PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: “Đừng nên nghĩ đến chuyện sở hữu thiên nhiên”
(Sóng trẻ) – Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Nại thương khi nói về vấn đề xây cáp treo vào động Sơn Đoòng trong Talk show “Du lịch Sơn Đoòng – Người Việt chỉ dám ước mơ?”, được tổ chức vào chiều ngày 3/3 tại Toong Hoàng Đạo Thúy.
Talk show “Du lịch Sơn Đoòng – Người Việt chỉ dám ước mơ” được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách “Đá nhọn vực sâu” của tác giả Nguyễn Vân Anh. Cuốn sách là trải nghiệm thực tế Sơn Đoòng của chính tác giả. Thông qua trong suốt chuyến đi, tác giả đã xâu chuỗi lại những kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm về mẹ, gia đình cho tới khi trưởng thành hòa vào chuyến đi trải nghiệm quý giá Sơn Đoòng rồi qua đó đúc kết được nhiều giá trị cho bản thân.
Chương trình còn có sự tham gia của PG.TS Nguyễn Hoàng Ánh, một cây bút quen thuộc trên mạng xã hội và báo chí. Qua đây, bà cũng chia sẻ rất nhiều ý kiến, rất nhiều quan niệm của mình về vấn đề xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng, về phụ nữ đi du lịch khám phá và cách nuôi dạy con cái.
Talk show “Du lịch Sơn Đoòng – người Việt chỉ dám ước mơ”
Sơn Đoòng và những câu chuyện còn dang dở...
Hang động Sơn Đoòng được coi là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. Gần đây, những thông tin liên quan tới việc khai thác du lịch ở Sơn Đoòng luôn nhận được sự quan tâm của độc giả. Với mức giá đắt đỏ - 3.000 USD/ người (khoảng 64,5 triệu đồng) cho một tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng, có lẽ nhiều người Việt Nam rất khó có cơ hội để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di sản thiên nhiên thế giới tồn tại ngay trên chính quê hương mình. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp xây dựng cáp treo sẽ hiện thực hóa giấc mơ khám phá “một vũ trụ bị bỏ quên nằm ẩn mình trong một hệ sinh thái độc đáo” của người Việt. Nhưng liệu điều này có làm mất đi vẻ nguyên sơ, kỳ vĩ, mạo hiểm – yếu tố độc đáo, hấp dẫn, khiến Sơn Đoòng không giống với bất cứ hang động nào trên thế giới?
Khi được hỏi: “Nếu như trong tương lai, cả bà Vân Anh và bà Nguyễn Hoàng Ánh đều không thể tự mình đi, tự mình khám phá được nữa thì hai cô có muốn cáp treo được xây dựng để có thể đi vào hang Sơn Đoòng không?”. Cô Nguyễn Hoàng Ánh nói: “Tôi sẽ không bao giờ làm điều đấy. Có cáp treo thì nhiều người sẽ đến được hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, đó là chúng ta không bao giờ nên nghĩ đến chuyện sẽ sở hữu thiên nhiên. Chúng ta phải hiểu rằng Sơn Đoòng không phải là thứ mà thế hệ này xây dựng nên. Chúng ta phải cảm thấy rằng đó là thứ may mắn mà thiên nhiên ban tặng. Và đó là thứ mà cha ông đã gìn giữ lại cho mình nguyên vẹn đến tận bây giờ. Nếu như bây giờ chúng ta xây dựng cáp treo vào đó, thì chúng ta sẽ có thể thỏa mãn được sự tò mò của mình. Sẽ có cơ số người kiếm được một số tiền không hề nhỏ. Nhưng tiền bạc, suy cho cùng không có nhiều giá trị. Cái thứ còn lại với chúng ta, chính là non sông đất nước này thôi. Và nếu như con cháu chúng ta nhìn vào chúng ta mà hỏi rằng “Thế thì các người đã để lại gì cho chúng tôi?”, thì chúng ta sẽ trả lời đó như thế nào?”
Nói về việc chúng ta cần làm cho Sơn Đoòng ngày hôm nay, bà Hoàng Ánh chia sẻ:
“Thành thực mà nói thì nếu như chúng ta chưa có đủ điều kiện để quản lý nó thật tốt. Thì làm ơn, chúng ta nên gác lại, để yên đó. Đợi đến khi nào có đủ tiền, đến khi nào chúng ta có đủ điều kiện tốt thì ta làm. Và đừng phá hủy cái động Sơn Đoòng duy nhất, để lại cho đời sau”
Khám phá Sơn Đoòng và trải nghiệm của tuổi trẻ
Tuy nhiên, sự tò mò của con người là một thứ bản năng. Và công nghệ, bàn tay của con người không phải lúc nào cũng là nguyên nhân phá hủy giá trị của thiên nhiên. Có nhiều ý kiến cho rằng cải tạo là điều cần thiết, cáp treo vào Sơn Đoòng giúp cho những người không có sức khỏe tốt có thể tham quan được dễ dàng hơn. Tác giả cuốn sách “Đá nhọn vực sâu” giải thích:
“Có những thứ cảnh cần có cáp treo để được đến tham quan và chiêm ngưỡng nó một cách dễ dàng hơn. Nhưng có những thứ cảnh, có những kỳ quan cáp treo vào không giải quyết được gì cả. Một trong những nơi ấy là Sơn Đoòng. Vì cáp treo nó chỉ vào được đến Hang Én. Và từ Hang Én vào đến Sơn Đoòng phải đến khoảng 2km. Cáp treo chỉ giúp cho chúng ta rút ngắn quãng đường đi vào Sơn Đoòng thôi. Còn ở Sơn Đoòng không thể xây dựng cáp treo được. Chặng đường có thể đi cáp treo đó không có nhiều thứ đáng để chiêm ngưỡng. Du lịch hang Sơn Đoòng chỉ phù hợp với những người thích mạo hiểm, và trải nghiệm cảm giác mạo hiểm trong hang lớn nhất thế giới. Đó là khoái cảm của những người đi du lịch thôi. Và việc xây cáp treo là không cần thiết”
Kết thúc chương trình, bà Nguyễn Hoàng Ánh đã gửi đến các bạn trẻ một thông điệp: “Tôi nghĩ rằng không nhất thiết trong chúng ta ai cũng phải đến Sơn Đoòng. Chúng ta đừng nghĩ Sơn Đoòng là Sơn Đoòng. Chúng ta hãy nghĩ đến nó như một ước mơ, một điều kỳ vĩ nào đó, một thử thách trong cuộc đời. Với một người nào đấy thì có thể Sơn Đoòng là một mong muốn. Nhưng với người khác thì có thể không phải là Sơn Đoòng, nó có thể là đỉnh Phan- xi-păng, hay là một chuyến đi xuyên Việt. Nếu như bạn thật sự có trải nghiệm, thì chỉ cần bạn leo lên đỉnh khách sạn Continental Plaza ngay Hồ Tây, nhìn xuống một bên là Hồ Tây, một bên là hồ Trúc Bạch, con đường ở giữa, chùa Trấn Quốc một bên, thì tôi tin là bạn đã có nhiều trải nghiệm hơn là mất nhiều thời gian để đi đến một nơi xa, chụp ảnh check-in rồi về. Quan trọng nhất là hãy tìm cho mình sự trải nghiệm. Bởi vì trải nghiệm mới khiến cho cuộc sống của mình có ý nghĩa”.
Hằng Nguyễn – PT K36
Cùng chuyên mục
Bình luận