Những mảnh đời leo lét tại trại phong bị quên lãng
Quyết định dành trọn những năm tháng cuối đời gắn bó với trại phong cũ kỹ, dột nát, mười bệnh nhân già, mỗi người lại mang trong mình một tâm sự riêng, có nỗi lo lắng về ngày mai, sự trăn trở về thân phận và cả niềm khao khát được quan tâm.
Trại phong Đá Bạc nằm cách trung tâm xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chừng 3km. Muốn vào thăm trại, người ta phải vượt qua một đoạn đường đất gồ ghề, đầy những ổ gà, chạy ngang bãi tha ma vắng hiu hắt.
Con đường gồ ghề dẫn vào trại phong bị bỏ hoang
Từ năm 2013, Đá Bạc đã bị bỏ hoang theo chủ trương di dời của Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Cả bệnh xá cũ chỉ còn 10 cựu bệnh nhân đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy bám trụ lại. 4 năm trời, khu trại cứ im ắng và lặng lẽ tồn tại, tới mức ngay cả những người dân trong bán kính 1 cây số cũng ngơ ngác “tưởng đã chuyển đi cả rồi”.
Dãy nhà 18 phòng, đã xuống cấp nghiêm trọng, là nơi các bệnh nhân gắn bó trong hơn 3 thập kỷ
Cụ Khuất Thị Oanh (70 tuổi, Phú Thọ) đến với mảnh đất Đá Bạc từ năm 24 tuổi, bần thần chia sẻ: "Gần nửa thế kỷ gắn bó với nơi này như là nhà, lại già cả rồi, chẳng muốn chuyển đi đâu nữa".
Người phụ nữ 2/3 cuộc đời gắn bó với Đá Bạc
"Bệnh phong buộc tôi phải bỏ quê mà đi từ năm 14 tuổi, phiêu bạt nhiều nơi. Hồi còn ở trại Quả Cảm (Bắc Ninh), tôi may mắn gặp được ông nhà, rồi nên duyên với nhau, nhưng ông ấy đã sớm về với các cụ rồi. Gần hết đời, tôi lại một thân một mình, chẳng còn ai thân thích.", cụ Lê Thị Liên ngậm ngùi tâm sự về một đời đầy nước mắt của mình. Không con cái, người thân, điều duy nhất níu giữ người phụ nữ gần đất xa trời ở lại với Đá Bạc là nguyện vọng hương khói, chăm sóc mộ phần của người chồng quá cố, cho trọn nghĩa.
Cụ Liên cầu kinh niệm Phật mỗi ngày để tìm kiếm sự thanh thản
Cụ Nguyễn Xuân Vui (80 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị căn bệnh quái ác cướp đi một bên chân, nhưng lại được xem là một trong số ít những người may mắn, còn có người bạn đời ở bên để sẻ chia niềm vui, nỗi buồn. Sự cảm thông giữa những con người cùng cảnh ngộ đã trở thành cầu nối đặc biệt, đưa đẩy mối duyên của hai ông bà Nguyễn Công Thọ - Nguyễn Xuân Vui. Mặc cho nỗi đau thể xác giày vò mỗi ngày, hạnh phúc mộc mạc của cặp vợ chồng già vẫn khiến nhiều người phải khao khát.
Cụ bà Nguyễn Thị Sợi là một trong những người vào sống tại trại phong Đá Bạc từ ngày đầu thành lập. Trái với sự phiền muộn, trăn trở của những người bạn già cùng cảnh ngộ, cụ Sợi dường như luôn hào hứng, vui vẻ: “Tay chân thế này nhưng vẫn được việc lắm đấy, tôi vẫn cố gắng tăng gia, tự cung tự cấp. Còn lại thì trồng chờ vào một chút tiền trợ cấp và sự giúp đỡ của các đoàn thiện nguyện.”
Sự lạc quan hiện hữu trong ánh mắt
Giữa ngày tháng đìu hiu, buồn tẻ, hai chú chó nhỏ được nuôi tại trại phong đã trở thành người bạn thân thiết, đem lại chút vui vẻ hiếm hoi cho những mảnh đời lay lắt nơi đây.
Hai chú chó vui đùa, quấn quít với các bệnh nhân già
Thanh Thanh – Thu Hà
Cùng chuyên mục
Bình luận