Phóng sự: Chuyện về người đi tìm danh hiệu anh hùng cho đồng đội

(Sóng trẻ)-Trong suốt những năm tháng kể từ sau trận đánh lịch sử giữ thành cổ Quảng Trị, dù đất nước đã hòa bình nhưng ký ức về những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi

c90598470_cuu_chien_binh_nguyen_van_hoi.jpg
 
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi kể về Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo anh hùng 

 Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe những chi tiết trận đánh cứ điểm 689 bảo vệ thành cổ Quảng Trị và quả bom dù định mệnh ngày 13/8/1972 của địch đã đánh trúng Sở chỉ huy Tiểu đoàn K3-Tam Đảo tại cổng Tây Thành Cổ. Tất cả cán bộ Tiểu đoàn đều hy sinh chỉ còn lại Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến với câu nói đi vào lịch sử “K3-Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”. Khắp địa danh của 2 huyện Hướng Hóa và Cam Lộ đâu cũng có bàn chân và chiến công của Đại tá Đỗ Văn Mến. Đến mãi sau này, với trách nhiệm của những người đồng đội chiến đấu cùng như bác Nguyễn Văn Hợi và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long… bác Đỗ Văn Mến đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

 Trở về đời thường với quân hàm thượng sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, người trợ lý quân lực của tiểu đoàn năm xưa, mang trên mình thương tật 1/4 vẫn tích cực với các hoạt động phong trào của khu phố và công tác hội cựu chiến binh nơi mình sinh sống. Hiện ông đang cư trú tại thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) và là Trưởng Ban liên lạc, Tiểu đoàn K3-Tam Đảo, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Với ánh mắt đã đục mầu theo dòng thời gian và làn da đồi mồi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, người cùng chiến đấu với đại tá Đỗ Văn Mến kể về người tiểu đoàn trưởng thân thương của mình: “Tiểu đoàn trưởng Mến rất nhanh nhẹn, anh chạy khắp các chiến hào. Chỗ nào nguy hiểm, khó khăn nhất là anh thường hay có mặt. Người anh Mến nhỏ nhắn nhưng tinh thần dũng cảm và sự mưu trí, quyết đoán của anh đã làm vững lòng cán bộ, chiến sỹ. Có thời gian mưa nhiều, hầm hào ngập sâu trong nước, người anh Mến thấp, có chỗ ngập sâu đến cổ. Thế mà anh ấy chẳng hề quản ngại, lội khắp khu vực thành để động viên, chỉ huy bộ đội… Khi vào thành cổ được mấy ngày, chiếc quần duy nhất của Tiểu đoàn trưởng Mến bị dây thép gai cào nát một ống, phải cắt bỏ cho khỏi vướng. Trong bom đạn khốc liệt cận kề với cái chết, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy Tiểu đoàn trưởng Mến xuất hiện với cái quần một ống là anh em chiến sỹ lại cười, quên hết cả hiểm nguy. Hôm sập hầm chỉ huy tiểu đoàn ở cổng phía tây Thành cổ, Tiểu đoàn trưởng Mến thoát chết trong tích tắc vì ông vừa chạy ra khỏi hầm để chỉ huy bộ đội chiến đấu thì bị một quả bom dù rơi đúng hầm chỉ huy làm 11 cán bộ, chiến hy sinh…” 

Kỷ niệm mà ông Hợi không thể nào quên là trong những ngày chiến đấu ác liệt nhất, tiểu đoàn trưởng Mến, mặt sạm màu đen khói đạn, chỉ với cái quần đùi và khẩu AK báng gập bên mình, mò mẫm đến từng chốt chiến đấu để động viên bộ đội. Với bản lĩnh người lính, người chỉ huy đã trải qua bao trận đánh khốc liệt với quân Mỹ ở Khe Sanh, Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Đỗ Văn Mến (thời kỳ năm 1972) nghiêm trang hứa với tư lệnh mặt trận B5 Lê Trọng Tấn: “K3-Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”. Lời hứa của người Tiểu đoàn trưởng đã trở thành lời thề danh dự của những người lính cảm tử đoàn Tân Trào. Đồng chí đã quán triệt cho tất cả cán bộ, chiến sỹ, đây không chỉ là lời hứa của tôi với đồng chí Tư lệnh mặt trận B5 mà đây còn là mệnh lệnh của Tổ Quốc. Bằng mọi giá chúng ta phải giữ được Thành cổ Quảng Trị vì giữ được Thành cổ có ý nghĩa lớn lao cho đấu tranh chính trị ở hội nghị Paris. Từ quyết tâm sắt đá ấy, người Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến đã tạo cho đơn vị niềm tin và tinh thần để vượt qua gian khổ, ác liệt, đẩy lùi mọi đợt tiến công của địch, giữ vững được Thành cổ Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm đỏ lửa ấy ở Thành cổ Quảng Trị, lớp lớp người này ngã xuống, người khác lại xông lên. Những người lính của Tiểu đoàn K3- Tam Đảo dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến thề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Với những chiến công xuất sắc đó, Tiểu đoàn K3-Tam Đảo đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973. 

Trong suốt những năm tháng kể từ sau trận đánh lịch sử giữ thành cổ Quảng Trị, dù đất nước đã hòa bình nhưng ký ức về những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi. Ông nói: “Tôi vốn là Trợ lý quân lực của tiểu đoàn nên nhớ khá rõ địa chỉ của những đồng đội trong tiểu đoàn, thậm chí nhớ đến cả thôn, xóm. Vì vậy, tôi luôn mong muốn tìm lại được những đồng đội của mình”. Được vợ, con hết lòng ủng hộ và động viên, giúp đỡ, năm 1998, ông Hợi bắt đầu hành trình đi tìm lại đồng đội của mình ở khắp 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông bắt đầu bằng việc đến Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh để hỏi thông tin, rồi lần tìm về huyện, xã, thôn. Có những lúc, ông gần như tuyệt vọng khi mất thông tin đồng đội. Nhưng nghĩ đến được gặp lại những người anh em của mình, ông lại tiếp tục đi tìm. Sau gần 10 năm đi tìm, ngày 01/5/2007, tại căn nhà của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi số 550, đường Trường Chinh, thành phố Nam Định đã diễn ra một cuộc gặp gỡ lịch sử của những người đồng đội đã chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị với những cái ôm chầm và những cái bắt tay thân thiết sau bao năm gặp lại. Họ đã thành lập Ban liên lạc Tiểu đoàn K3-Tam Đảo và cử cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi làm Trưởng ban liên lạc. Trong buổi hội ngộ ấy, những người lính bảo vệ Thành cổ năm xưa cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời chiến đầu vào sinh ra tử và kể cho nhau về cuộc sống đời thường. Song, có một nỗi niềm day dứt đối với những người cựu chiến binh còn sống sót trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đó là vẫn chưa tìm hết và đưa được những người đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường về với quê hương. Những chiến công xuất sắc của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến và những đồng đội khác vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền ghi nhận. 

Theo đề xuất của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi và nguyện vọng của các cựu chiến binh bảo vệ Thành cổ khác, Ban liên lạc Tiểu đoàn K3-Tam Đảo đã làm hồ sơ gửi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị với 3 kiến nghị: Một là, Bảo tàng Thành cổ lập một bia tưởng niệm ghi nhận những hy sinh anh dũng của Ban chỉ huy K3 tại cổng Tây, lập bia tưởng niệm các đồng chí đã tham gia trong chiến dịch thành Thành cổ. Hai là, mô phỏng sa bàn phòng ngự tác chiến của Tiểu đoàn trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ba là, đề nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Đỗ Văn Mến nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3. Những đề nghị này gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng tình cảm, tâm huyết và nỗ lực của ông Hợi và ban liên lạc, đến ngày 29 tháng 5 năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ra quyết định số 775/QĐ - CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cựu chiến binh Đỗ Văn Mến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (K3-Tam Đảo, Tỉnh đội Quảng Trị). Tiếp đó, đến năm 2012, Ban liên lạc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã đề nghị phong tặng danh liệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cựu chiến binh Trần Trọng Can, nguyên chiến sỹ Đại đội 12, Tiểu đoàn 3 đã có thành tích bắn rơi 6 máy bay phản lực của Mỹ. 

 Với mong muốn Sở chỉ huy tiểu đoàn K3 bị bom dù đánh sập thành địa chỉ đỏ để các thế hệ mai sau biết đến, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi đã đặt vấn đề hỗ trợ kinh phí để phục chế căn hầm Sở Chỉ huy tiểu đoàn với Ngân hàng Nhà nước và được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ủng hộ. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã có thông báo số 450/TB-CĐNH gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ kinh phí 01 tỷ đồng để phục chế Sở Chỉ huy Tiểu đoàn K3-Tam Đảo, nguồn kinh phí được trích từ Quỹ xã hội từ thiện. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng một bia tưởng niệm ghi nhận những hy sinh anh dũng của Ban chỉ huy K3 tại cổng Tây, lập bia tưởng niệm các đồng chí đã tham gia trong chiến dịch Thành cổ. Không chỉ dừng lại ở đó, tinh thần trách nhiệm với lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi còn tích cực vận động ngành Ngân hàng hỗ trợ kinh phí để xây dựng Di tích lịch sử Cao điểm 689, Khe Sanh. Mục tiêu của công trình là tạo được nơi tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh tại Cao điểm 689, phục vụ tốt khách đến viếng di tích; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Đến nay, công trình xây dựng Di tích lịch sử Cao điểm 689, Khe Sanh đã gần hoàn thành.

 Chia tay người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, tôi cảm thấy một điều rất đáng trân trọng ở bác đó là nghĩa tình với đồng đội và trách nhiệm với lịch sử. Trở về với đời thường, ở cái tuổi đã xế chiều, nhưng bác Hợi vẫn luôn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình với những với đồng đội đã ngã xuống và cả những người còn đang sống. 

Đặng Xuân Khu 
Lớp K3b.bqp

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 giờ trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN