hết là cảm giác tội lỗi.
Bao nhiêu năm sau chiến tranh, những người lính Mỹ trở lại thăm Việt Nam, họ vui mừng trước những thay đổi tích cực của Việt Nam. Họ thấy người Việt Nam không chỉ là những người anh hùng trong chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn là những người nỗ lực hết mình vì sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh. John Merson đã tự thú nhận “Tôi biết tôi vẫn không phải là một người anh hùng. Nói cho cùng, tôi chỉ là một người sống sót.” Trước khi tham gia chiến tranh Việt Nam, anh hùng trong ý tưởng của ông là sự chiến đấu cho Tổ quốc mình. Nhưng suy nghĩ ấy đã khác khi ông gặp và âm thầm giúp người dân Việt Nam. Hành động đó có thể đi ngược lại với lí tưởng sống, có thể trái với những điều một lính Mỹ được huấn luyện nhưng nó lại khiến ông có cảm giác “mình như một người anh hùng”.
Tác giả John Merson trong buổi giao lưu và kí tặng sách (Ảnh: thaihabooks)
Những người lính Mỹ có người đã nghĩ tới viễn cảnh xa xôi xem cuộc sống của họ sau khi rời cuộc chiến sẽ như thế nào. Không ít người trong số họ đã nghĩ sẽ trở lại Việt Nam sau 5 năm hoặc 10 năm. Và cũng không ít người nghĩ đó là một việc điên rồ. Với John Merson, Việt Nam trong ông không chỉ là một đất nước với những “tay bắn tỉa” lợi hại mà còn là một đất nước vô cùng tươi đẹp, ông muốn tận hưởng vẻ đẹp đó. Và trong thực tế, sau này ông đã quay trở lại Việt Nam trong vai trò là khách du lịch cũng như đi làm việc.
John Merson cũng thấy những điều mâu thuẫn ngay trong chính khẩu hiệu “bảo vệ hòa bình” của Mỹ khi cho quân tới Việt Nam. Theo ông, biểu tượng mũi tên trên mũ của những người lính Mỹ như muốn nói lên rằng: “Tôi sẽ mang hòa bình tới dù bạn có muốn hay không và nền hòa bình này sẽ giết chết bạn.” Và rất nhiều người trong số những đồng đội của ông đã nghĩ rằng: “Có điên mới tình nguyện nhập ngũ”.
Tác phẩm “Những bài học chiến tranh” thực sự đã mang đến cho độc giả những điều đáng suy nghĩ. Nếu “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là tác phẩm hay viết về sự thật cuộc sống, tâm tư, tình cảm của những người lính Việt Nam thì “Những bài học chiến tranh” lại là từ một góc nhìn khác về cuộc chiến đó, góc nhìn từ phía những người lính Mỹ.
“Những bài học chiến tranh” là một cuốn sách để thế hệ trẻ ngày nay đọc và hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ, những nỗi đau và cả sự dày vò của những người lính năm xưa.
Lương Ngọc Ánh
Cùng chuyên mục
Bình luận