Phụ nữ thời nay có xu hướng “giỏi việc nước” hơn

(Sóng Trẻ) - Chia sẻ lăng kính cá nhân về trọng trách của người phụ nữ trong thời đại hiện nay, đặc biệt là chuyện làm mẹ, nhà thơ Nhược Lạc khẳng định tư tưởng “Con hư tại mẹ” là chưa toàn diện trong xã hội hiện đại.

“Con hư tại mẹ” là tư tưởng đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt Nam. Khó có thể phủ nhận vai trò của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái bởi những đặc tính vốn có của phái nữ. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực của xã hội ngày nay đã thay đổi vị thế của họ - khi tầm nhìn của những người phụ nữ thời đại mới không chỉ xoay quanh không gian bếp núc.

Trò chuyện cùng nhà thơ Nhược Lạc - người thường chia sẻ những quan điểm sống tích cực về người phụ nữ hiện đại và hạnh phúc gia đình, chúng tôi có góc nhìn đa chiều hơn về trọng trách của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con.

anh-1-5.jpg
Nhà thơ Nhược Lạc trong tập 94 Have a sip của Vietcetera (Ảnh: Vietcetera)
Nhược Lạc hiện đang làm nhà thơ tự do và làm công việc quản lý về truyền thông cho doanh nghiệp. Chị là tác giả của cuốn sách “Cơm nhà nói chung là êm” - tác phẩm từng trở thành “hot trend” của những bạn trẻ đang lạc lối ở thành phố. Bên cạnh đó, chị cũng có các công việc kinh doanh riêng như quán trà Lạc Teahouse, thương hiệu thời trang Tênh Tênh… Chị hiện đã có tổ ấm nhỏ với 2 bạn nhỏ (5 tuổi và 6 tuổi) tại TP.HCM.

 

PV: Câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” mang ẩn ý rằng trách nhiệm nuôi dạy con thuộc về người phụ nữ trong gia đình. Liệu câu tục ngữ này còn “vừa vặn” với thời nay?

- Câu tục ngữ này xuất hiện vào thời điểm mà sự phân chia về lao động của hai giới nam - nữ còn khá rõ ràng. Cụ thể là người nam sẽ nhận trách nhiệm gánh vác các việc nặng, lo kinh tế chính trong gia đình, còn người nữ sẽ vun vén cửa nhà và chăm sóc con cái. Ở bối cảnh xã hội ngày nay, câu tục ngữ dĩ nhiên không còn chính xác nữa vì cấu trúc xã hội đã thay đổi. Ngày nay, người phụ nữ đi làm y như nam giới, và không còn gặp hạn chế gì trong việc phát triển sự nghiệp nữa. Cũng chính vì lẽ đó, trách nhiệm đối với gia đình của cả hai giới cũng được san sẻ lại bình đẳng với nhau. 

PV: Điều này có thể tạo ra một “xu hướng ngược”: người phụ nữ bươn chải ngoài xã hội và người đàn ông ở nhà chăm lo gia đình, nuôi con. Chị nghĩ sao về xu hướng này?

- Tôi nghĩ điều đó phù hợp với từng gia đình thôi. Và mình đừng nghĩ nó là xuôi hay ngược. Ai phù hợp để ra ngoài thì ra ngoài, ai phù hợp để ở nhà chăm lo thì chăm lo. Và thậm chí có thể cùng ra ngoài, rồi cùng về nhà chăm lo, hoặc hoán đổi cho nhau trong những giai đoạn cụ thể. Thời đại ngày nay không chỉ đòi hỏi người phụ nữ phải linh hoạt, năng động hơn, mà cả người đàn ông cũng cần như vậy.

PV: Điều này có đồng nghĩa với việc phụ nữ có nhiều “đất diễn” hơn ngoài xã hội?

- Phụ nữ ngày nay đa nhiệm hơn. Họ có kiến thức, có địa vị xã hội, khả năng tài chính đều vượt trội hơn so với thế hệ trước. Hiện nay, bối cảnh rõ nét nhất chính là đóng góp của phụ nữ trong việc tạo thu nhập cho gia đình, đồng thời phụ nữ có vị thế khác biệt hoàn toàn với ngày xưa bởi chế độ chính sách của nhà nước và sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế thị trường. 

Chính điều này vừa là điểm mạnh, vừa là khó khăn của phụ nữ hiện đại. Họ gánh vác nhiều áp lực hơn. Họ phải có đóng góp cho xã hội, kiếm được thu nhập, lại phải đảm đang việc nhà, giỏi trong việc chăm sóc con cái. Có thể thấy những câu như “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vẫn kéo dài từ khoảng 1-2 thế hệ trước đến tận thời nay. 

anh-2-9.jpg
Nhà thơ Nhược Lạc cho rằng phụ nữ hiện đại ngày càng đa nhiệm. (Ảnh: NVCC)

PV: Khi người phụ nữ ra xã hội nhiều hơn, vai trò làm mẹ của họ có bị “hạ thấp”?

- Phụ nữ thời nay có xu hướng “giỏi việc nước” hơn, và có lẽ cũng vì vậy họ thường bị trách móc vì “việc nhà”. Nhưng nếu để ý kỹ, đó là lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân của mỗi người, không ai có quyền phán xét hay khiển trách cả. 

Vậy nên, có thể thấy một xu hướng chuyển dịch khá lớn là ngày càng có nhiều người chọn lối sống độc thân hoặc kết đôi nhưng không sinh con. Điều này là hợp lý, bởi vì sống như vậy dễ chịu hơn rất nhiều. Nếu xã hội muốn khuyến khích những người trẻ (cả nam và nữ) sinh nở nhiều hơn, thì sẽ có khá nhiều thứ cần thay đổi: lối suy nghĩ cảm thông hơn từ người thân, họ hàng, hàng xóm…, các hình thức hỗ trợ cha mẹ và bé hiệu quả hơn từ các trường học, hệ thống y tế, trông giữ trẻ ngoài giờ… 

anh-3-7.jpg
Nhà thơ Nhược Lạc tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người phụ nữ. (Ảnh: NVCC)

PV: Mặc dù có thể thấy rằng người phụ nữ ngày nay “giỏi việc nước” hơn nhưng nhiều ý kiến nhận định rằng bản chất sinh học quyết định vai trò xã hội của mỗi người, và bởi vậy “nuôi con” vẫn là trách nhiệm chính của người phụ nữ. Người phụ nữ có thiên tính dịu dàng, duy cảm nên thiên chức của họ là chăm sóc trẻ nhỏ, đây cũng chính là thế mạnh của họ so với nam giới. Chị nghĩ sao về quan điểm này? 

- Trẻ nhỏ không chỉ cần sự dịu dàng, nữ tính. Bọn trẻ con cần cả sự nam tính, nghiêm khắc, rèn giũa đi vào nề nếp, quy định. Do đó, để một đứa trẻ phát triển toàn diện và lành mạnh, thật ra cần cả tính-nam và tính-nữ trong câu chuyện này. Mở rộng ra, một đứa trẻ còn cần hơn thế nữa. Vậy mới có câu “cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”.

PV: Là một người mẹ thời đại mới đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chị có lời khuyên gì cho những phụ huynh trẻ để đứa trẻ được phát triển trong môi trường lành mạnh, tích cực nhất? 

- Làm mẹ là công việc vất vả nhất trên đời này! Tôi đã chạy rất nhiều dự án lớn, nhưng chưa có dự án nào áp lực, mệt mỏi bằng việc làm mẹ cả. Chính vì sự vất vả này, nuôi dạy con không nên và không thể là nghĩa vụ của riêng ai. Nên nếu đã xác định có con, yêu cầu đặt ra là sự trưởng thành trong suy nghĩ và sẵn sàng dấn thân của cả Bố và Mẹ. Thật ra là cả Ông và Bà, tất cả mọi người xung quanh nữa. Cần khá nhiều sự cởi mở trong suy nghĩ của cả xã hội, để việc nuôi dạy một đứa trẻ trở nên dễ thở, dễ chịu hơn.

anh-4-thumb.jpg
Nhà thơ Nhược Lạc khẳng định làm mẹ là công việc vất vả nhất trên đời (Ảnh: NVCC)

PV: Cảm ơn những chia sẻ thân tình của chị Nhược Lạc. Chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN