Nơi giữ lửa cho biên cương
(Sóng Trẻ) - Nhìn những quả lựu đạn bọc nhựa xanh, đóng gọn gàng trong hòm gỗ chắc chắn, đúng quy chuẩn, ít ai biết rằng chúng được sản xuất tại một kho đạn nhỏ bé, nằm yên tĩnh trên sườn đồi, có dòng suối Bản Tấn hiền hòa bao quanh.
Chúng tôi đến Kho K15 (Phòng Kỹ thuật, BCHQS tỉnh Cao Bằng) vào một ngày mùa đông có nắng vàng. Kho đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất lựu đạn theo kế hoạch. Những người lính thợ cần mẫn trên dây chuyền công tác, từng động tác dứt khoát mà khéo léo, nhuần nhuyễn. Việc sản xuất lựu đạn chỉ là một phần nhiệm vụ mà hơn hai mươi người lính thợ nơi đây phải đảm nhiệm.
Kho K15 với chức năng chính là bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ vũ khí, đạn dược, bảo đảm phần lớn tiềm lực quân sự cho LLVT tỉnh Cao Bằng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm trực tiếp của Đảng ủy, BCHQS Tỉnh, Kho được đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp nhiều hạng mục.
Hệ thống nhà kho được xây dựng đúng quy định, quy hoạch của ngành quân khí, có hai nhà kho đạt tiêu chuẩn “nhà kho kiểu mẫu cấp 2".
Kiểm tra công tác bảo quản súng bộ binh
Vũ khí, đạn dược sắp xếp trong nhà kho đúng nhóm an toàn, đúng độ cao cho phép. Hệ thống sổ sách, mẫu biểu quản lý đầy đủ, đăng ký thống kê rõ ràng, đúng nguyên tắc. Công tác bảo đảm an toàn được quan tâm thường xuyên. Các trang bị, dụng cụ cứu hỏa được kiểm tra thường xuyên và bổ sung đầy đủ, chất lượng tốt. Tất cả các nhà kho cất chứa đạn đều được trang bị quả nổ cứu hỏa.
Trò chuyện với Thiếu tá Trần Văn Thao, Chủ nhiệm kho, chúng tôi được biết, mặc dù là kho quân khí cấp tỉnh, nhưng biên chế của K15 chỉ tương đương trung đội. Hiện tại, quân số của Kho còn thiếu so với biên chế. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Kho hầu hết là người dân tộc thiểu số.
Kho không có khu gia đình, trong khi tất cả cán bộ, nhân viên đều xa nhà nên cuộc sống riêng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại. Như đồng chí Triệu Tòn Ton, người dân tộc Dao, nhân viên bảo quản đạn của Kho, muốn về thăm nhà phải mất hơn ba tiếng đồng hồ đi xe máy, sau đó gửi xe vào bản, tiếp tục trèo đèo, lội suối gần một giờ đi bộ nữa mới về đến nhà.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng mọi người ở đây rất yên tâm công tác, yêu nghề, gắn bó với đơn vị. Đồng chí Ton cười nói: “Chúng mình ở đây coi kho như là nhà à!”.
Nhiệm vụ chuyên môn của Kho tương đối nặng nề. Mặc dù quân số ít, nhưng bên cạnh việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng tại kho, hằng năm, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Kho còn phải cơ động đến Ban CHQS các huyện để thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trung bình mỗi năm tổ chức 3-4 đợt, thời gian mỗi đợt kéo dài 12-15 ngày.
Khó khăn nhất là Kho chưa có lực lượng bảo vệ chuyên trách, nên cán bộ, nhân viên của Kho phải luân phiên nhau tuần tra, canh gác. Vào các ngày lễ, tết, những tình huống đặc biệt còn tham gia trực phòng không.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan đơn vị, Thiếu tá Thao cho biết, đơn vị còn gần 2 km vành đai an toàn nằm trên phần đất chưa đền bù, giải tỏa cho dân xong nên chưa đầu tư xây dựng hàng rào được.
Thấy chúng tôi có vẻ áy náy vì công tác bảo đảm an toàn trong tình trạng không có hàng rào như vậy, đồng chí Thao nói: “Nhân dân ở đây rất tốt các đồng chí ạ, ban ngày hay ban đêm, khi có việc cần đi qua khu vực này, người dân đều tự giác vào đơn vị xin phép rồi mới đi qua hay thực hiện công việc sản xuất. Kho được bình yên như thế này là nhờ sự yêu thương, đùm bọc rất lớn của đồng bào”.
Kho quân khí dù đóng ở đâu cũng phải xây dựng “hàng rào lòng dân” vững chắc mới bảo đảm tuyệt đối an toàn. Với kho quân khí ở vùng biên cương này thì hàng rào lòng dân càng có tầm quan trọng đặc biệt.
Được biết, Chủ nhiệm kho Trần Văn Thao rất tích cực bám dân, bám bản, làm tốt công tác dân vận. Hàng tháng, khi dân họp xóm anh đều xin đến dự, để qua đó tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định về an toàn kho tàng, giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc luyện tập xử lý các tình huống như cháy nổ, thiên tai, kẻ địch phá hoại… đều được Kho duy trì thường xuyên.
Với lực lượng mỏng, công việc chuyên môn nhiều, nhưng Kho vẫn tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Với ba sào ruộng trong khu vực, mỗi vụ thu hoạch được hơn 3 tạ thóc; đàn lợn ỉ lưng võng, bụng xệ mỗi năm xuất chuồng gần 5 tạ; hồ cá hơn 2.000 m2 mặt nước giúp bữa ăn cuối tuần của bộ đội thêm “chất tươi”.
Hiện tại, Kho đã trồng được hơn 200 gốc keo và đang phối hợp với Hội nông dân tỉnh trồng triển khai trồng trám đen. Sức sống mới đang bừng lên từ bàn tay của những người lính thợ nơi đây.
Đứng trên trận địa phòng không nhìn ra, thấy ngút ngàn rừng núi. Trong sắc xanh của trời đất vùng biên, những người lính kho vẫn miệt mài công việc thầm lặng - “giữ lửa” cho biên cương.
Đâu đây mùa xuân đang về…
Bùi Trí Dũng
Lớp báo chí K31B
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Lớp báo chí K31B
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận