Ra mắt cuốn sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm”: Góc nhìn mới mẻ về hội họa
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 11/10/2024, San Hô Books cùng Nhà xuất bản Thanh niên tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm” của tác giả Susie Hodge, mang đến một góc nhìn nghệ thuật mới mẻ cho độc giả ưa thích hội họa.
Nằm trong chuỗi sự kiện Triển lãm sách Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải Phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tọa đàm được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam với sự tham gia của những tác giả, họa sĩ có tiếng trong giới nghệ thuật. Buổi tọa đàm là không gian thảo luận về những nội dung nổi bật được đề cập trong cuốn sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm" của tác giả Susie Hodge, biên dịch bởi Artplas.
Buổi tọa đàm diễn ra dưới sự dẫn dắt của Nhà văn trẻ Hiền Trang và sự tham dự của Giám đốc NXB Thanh niên Lê Thanh Hà, họa sĩ Kim Duẩn và họa sĩ Phạm Huy Thông. Sự kiện thu hút đông đảo các bạn đọc yêu thích nghệ thuật. Trong buổi trò chuyện, khán giả được trải nghiệm hành trình khám phá nghệ thuật qua lăng kính của các diễn giả. Đồng thời, thông qua cuốn sách, bạn đọc còn có cơ hội tiếp cận với thế giới nghệ thuật một cách tự nhiên và gần gũi nhất.
Với hơn 70 tác phẩm hội họa nổi tiếng từ các danh họa như Frida Kahlo, Henri Matisse, Louise Bourgeois và Auguste Rodin, cuốn sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm” kể những câu chuyện thú vị nhằm khơi dậy niềm đam mê khám phá nghệ thuật. Cuốn sách không đơn thuần chỉ nói về nghệ thuật, mà còn mở ra một góc nhìn mới mẻ về cách nghệ thuật kết nối con người và mang lại tác động tích cực đến cảm xúc thông qua liệu pháp trị liệu nghệ thuật (Art Therapy).
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc NXB Thanh niên Lê Thanh Hà chia sẻ: “Thông qua cuốn sách, chúng tôi mong muốn giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với nghệ thuật, yêu nghệ thuật và đóng góp thêm những “viên gạch” cho nền nghệ thuật Việt Nam. Đối với nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, việc tiếp cận tới nghệ thuật trong cuốn sách này là một trong những cách thức để chữa lành, là liều thuốc trị liệu tâm hồn”.
Thảo luận về nhận định: “Nếu nghệ thuật vốn là cuộc khám phá bản ngã riêng tư, vậy có cách nào để những người thưởng thức thấy được chính mình?”, các diễn giả đã có những chia sẻ đậm chất cá nhân, để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả.
Đối với những khán giả trẻ, chưa có nhiều cơ hội tìm hiểu về nghệ thuật, các diễn giả tại tọa đàm cũng có những chia sẻ rất bổ ích về kinh nghiệm tiếp cận với nghệ thuật. Theo họa sĩ Phạm Huy Thông, anh mong muốn mọi người hãy tìm kiếm tới những tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên nhất, tránh việc gò bó bản thân mà hãy “ngắm” theo bản năng của mỗi người.
Cuốn sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm” của Susie Hodge là một món quà dành cho tâm hồn của bạn đọc, giúp chúng ta đến gần hơn với nghệ thuật, từ đó tìm thấy sự thư giãn và cân bằng trong cuộc sống đời thường. Đây là cuốn sách không chỉ dành cho những người yêu thích nghệ thuật mà còn cho tất cả những ai đang tìm kiếm một phương pháp để xoa dịu cảm xúc và khơi dậy sự sáng tạo.