Ô nhiễm nguồn nước, dân từng bước cứu hồ
(Sóng trẻ) - Chuyện ô nhiễm sông, hồ nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng không phải là một câu chuyện mới. Tuy nhiên những năm trở lại đây, hồ Quan Nhân – một trong những hồ được đánh giá là sạch ở thủ đô lại đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng trong tương lai gần nếu không có phương án khắc phục sớm.
Theo Báo cáo Hồ Hà Nội năm 2015 của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, hơn 80% hồ ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm. Năm 2016, cả nước rúng động trước hàng loạt vụ xả thải, cá chết (Vũng Áng, Hồ Tây). Chưa bao giờ vấn đề môi trường và ô nhiễm ao hồ ở đô thị lại là vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng như hiện nay.
Cái chết không báo trước
Hồ Quan Nhân – với quần thể kết hợp 3 hồ nhỏ: Mộc Dục, ao Dài và ao Phủ thuộc địa phận của ban quản lí di tích lịch sử phường Nhân Chính. Cách đây 15 năm, mặc dù những hồ như Văn Chương, Linh Quang, Ba Mẫu,… đang đứng trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng nhưng Hồ Quan Nhân vẫn được biết tới như một trong những hồ sạch nhất Hà Nội.
Nhìn bằng mắt thường khó thấy được sự ô nhiễm của hồ
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, mặc dù không biểu hiện rõ nhưng hồ đang có hiện tượng ô nhiễm. Bác Nguyễn Công Quyết – một người dân sống tại đây hơn 50 năm chia sẻ: “Cách đây khoảng 15 năm hồ vẫn còn sạch lắm. Người ta ra hồ lấy nước rửa rau, vo gạo, giặt giũ, bây giờ thì ngày vớt ba lần vẫn lắm rác, chẳng còn ai dám lội xuống nữa, ”.
Về mặt cảm quan, nhìn chung mặt nước vẫn xanh và không có hiện tượng cá chết hàng loạt. Nhưng trên thực tế, màu xanh của nước có được là do dưới đáy hồ mọc nhiều rêu và tảo. Một số khu vực, đặc biệt là góc hồ do ảnh hưởng của hướng gió nên tập trung rất nhiều rác thải sinh hoạt như chai, lọ, bao nilon,… bốc mùi khó chịu nhất là vào những ngày nắng nóng.
Tuy nhiên, góc hồ lại là nơi tập trung nhiều rác thải…
Theo kết quả nghiên cứu sau khi lấy mẫu nước về xét nghiệm của bạn Phạm Thái Hoàng trong chương trình Siêu Thủ Lĩnh 2016 với dự án cải tạo hồ Quan Nhân, hàm lượng DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật) và COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) trong nước vẫn vượt quy chuẩn. Điều này cho thấy nước hồ đang trong tình trạng ô nhiễm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “chết dần” của hồ Quan Nhân. Một trong số đó là việc đã từ lâu hồ không còn thực hiện được đúng những chức năng của nó. Chia sẻ với VTV6, PGS.TS Trần Đức Hạ - một chuyên gia về hồ cho biết: “Hồ đô thị và đặc biệt là hệ thống hồ Quan Nhân thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Tiêu biểu nhất là chức năng điều tiết nước mưa giải quyết úng ngập trong khu vực, tạo cảnh quan và chức năng di tích lịch sử gắn liền với đình làng Quan Nhân”. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, do hoạt động kinh doanh nuôi cá của anh Nam – một người dân sống ven hồ, hồ Quan Nhân đã mất đi chất “động” của nó.
… và bốc mùi hôi thối
Theo lời người dân phường Nhân Chính, nếu như trước đây hệ thống ao của hồ Quan Nhân được nối với nhau bằng các đường ống dẫn để tạo dòng chảy liên tục thì kể từ khi anh Nam thuê lại hồ phục vụ cho mục đích nuôi cá, những đường ống này đã được bịt lại để cá trong ao này không thể bơi sang ao khác. Trong đó ao Dài được sử dụng cho mục đích nuôi cá giống còn ao Mộc Dục và ao Phủ nuôi cá thương phẩm. Chính việc bịt kín này đã tạo nên đặc tính ao tù, nước đọng của hồ. Nước không thể lưu thông, cá thiếu oxy cùng với rác thải sinh hoạt của một số hộ dân (đặc biệt ở Ao Dài) và hàng quán vỉa hè là những nguyên nhân chính khiến hồ Quan Nhân đứng trước nguy cơ ô nhiễm.
Những bước đi đầu tiên
Đứng trước tình hình này, ban quản lí dự án cải tạo hồ Quan Nhân kết hợp cùng cư dân phường Nhân Chính đã có những biện pháp và bước đầu đem lại tín hiệu tích cực. Cụ thể, sau khi đăng quang ngôi vị quán quân Siêu thủ lĩnh 2016, Nguyễn Lê Huy Vũ đã cùng những người trong ban quản lí dự án của mình quay trở lại hồ Quan Nhân và tiến hành rải chế phẩm hóa học Redoxy-3C (có tác dụng giảm thiểu tối đa nguyên nhân gây ô nhiễm hồ và đã được chứng minh hiệu quả ở một số hồ ô nhiễm nặng như Ba Mẫu, Thành Công) từ cách đây vài tháng.
Về phía các cơ quan chức năng, ban quản lí ao hồ, ban quản lí di tích lịch sử, quản lí khu dân cư và hợp tác xã thu m rác tại địa phương đã có sự phối hợp để đề ra quy định về ngày, giờ thu m rác cũng như ra quân dọn rác dưới hồ.
Ngày giờ thu m rác được quy định rất rõ ràng
Cùng với đó, người dân sống quanh khu vực hồ Quan Nhân cũng đã có ý thức cộng đồng hơn, họ đồng ý kí vào bản cam kết dành ra khoảng thời gian từ 16h-18h chiều chủ nhật hàng tuần là ngày ra quân dọn rác. Rác thải sinh hoạt và rác từ các hàng quán vỉa hè giờ đã biến mất khỏi ven bờ hồ. Bác Quyết thẳng thắn chia sẻ: “Dân ở đây bây giờ có ý thức hơn trước rồi. Vì mình là người sống gần hồ, nên hồ sạch thì hưởng đầu tiên mà hồ bẩn thì cũng chịu đầu tiên luôn”.
Bác Quyết cũng như những người dân nơi đây đang cố gắng cải tạo hồ từng ngày
Với những bước đi đầu tiên trong việc làm sống lại hồ Quan Nhân, cư dân phường Nhân Chính đã nhóm lên một tia hi vọng cho những khu vực có hồ ô nhiễm tại thủ đô. Theo đó cho thấy việc phục hồi những hồ như Linh Quang, Tứ Liên hay Văn Chương là hoàn toàn có thể nếu có hướng đi đúng đắn và sự đồng thuận của mọi người.
Thế Anh – Ngọc Diệp
Cùng chuyên mục
Bình luận