Những chiếc đĩa môi lớn nhất thế giới
(Sóng trẻ) - Người Mursi, ở thung lũng OMO thuộc Ethiopia là một trong số ít bộ tộc trên thế giới vẫn còn giữ tục đeo đĩa môi với những chiếc đĩa có đường kính có thể lên đến 20cm.
Những chiếc đĩa môi đã xuất hiện nhiều thế kỷ ở một số tộc người ở châu Phi và Nam Mỹ. Thông thường tục đeo đĩa môi chỉ áp dụng với những người phụ nữ, nhưng ở một vài bộ tộc đàn ông cũng có thể đeo đĩa môi với cả môi trên và môi dưới. Bắt đầu từ thế kỷ XX, tục lệ này đã mất ở nhiều bộ tộc. Tuy nhiên vẫn có một bộ tộc ở Thung lũng OMO, tây nam Ethiopia giữ phong tục kỳ lạ này – đó là tộc người Mursi.
Người Mursi sống trải dài ở phía dưới Thung lũng OMO, cách Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia 1480 km với số dân ước tính khoảng 10.000 người. Người Mursi được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới nhờ tục đeo đĩa môi với những chiếc đĩa lớn như chiếc đĩa đựng thức ăn. Tục đeo đĩa môi ở đây chỉ dành cho những người phụ nữ.
Những chiếc đĩa được trang trí hoa văn
Người Mursi đeo đĩa môi để đánh dấu sự thay đổi từ con gái trở thành phụ nữ. Thiếu nữ 13 tuổi bắt đầu tiến hành quá trình kéo dài những chiếc môi dưới của mình. Đầu tiên, họ bị cắt rạch khoảng một vài cm ở môi dưới để nhét những cái ngạc gỗ, những thiếu nữ phải chịu một quá trình đau đớn khủng khiếp. Một vài tuần sau, khi mà vết thương đã lành thì gạc cũ sẽ được thay thế bằng những gạc gỗ lớn hơn. Quá trình kéo dài môi dưới lại tiếp tục để những chiếc gạc lớn hơn có thể nhét vừa.
Khi mà những khe môi đã đủ lớn, chiếc đĩa bằng đất sét hoặc bằng gỗ đầu tiên với đường kính khoảng 4cm sẽ được đưa vào. Trong khoảng một năm những chiếc đĩa này sẽ được thay thế bởi những chiếc đĩa lớn hơn, như vậy, môi sẽ càng được kéo dài hơn. Những người phụ nữ Mursi thường ước mình có thể đeo được những chiếc đĩa lớn, nếu không đeo được những chiếc đĩa lớn họ sẽ cảm thấy không thoải mải với người khác. Những chiếc đĩa cuối cùng có thể có đường kính từ 8 đến 20cm. Người phụ nữ Mursi có thể phải nhổ bỏ một vài chiếc răng cửa hàm dưới để thích ứng với những chiếc đĩa.
Đĩa môi thể hiện giá trị của người phụ nữ Mursi
Không nhất thiết phải đeo đĩa môi từ sáng tới tối, người phụ nữ Mursi chỉ cần đeo đĩa môi khi có sự hiện diên của đàn ông mà không phải là chồng mình hoặc trong những nghi lễ quan trọng hay trong những cuộc tranh đấu. Với những người phụ nữ chưa kết hôn thì họ cần đeo đĩa môi khi muốn xuất hiện trước mọi người hoặc không muốn mọi người xem mình là người lười biếng.
Có nhiều lý giải khác nhau cho tập tục đeo đĩa môi, có ý kiến cho rằng đeo đĩa môi để thể hiện giá trị của người phụ nữ, trong khi những người khác lại tin rằng việc cắt đi một phần cơ thể là để ngăn chặn nạn buôn nô lệ. Đã có những tranh cãi mạnh mẽ, nhưng đối với người Mursi họ hiểu rằng những chiếc đĩa môi là yếu tố quan trọng để thể hiện sự nữ tính và khả năng sinh sản. Không cần quan tâm đến kích cỡ đĩa môi, mà chỉ cần việc đeo đĩa môi từ khi thiếu nữ đến khi là phụ nữ đã chứng tỏ người phụ nữ đó có khả năng sinh sản và đã sẵn sàng cho việc kết hôn. Những chiếc đĩa môi còn thể hiện văn hóa cư xử của người phụ nữ Mursi đối với người chồng của mình. Nếu chồng của họ chết , họ sẽ vứt bỏ những chiếc đĩa môi đi. Như vậy, có sự liên kết giữa tục đeo đĩa môi với văn hóa người Mursi, những chiếc đĩa môi thể hiện mong ước của họ trong cuộc sống, sức khỏe của gia súc, giá trị của nước và số mệnh những đứa trẻ của họ.
Người phụ nữ và chiếc đĩa môi khổng lồ
Rất nhiều khách du lịch đã đến đây để chụp ảnh những người phụ nữ. Những người phụ nữ Mursi không còn sợ hãi trước những người lạ nữa.Giờ đây họ kinh doanh du lịch, họ làm những chiếc đĩa đất sét để bán và thu tiền nếu du khách muốn chụp ảnh với mình. Họ lấy những số tiền đó để mua lương thực, muối, da dê và rượu.
Trong xã hội hiện đại, những người Mursi đang đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tuy tục đeo đĩa môi vừa thể hiện sự độc lập về văn hóa, vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người Mursi nhưng nó cũng chứng tỏ tình trạng lạc hậu của dân tộc này. Không ít cô gái trẻ ở Mursi ngày nay cương quyết không cắt môi của mình dù cho có bị cộng đồng khinh ghét hay khó khăn trong việc lấy chồng.
Lê Quang Đức (Dịch)
Nguồn: scribol.com
Cùng chuyên mục
Bình luận