Công nghệ không phải cốt lõi của chuyển đổi số
(Sóng trẻ) – Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tại Hội trường B1 (Bảo tàng Hà Nội) diễn ra tọa đàm “Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay”.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu: ông Lê Quốc Minh - Bí thư Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Toàn Thắng - Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam; PGS.TS Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; TS Lê Vũ Điệp - Học viện Bưu chính Viễn thông… cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông và các cơ sở đào tạo báo chí.
Phát biểu khai mạc tọa đàm ông Nguyễn Ngọc Long, Bí thư Đoàn Thanh niên TW Hội Nhà báo khẳng định: “Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu và khách quan diễn ra trên mọi mặt. Ở Việt Nam, con người là trọng tâm, thanh niên là lực lượng tiên phong”.
Ông cũng đưa ra những khó khăn việc chuyển đổi số trong tổ chức đoàn, một phần đến từ trở ngại về cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi còn gặp khó khăn, đồng thời một bộ phận thanh thiếu niên ngại thay đổi tư duy tìm tòi, học hỏi ứng dụng công nghệ.
Tọa đàm này là cơ hội nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như trách nhiệm của tuổi trẻ trong vấn đề chuyển đổi số.
Buổi tọa đàm diễn ra theo 2 phiên. Trong đó, phiên 1 là các tham luận của các đại biểu, phiên 2 là phần trao đổi, giao lưu với sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng.
Trong phiên đầu tiên, ông Lê Quốc Minh trình bày những tham luận về chuyển đổi số. Ông bày tỏ sự e ngại việc chuyển đổi số trở thành một câu cửa miệng, một “trend thời trang” khi công nghệ 4.0 trở thành trào lưu được nhắc đến khắp mọi nơi nhưng đến diễn giả cũng không thực sự hiểu rõ bản chất.
"Tầm quan trọng của việc phát triển con người đi kèm với công cuộc chuyển đổi số vô cùng cần thiết. Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải chuyện khó, đó chính là khả năng thích nghi với tương lai digital của mỗi cơ quan qua việc phát triển một thế hệ những kỹ năng mới", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Hiện nay, xây dựng một chiến lược chuyển đổi số là công việc đơn giản, hiện thực hóa mới là điều khó khăn và đa số cơ quan báo chí bị mắc kẹt dọc đường – một thực tế xảy ra suốt 2 thập niên vừa qua.
"Có những kế hoạch chuyển đổi số 4 - 5 năm chưa thực hiện được. Nhưng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình đó diễn ra rất nhanh và tự nhiên. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh buộc doanh nghiệp phải sử dụng các hình thức trực tuyến để triển khai công việc", ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo nói về quá trình chuyển đổi số.
Đồng thời, ông nhấn mạnh tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. "Nếu coi chuyển đổi số là một chiến lược tổng thể thì độc giả là trung tâm để tăng doanh thu, phát triển sản phẩm và chú trọng dữ liệu", ông nói.
Để thành công trong quá trình chuyển đổi số mỗi doanh nghiệp cần đảm bảo 5 yếu tố: có những lãnh đạo am hiểu công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên tương lai; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital; thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống.
Công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ, thay đổi toàn bộ quy trình làm nội dung trong báo chí. Chìa khóa của chuyển đổi số là con người và "tuổi trẻ" chính là nòng cốt. Vì vậy, cần đào tạo những nhân lực đảm bảo tiêu chí: tận dụng tối đa chất xám về công nghệ và có năng lực làm việc với công nghệ.
Để xây dựng khung chương trình đào tạo Báo chí số, Học viện Bưu chính Viễn thông thực hiện cuộc khảo sát thực trạng nhiều cơ sở đào tạo nhân lực, cơ quan Báo chí trên thế giới.
Trao đổi, giao lưu với các sinh viên, đoàn viên thanh niên, giải đáp những thắc mắc về vai trò của thanh niên hiện nay trong công cuộc chuyển đổi số, ông Lê Quốc Minh chia sẻ: “Sinh viên cần chuẩn bị kiến thức, tự trau dồi kỹ năng, cần đa nhiệm. Nhưng phải rèn giũa để tìm một thế mạnh riêng cho mình. Cần dám nghĩ dám làm, dám hiện thực hóa ý tưởng, bắt đầu từ quy mô nhỏ để từ đó phát triển”.
Ông nhấn mạnh, nếu báo chí dám nói không với những thông tin câu view, không có giá trị cho xã hội, khi ấy sẽ có một nền báo chí trong sạch.
Hào hứng với những thông tin tại buổi toạ đàm, bạn Trần Thành Đạt, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông chia sẻ: “Được nghe chuyên gia chia sẻ là một cơ hội quý giá của sinh viên. Qua tọa đàm, mình nhìn nhận được nhiệm vụ của bản thân: cần học hỏi và trau dồi kiến thức, tập trung nghiên cứu, phát triển điểm mạnh, góp phần nâng cao chất lượng thế hệ nhà báo tương lai. Đồng thời, mình thấy được trách nhiệm, vai trò của thế hệ trẻ trong quá trình chuyển đổi số”.