Những món đồ chơi trung thu “vang bóng một thời”

(Sóng trẻ) - Tàu thủy sắt tây, con thỏ đánh trống,… từng là những món đồ chơi Trung thu trong mơ của nhiều trẻ em thế hệ 9X trở về trước. Thê nhưng, trước sự du nhập của đồ chơi nước nài và thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng, những món đồ chơi này ngày càng ít xuất hiện, thậm chí nhiều món chỉ còn tồn tại trong kí ức của các thệ hệ người Việt Nam.

Đồ chơi truyền thống đang dần “lên ngôi” vào Tết Trung thu những năm gần đây. Tuy vậy, những món đồ chơi dưới đây lại không được nhiều người nhớ đến dù đã từng có một “quá khứ” huy hoàng.

Tiến sĩ giấy

8ccb71db8_si_giay_the_hien_uoc_mo_khoa_cu_cua_nguoi_viet.jpg
Ông Tiến sỹ giấy thể hiện ước mơ khoa cử của người Việt

Ước mơ khoa cử của người Việt xưa được gửi gắm cho con trẻ qua ông Tiến sĩ giấy. Món đồ chơi này thường được làm bằng giấy bồi màu đỏ hoặc vàng, mặc áo bào, đội mũ trạng nguyên, tay cầm thẻ bài. Theo lời kể của các bậc ông bà, cha mẹ, cứ vào dịp Tết Trung thu ngày xưa, ông Tiến sĩ giấy lại được bày trang trọng bên mâm ngũ quả và bánh Trung thu nhằm thể hiện ước mơ cho con cái học hành giỏi giang, đỗ đạt. Ngày nay, hiếm khi còn thấy hình ảnh Tiến sĩ giấy được bày biện trên mâm cỗ Trung thu, thậm chí nhiều trẻ em còn không biết có món đồ chơi này tồn tại.

Trống bỏi

8ccb71db8_o_day_da_it_xuat_hien_tai_cac_cua_hang_do_choi.jpg
Những chiếc trống nhỏ xinh này giờ đây đã ít xuất hiện pử các cửa hàng đồ chơi

Trong khi trống ếch, trống lắc tay cầm,… vẫn là thứ đồ chơi “quen mặt” với người Việt thì trống bỏi từ lâu đã chìm vào quên lãng. Người ta chỉ còn nhớ món đồ này qua câu tục ngữ  đầy tính châm biếm“Già còn chơi trống bỏi” dù đây là món đồ chơi đem lại âm thanh vui nhộn được trẻ em ưa thích thuở xưa.

Trống bỏi được làm từ đất sét nặn hình tròn lớn hơn đồng xu một chút, sau khi phơi khô được bọc giấy đỏ. Trống được gắn cán nhựa, có que sắt hai bên sườn, khi quay phát ra tiếng kêu “tạch tạch” khiến trẻ em thích thú. Ngày xưa, đây là một trong những món đồ chơi không thể thiếu khi trẻ em phá cỗ dưới trăng. 

Tàu thuỷ sắt tây

8ccb71db8_inh_anh_quen_thuoc_voi_nhieu_the_he_nguoi_viet.jpg
Tàu thủy sắt chạy trong chậu nhôm là hình ảnh quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt

Không phải là đồ chơi truyền thống nhưng đây cũng là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Những ai thuộc thế hệ 9X trở về trước hẳn còn nhớ như in chiếc tàu thủy sắt tây vào thời điểm ấy kì diệu như thế nào bởi nó vừa có thể nổi trên mặt nước, vừa kêu được như tàu thủy “xịn”. Tàu thủy sắt tây chủ yếu được tái chế từ vật liệu cũ như vỏ lon sữa bò, sắt phế thải,… Tàu thường được sơn màu sặc sỡ, trên mũi tàu gắn lá cờ đỏ sao vàng. Món đồ chơi này hoạt động được do nguyên lý truyền nhiệt: khi nồi hơi bên trong được đốt nóng, nhiệt truyền vào ống dẫn nước sẽ làm nước nóng lên, hơi nước bốc ra tạo lực đẩy tàu di chuyển. Khoang tàu bên dưới là các lá đồng giãn nở, tạo nên tiếng động cơ “phành phạch” đặc trưng. 
Giờ đây, tàu thủy sắt tây chủ yếu được du khách mua làm quà lưu niệm.
Con thỏ đánh trống

8ccb71db8_hoi_trong_mo_cua_rat_nhieu_tre_em_thoi_bao_cap.jpg
Con thỏ đánh trống từng là món đồ chơi “trong mơ” của rất nhiều trẻ em thời bao cấp

Được làm theo tích truyện Thỏ Ngọc trên cung trăng vào Rằm tháng 8, con thỏ đánh trống đã từng là món đồ chơi “trong mơ” của rất nhiều trẻ em thời bao cấp. Giống tàu thủy, con thỏ cũng được chế tạo từ sắt tây. Phải thật sáng tạo và khéo léo, người thợ mới có thể tái chế những miếng sắt phế thải, những lon sữa bò thành những chú thỏ ngộ nghĩnh đầy màu sắc. Những con thỏ này còn được gắn đèn. Khi di chuyển, thỏ được điều khiển để gõ trống, tạo nên các âm thanh vui nhộn. 

Dù hiện giờ con thỏ đánh trống không còn là đồ chơi phổ biến, thậm chí không còn được sản xuất đại trà, nhưng trong kí ức của nhiều thế hệ thì đây vẫn là món đồ chơi tuyệt vời nhất của tuổi thơ.
Trò chơi Trí Uẩn

8ccb71db8_5._hinh_minh_hoa_mot_bo_tro_choi_tri_uan.jpg
Hình minh họa một bộ trò chơi Trí Uẩn

Trí Uẩn là món đồ chơi kích thích sự sáng tạo không giới hạn đã tồn tại bền bỉ với tuổi thơ của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Trò chơi Trí Uẩn xuất hiện từ những năm 40 của thế kỷ trước và được Bác Hồ đặt tên theo người tạo ra nó là cụ Nguyễn Trí Uẩn (Hà Đông, Hà Nội). Đây là một trò chơi ghép hình với 7 miếng gỗ được cắt ra từ một hình chữ nhật kích thước 8x10cm. Chỉ với những miếng gỗ tưởng chừng không có hình thù rõ ràng này, chúng ta lại có thể thỏa sức sáng tạo sắp xếp chúng lại để tạo ra những hình tượng đầy sống động. Từ con gà, cái cây cho tới Marx và Lenin đều được tạo hình khá giống. 
Bộ trò chơi Trí Uẩn bằng gỗ với một quyển sách nhỏ in hình giờ đây đã không còn được bày bán rộng rãi ở Việt Nam nữa, nhưng vì những cảm hứng thúc đẩy tư duy toán học và phát triển trí não mà trò chơi này mang lại, Trí Uẩn vẫn có sức sống mạnh mẽ. Minh chứng là Trí Uẩn đã được làm thành trò chơi di động mang tên Tangram Vietnam góp phần đưa trẻ em Việt trở về với những giá trị truyền thống.
Ông đánh gậy trông trăng

ed083918f_tuong_trung_cho_uoc_vong_khoe_manh_ve_the_chat.jpg
Ông gậy trông trăng tượng trưng cho ước vọng khỏe mạnh về thể chất

Ông đánh gậy trông trăng với tài múa gậy vun vút là món đồ chơi thường đi kèm với Ông tiến sĩ giấy vào dịp Tết trung thu. Ông đánh gậy trông trăng ngày nay đã ít xuất hiện hơn trên các mâm cỗ Trung thu của mỗi gia đình, phần vì trẻ em bây giờ không hiểu được ý nghĩa của món đồ chơi này, phần khác lại bởi cha mẹ không giới thiệu cho con những món đồ chơi truyền thống.

Nếu như Ông tiến sĩ giấy thể hiện vọng học học giỏi, đỗ đạt cao thì Ông đánh gậy trông trăng lại là tượng trưng cho lời chúc khỏe mạnh về thể chất. Đây cũng là lời mà cha ông muốn nhắn nhủ tới thể hệ sau phải có sức khỏe để bảo vệ đất nước, giúp đỡ nhân dân. Chính bởi ý nghĩa sâu xa đó mà Ông đánh gậy trông trăng sẽ cùng ngồi bên cạnh Ông nghè và Ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Rằm tháng Tám để tạo thành bộ ba toàn năng mang tới văn hay, chữ tốt, sức khỏe dồi dào cho mọi trẻ em trong dịp Tết trung thu.
Nguyễn Thanh Thảo
Lớp báo chí đa phương tiện k33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN