Những câu thoại gây ám ảnh trong bộ phim “Tòa Án Vị Thành Niên”
(Sóng trẻ) – “Tòa Án Vị Thành Niên” hiện đang là bộ phim “gây sốt” trên Netflix toàn cầu và bộ phim với những câu thoại đã phản ánh hiện thực tàn khốc trong xã hội.
1. “Cháu nghe nói trẻ em dưới 14 tuổi, dù giết người cũng không phải đi tù” – Seong U
Câu thoại xuất hiện ngay tập đầu tiên của bộ phim khiến người xem không khỏi rùng mình. Ở tập 1, phim đã tái hiện lại một vụ án hoàn toàn có thật, gây chấn động tại Hàn Quốc. Thủ phạm chính là nữ sinh 16 tuổi Han Ye Eun và nam sinh Seung U 13 tuổi, đã bắt cóc, sát hại và phân xác của một cậu bé 8 tuổi. Bởi họ đều biết chưa đủ tuổi ngồi tù và mắc bệnh tâm thần phân liệt, nên mới thản nhiên thú tội và những lời khai bào chữa không thể máu lạnh hơn.
2. “Con người thường lộ bản chất thật khi bị dồn vào đường cùng. Vì thế nên loài người mới độc ác” – Shim Eun Seok
Thẩm phán Shim Eun Seok, người luôn giữ quan điểm của mình. Cô luôn cho rằng cách bọn trẻ hành xử với người lớn và những đứa bạn là hoàn toàn khác nhau.
Trong phán quyết cuối cùng, mẹ Seong U vẫn tiếp tục bao biện cho những lỗi lầm của con mình gây ra. Bà vẫn tin rằng đứa trẻ 13 tuổi không thể làm những điều tàn ác như vậy. Nhưng trẻ con suy cho cùng vẫn là con người, thế nên “Con người thường lộ bản chất thật khi bị dồn vào đường cùng”.
3. " Phán quyết hôm nay có thỏa đáng không? Có giúp xoa dịu nỗi uất ức của nạn nhân? Tội phạm vị thành niên có đang tự kiểm điểm?”- Shim Eun Seok.
Một trong những câu hỏi của thẩm phán khiến người xem không khỏi suy ngẫm. Tại Hàn Quốc pháp luật quy định trẻ em trong độ tuổi từ 10-14, khi thực hiện hành vi phạm tội thì không cần chịu trách nhiệm hình sự. Lợi dụng điều đó, nhiều trẻ vị thành niên đang ngày càng trở nên bạo lực và tàn ác hơn. Chúng nghĩ rằng bản thân sẽ hoàn toàn thoát khỏi những hình phạt của tòa án hoặc bị đưa vào các trại cải để phục vụ cộng đồng.
4. "Xin hãy trả lại cuộc sống cho em như trước đây" - Kang Seon A
Khép lại bộ phim Tòa Án Vị Thành niên, tập 10 xoanh quanh một nhóm trẻ thành niên chuyên dụ dỗ, mồi chài con gái trên mạng xã hội với mục đích hẹn gặp và cưỡng bức tập thể, quay phim bán kiến tiền. Kang Seon A chính là nạn nhân của vụ việc này, nhưng em quyết định khai báo, tố cáo hành vi đồi bại này. Đáng tiếc, thay vì những sự cảm thông và quan tâm, thì con người lại chọn bàn tán, xa lánh cũng như nghi ngờ Seon A.
Trước tòa, không phải trách cứ tội phạm, Seon A chỉ cầu xin sống một cuộc sống bình thường như nhiều cô bé khác. Sau mọi hành vi vi phạm, tội phạm luôn phải trả giá nhưng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần luôn đeo bám nạn nhân không rời.
5. "Nếu như bố mẹ không nỗ lực, những đứa trẻ sẽ không bao giờ thay đổi" - Shim Eun Seok.
Gia đình đóng một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, thái độ hờ hững, vô tâm của các phụ huynh khi biết tin con mình phạm tội đã được bộ phim khai thác triệt để. Người thì vướng bận việc làm nên đến muộn, người thậm chí còn chẳng đến phiên tòa mà phó thác số phận con mình cho luật sư.
Trong tập 6, Tòa Án Vị Thành Niên đã tái hiện áp lực học hành, điểm số của trẻ. Có người bán mạng học vì áp lực gia thế, cũng có người chấp nhận gian lận để đổi lấy một ánh nhìn, sự công nhận của phụ huynh. Khi vụ bê bối lộ đề thi được lộ ra, người lớn thay vì dạy dỗ và khuyên bảo, họ chỉ biết bao che, biện hộ sai lầm của con cái để thoát tội. Cuối cùng, điều còn sót lại chính là thể diện bên ngoài của người lớn đối với xã hội.
Tòa Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) là bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc mang đề tài luật pháp và hình sự, xoay quanh những vụ án mà thủ phạm là những đứa trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên. Không chỉ gây ấn tượng bởi những vụ án hóc búa, phim còn khiến khán giả phải suy ngẫm trước sự thật trần trụi về những vấn nạn đau lòng của trẻ trong xã hội Hàn Quốc. |
Nguồn ảnh : Netflix