Những điều sinh viên không nên làm (Kỳ 1)
(Sóng trẻ) - Tôi chỉ nghĩ cuộc sống ở hiện tại thực sự là thiên đường, đặc biệt là khi bạn có sức khoẻ, có niềm tin, và bạn còn trẻ. Tuyệt vời hơn nếu bạn là sinh viên. Bởi bạn chẳng những trẻ, có sức khoẻ, đầy niềm tin, mà bạn còn chưa đến lúc bị ràng buộc bởi tài chính, chưa phải đắn đo nhiều trước các ngã rẽ của cuộc sống. Bạn hoàn toàn có thể vô tư làm những điều mình thích.
Thiên đường của một sinh viên đầy những điều thú vị, nhưng cũng đầy cám dỗ.
Chín năm dùi mài kinh sử, thêm ba năm thức khuya dậy sớm, thành quả to đùng là bạn đã đỗ đại học. Mục tiêu đã hoàn thành, và giờ là thời gian cho đi chơi, đi chơi và đi chơi. Bạn lại nghe các anh chị khoá trên thủ thỉ “Học đại học nhàn lắm em ơi”. Và thế là bạn thoải mái buông mình theo các cuộc chơi. Hãy cẩn thận, vì kiến thức càng lên cao sẽ càng khó khăn hơn, đó là quy luật chung.
Học đại học, bạn tự làm chủ việc học hành của mình. Không có các cuộc họp phụ huynh đầu năm, không có sổ liên lạc và cũng không có giáo viên nào báo cáo cho bố mẹ bạn biết việc bạn thường xuyên đi học muộn, ngủ trong giờ, hay hứng lên là bỏ mấy tiết học. Nhưng cũng đừng lấy đó làm vui mừng, nếu bỏ quá số tiết quy định, bạn sẽ không được thi cuối cùng, và công sức học tập của bạn sẽ tan như bong bóng xà phòng.
Thực trạng sinh viên bỏ tiết ở giảng đường
Đi muộn tạo thành một thói quen bê trễ. Cứ giữ thói quen ấy, đến khi đi làm, sẽ khó có thể thích nghi với nhịp sống mới. Tôi đã từng đi làm. Nhà hàng kiểm soát giờ giấc của nhân viên chúng tôi bằng cách dùng vân tay để check in. Ca làm của tôi bắt đầu lúc 11h. Nếu tôi check in lúc 11h01, bất kể vì lí do gì, tôi cũng phải chịu trừ 2h lương, và bị hạ KPR cuối tháng. Nếu bạn giữ thói quen bê trễ, bạn đang tự làm thiệt hại quyền lợi của mình.
Phần lớn sinh viên đều sống xa nhà. Lên thành phố, mọi thứ thay đổi. Và cũng không lạ gì nếu chúng ta thay đổi vẻ bề nài, cách ăn mặc cho phù hợp hơn. Tôi còn nhớ cô giáo dạy cơ sở văn hoá Việt Nam từng buồn rầu mà nói rằng: giới trẻ Việt Nam bây giờ ăn mặc rất kỳ lạ. Họ mặc quần áo ngủ ra đường, mặc quần áo ra đường đến nơi công sở, mặc quần áo công sở để đi chơi, mặc quần áo đi chơi đến nơi thờ tự. Chẳng ai cấm bạn thể hiện cá tính. Con trai thích bấm một bên khuyên tai cũng không có gì quá to tát. Con gái thích để kiểu tóc tomboy cũng không sao. Nhưng đừng mặc áo hai dây, quần cộc lên giảng đường. Trang phục nhất định phải hợp hoàn cảnh, đừng để nó trở nên kì dị trong mắt người khác.
Cách ăn mặc phản cảm của 1 nữ sinh viên
Là sinh viên, hẳn nhiều bạn đã quen với thời gian biểu ngủ sau 12h đêm, và nếu hôm sau không học sáng, thì chào bình minh lúc 10h cũng là chuyện thường. Nếu bạn đang giữ thói quen ấy, đồng hồ sinh học của bạn sẽ bị xáo trộn, sức khoẻ của bạn cũng bị ảnh hưởng. Suốt 4 năm đại học giữ thói quen đó, đến lúc đi làm sẽ vô cùng khó khăn để theo giờ giấc hành chính. Vậy nên, hãy đi ngủ trước 11h đêm, và dậy thật sớm, lúc đầu có thể khó khăn, nhưng khi đã quen, bạn sẽ rất yêu nhịp sống của thành phố mỗi buổi sớm mai.
Thức đêm cày game là chuyện không hề hiếm gặp trong giới sinh viên
Internet rất phổ biến ngày nay. Và sinh viên, nài việc dùng internet để học tập, giải trí, thì nghiện thế giới ảo cũng là một điều đáng sợ. Các bạn nam nghiện game, sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, quên ăn quên ngủ, bùng cả học. Chẳng nguy hiểm thấy rõ như game, mạng xã hội như facebook, zalo, skype… lại âm thầm lấy đi thời gian của mỗi người. Nếu bạn không thể sống thiếu facebook, nếu bạn không thể ngừng việc xem thông báo 5 phút mỗi lần, thì bạn đang nghiện thế giới ảo. Và nếu tiếp tục như vậy, bạn sẽ bị lùi lại sau trong thế giới thực.
Cuộc sống quá đơn điệu khiến bạn phải tìm đến thế giới ảo. Vậy tại sao chúng ta lại không đứng dậy, và tìm niềm vui cho mình?
Nếu bạn chỉ giặt quần áo khi không còn đồ để thay, nếu bạn chỉ xử lí đống bát trong nhà bếp khi bạn chẳng còn một chiếc bát sạch, thì bạn đang để nhà cửa bừa bộn quá rồi. Hãy đưa nó về trật tự, ngăn nắp và sạch sẽ ngay đi thôi.
Nếu đã lâu bạn không gọi điện về nhà, vì bạn không có thời gian, hoặc là vì bố mẹ nói có việc hãy gọi. Thì đừng chần chừ mà nhấc điện thoại lên, gọi ngay về nhà. Vì bố mẹ chúng ta thực ra đều đang rất nhớ con cái, nhưng lại sợ tốn tiền, và sợ để con cái thấy sự yếu mềm của mình đấy thôi. Hãy nói cho họ biết là bạn nhớ họ như thế nào, bạn sẽ thấy cuộc sống bên nài tuyệt hơn thế giới ảo rất nhiều.
Hãy chọn cho mình một môn thể thao, cầu lông, võ thuật hay chạy bộ… đều tốt cả. Nhiều bạn cho rằng thời gian dành cho thể thao, chi bằng đi ngủ cho khoẻ! Bạn đừng giống họ, vì thể thao giúp bạn yêu đời hơn, khoẻ mạnh hơn. Và biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, bạn lại tìm được một người bạn thú vị cùng yêu thích thể thao giống mình.
Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ, hãy xách balo lên và đi. Đừng tự giam mình trong phòng trọ, đừng chỉ biết mỗi đường đến trường về nhà, từ nhà lên trường. Hãy khám phá thành phố tươi đẹp nơi bạn đang sống. Đã bao giờ bạn dậy sớm, đến Quảng trường Ba Đình dự lễ kéo cờ? Đã bao giờ bạn thức trắng đêm cùng lũ bạn thân trên cầu Long Biên lộng gió? Đã bao giờ bạn đi dưới mưa và nghêu ngao hát những câu ca yêu đời?... Nếu chưa, hãy trải nghiệm! Bạn còn trẻ, bạn có thời gian, hãy đi để mở mang trí óc và yêu cuộc sống này hơn.
Hãy tìm cho mình một công việc làm thêm, nếu bạn muốn học hỏi kinh nghiệm cho sau này. Nhưng đừng chỉ chăm chăm vào kiếm tiền, vì 4 năm tươi đẹp nhất trong cuộc đời bạn, không phải dành để kiếm tiền.
Bạn cũng đừng ngần ngại đăng ký vào một công việc tình nguyện. Chúng không đem lại thu nhập cho bạn, nhưng chúng cho bạn niềm vui, kỹ năng, và thật nhiều những người bạn tốt. Tôi đã từng cùng 200 bạn khác, đạp xe về đất Tổ, suốt 3 ngày 2 đêm, chỉ để dâng một nén hương lên đền thờ Người, và ngủ không cần lều bạt ngay trên nền cát ẩm của bãi bồi sông Hồng. Sau chuyến đi, tôi thậm chí sụt mất mấy cân, đen nhẻm như cột nhà cháy, và đi xe bus thì suýt ngã do thiếu ngủ, nhưng tôi có trải nghiệm, kỷ niệm, và có những người bạn tuyệt vời đã cùng đồng cam cộng khổ, đến bây giờ vẫn luôn là bạn thân.
Những việc mà sinh viên nên làm
Ví quãng thời gian chúng ta học đại học như thiên đường cũng không quá khoa trương. Những kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức, cũng như là những thói quen mà chúng ta xây dựng được sẽ theo giúp ta trong cuộc sống sau này. Đừng để những thói quen xấu làm hỏng tương lai của bạn, vì chúng như những trái táo cấm, rất hấp dẫn để cám dỗ và làm theo, nhưng không dễ dàng để làm lại, nếu đã lỡ cắn một miếng táo.
Bí kíp tân sinh viên
Cùng chuyên mục
Bình luận