NTK Đỗ Mạnh Cường và câu chuyện đưa thương hiệu Việt ra quốc tế
(Sóng trẻ) - Tọa đàm "Nội lực của Ước mơ" diễn ra sáng 17/11 tại Hà Nội đã thu hút hơn 300 khán giả đến tham dự, nơi NTK Đỗ Mạnh Cường lần đầu tiên chia sẻ về hành trình quốc tế hóa thương hiệu thời trang của mình.
Được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum (Đại học Tổng hợp), buổi tọa đàm “Nội lực của ước mơ” đã mang đến cái nhìn toàn diện về quá trình xây dựng và phát triển một thương hiệu thời trang từ Việt Nam ra thị trường quốc tế.
“Thời trang không chỉ là nghệ thuật thuần túy, mà còn là một ngành kinh doanh đòi hỏi tầm nhìn chiến lược. Muốn vươn ra thế giới, các nhà thiết kế trẻ cần học cách cân bằng giữa sáng tạo nghệ thuật và tư duy thương mại”, NTK Đỗ Mạnh Cường nhấn mạnh trong phần chia sẻ về chiến lược phát triển thương hiệu.
Về quá trình chuẩn bị cho các show diễn quốc tế, nhà thiết kế cho biết: “Mỗi bộ sưu tập ra mắt tại thị trường quốc tế đều là kết quả của ít nhất 6 tháng chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi không chỉ tập trung vào thiết kế mà còn phải nghiên cứu kỹ về thị hiếu, văn hóa và xu hướng của thị trường mục tiêu”.
Đặc biệt, với vấn đề giữ gìn bản sắc Việt trong thiết kế nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường nhấn mạnh: “Chúng ta không nên và không cần phải sao chép phương Tây. Thời trang Việt có thể toàn cầu hóa mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng của mình. Cứ thành công ở Việt Nam trước rồi quốc tế sẽ chào đón tác phẩm của bạn”.
Phần giao lưu với khán giả diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi về quy trình sáng tạo và kinh nghiệm khởi nghiệp. Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên năm cuối ngành Thiết kế Thời trang, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ: “Những chia sẻ của anh Cường về cách xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing rất thiết thực. Đây là những kiến thức không thể học được trong trường”.
Buổi tọa đàm kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, tập trung vào bốn chủ đề chính: Sáng tạo trong thương mại thời trang, chiến lược quốc tế hóa, kinh nghiệm tham gia các sàn diễn quốc tế và định hướng phát triển ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.
Sự kiện do Bộ môn Thời trang và Sáng tạo, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (VNU-SIS) tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động kết nối giữa đào tạo học thuật với thực tiễn ngành công nghiệp thời trang.