Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử”
(Sóng trẻ) - Sáng 16/3, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Hội nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Vai trò của Báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử”. Hội thảo đưa đến những góc nhìn nhằm hoàn thiện, phong phú hơn vai trò của báo chí truyền thông đối với văn hoá trong thời kỳ mới.
Hội thảo “Vai trò của Báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử” tập trung thảo luận một số vấn đề như: đặc điểm văn hoá ứng xử văn hoá truyền thống Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; phân tích văn hoá ứng xử của trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; vai trò của báo chí trong việc lan toả những thông điệp điển hình để hình thành văn hoá ứng xử; nêu những bài học kinh nghiệm trong việc nêu gương người tốt việc tốt và phê phán cái xấu; đề xuất những giải pháp nâng cao vai trò của báo chí truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử.
Toàn cảnh hội thảo "Vai trò của Báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử”
Tham dự và chủ trì hội thảo là đồng chí Vũ Đức Đam - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo- thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nài ra, tham dự Hội thảo còn có sự góp mặt của các đại diện ban bộ ngành trung ương, các nhà nghiên cứu văn hoá,..
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, văn hoá ứng xử là sự thể hiện triết lí sống, lối suy nghĩ, lối hành động,… của một cộng đồng người trong mối quan hệ giữa con người với con người. Xuất phát từ thực tiễn và tầm quan trọng trong lối văn hoá ứng xử của con người Việt Nam trong thời kì mới, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung xây dựng con người ở đạo đức, lối sống, nhân cách, suy nghĩ và hành động ứng xử, xây dựng môi trường lối sống lành mạnh, chính phủ, các bộ ngành địa phương đã tích cực ban hành quy tắc ứng xử, văn hoá công vụ với những hành vi ứng xử văn hoá phù hợp với tính chất, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điều hành hội thảo
Tại Hội thảo, nhiều tham luận của Báo Giao thông, Báo Tiền phong, Viện Báo chí… về vai trò của báo chí và truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử đã được đưa ra. Đại tá Nguyễn Văn Hải (báo Quân đội nhân dân Việt Nam) chia sẻ: “Chưa bao giờ hiệu ứng truyền thông lại có sức lan toả mạnh mẽ như hiện nay, sống trong thế giới phẳng chỉ cần cần một chiếc điện thoại có thể biết tất cả mọi việc xảy ra trên thế giới. Vì vậy, báo chí càng cần phải nêu cao vai trò của mình. Nói đến nghề báo là nói đến công việc chữ nghĩa, “chữ” đi liền với “nghĩa”, sao cho trên các phương tiện truyền thông, báo chí đúng mực, chuẩn xác. Nhà báo phải nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, bảo vệ phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam”.
Bên cạnh tham luận của những người làm truyền thông, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đưa ra những ý kiến đa chiều góp phần bổ sung về tầm quan trọng của việc ứng xử văn hoá trong các lĩnh vực khác của đời sống.
Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm về chủ đề hội thảo
Khép lại buổi hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tổng kết vai trò của báo chí truyền thông trong việc lan toả những thông điệp điển hình và góp phần hình thành xây dựng nếp sống văn hoá trong thời kì công nghệ 4.0. “Việc một đất nước có nền kinh tế phát triển là tốt, có GDP cao là điều đáng ca ngợi nhưng vẫn không tự hào bằng mọi người trên thế giới biết về một nước có nền văn hoá văn minh. Việc ứng xử văn hoá trong các lĩnh vực là vấn đề luôn được coi trọng và cần phát huy, không ngừng học hỏi từ các nước văn minh trên thế giới” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội thảo với sự tham gia đóng góp của nhiều ý kiến, tham luận đến từ các cá nhân và cơ quan chức năng đã giúp phản ánh rõ thực trạng ứng xử văn hoá của người dân Việt Nam trong thời đại ngày nay, từ đó đưa ra những giải pháp hữu ích nhằm nâng cao vai trò, ý nghĩa của hoạt động này trong báo chí và đời sống xã hội.
Nguyễn Thương - Hồng Thảo - Nguyễn Sơn
Cùng chuyên mục
Bình luận