“Những người con tiên phong” xây đắp nền báo chí cách mạng dân tộc
(Sóng Trẻ) - Trong khuôn khổ hội báo toàn quốc năm 2019, ngày 15/3, tại Bảo tàng Hà Nội, diễn ra triển lãm 70 năm trường dạy báo chí Huỳnh Thúc Kháng với nhiều hoạt động tri ân sâu sắc .
Tham dự buổi triển lãm có sự tham dự của các đồng chí: Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà báo Nguyễn Tuấn Phong, Phó Trưởng ban Đối nại Trung ương; bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cùng đông đảo các phóng viên, nhà báo tới tham dự và đưa tin.
Trường dạy báo chí Huỳnh Thúc Kháng là ngôi trường đầu tiên giảng dạy và đào tạo các nhà báo của Việt Nam. Trong bối cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng khó khăn và ác liệt, nhìn nhận và đánh giá tư tưởng là một mặt trận quan trọng trong công cuộc đấu tranh. Năm 1949, Đảng và Chính Phủ quyết định mở trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng.
Học viên của lớp học dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng
Trường mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả.
Bút tích của Ông Nguyễn Quang Huy, chủ bút báo Lao động, viết ngày khai giảng khóa học đầu tiên
Lớp học được tổ chức ở khu rừng Bờ Rạ thuộc tỉnh Thái Nguyên. Khóa học đầu tiên khai giảng ngày 4/4/1949 gồm 43 học viên. Nhà báo Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Độc Lập được bổ nhiệm làm Giám đốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng 2 lần viết thư gửi trường đăng trên báo Cứu quốc (1949) trong đó có đoạn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”
Đại diện ban tổ chức tặng hoa thân nhân các học viên
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh: “Nhằm ghi nhớ những chặng đường làm báo vinh quang...tôn vinh những đóng góp sáng tạo và hiệu quả cho công tác đào tạo cán bộ cách mạng”.
Triển lãm giới thiệu những hiện vật quý giá trong đó có những tư liệu lần đầu được biết đến và lần đầu tiên được công bố.
Trong video BTC ghi lại, Nhà báo Lý Thị Trung, học viên của trường, bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm thời ấy, bà chia sẻ: “Trường rất vui, ví dụ như là có 6 tổ là thì ông Triệu Vũ ông ấy đang ở tổ 5 chẳng hạn thế là chẳng hiểu sao lại bị chuyển sang tổ 6 là tổ chúng tôi...ông này cũng hay đùa, ông bảo: tổ 6 xa rồi tổ 6 ơi, nhớ về tổ cũ nhớ chơi vơi˝.
Bức ảnh bà Lý Thị Trung chụp cùng một số học viên còn lại của Trường dạy báo chí Huỳnh Thúc Kháng
Buổi lễ còn triển lãm chuyên đề 20 năm thành lập trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong thời gian qua, trung tâm đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, nhiệm vụ vẻ vang được giao phó. Số lượng học viên có sự thay đổi qua từng thời kỳ, năm 1999 có dưới 500 học viên đến năm 2017 có gần 4500 học viên , tới năm 2018 có gần 3000 học viên. Đó là niềm phấn khởi, tự hào trong công cuộc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và nghiệp vụ của các thế hệ học viên trong cả nước.
Huy Ngọc
Cùng chuyên mục
Bình luận