Sân chơi trẻ em “đắp chiếu” hàng loạt
(Sóng Trẻ) - Sân chơi trẻ em là nơi bổ ích, an toàn để trẻ vui chơi, giải trí trong thời gian rảnh rỗi. Thành phố Hà Nội hiện có không ít những dự án được đầu tư làm sân chơi cho trẻ em, chiếm một diện tích không hề nhỏ so với quỹ đất của thành phố, nhưng hầu như các sân chơi này đều đang bị “đắp chiếu” hoặc được sử dụng vào mục đích khác.
Sân chơi vắng bóng trẻ
Khảo sát tại nhiều sân chơi dành cho trẻ em như khu tập thể C1 Nghĩa Tân, 527 Phạm Văn Đồng, sân tập thể B1 Giảng Võ, B2 Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh… ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng: hầu hết các sân chơi đều đang vắng bóng trẻ em.
Sân chơi trẻ em tại khu tập thể C1 Nghĩa Tân được đầu tư đầy đủ trang thiết bị với cầu trượt, bập bênh, đu quay, cưỡi ngựa… nhưng rất ít khi được sử dụng. Cô Lan (sống tại đây) cho biết: do các bậc cha mẹ giờ đây hầu như đều bận bịu với công việc nên ít có thời gian đưa trẻ ra đây chơi.
Sân chơi khu tập thể C1 Nghĩa Tân vắng bóng trẻ em.
Sân chơi số 527 đường Phạm Văn Đồng nằm giữa một khu dân cư đông đúc, có quy mô khá rộng rãi nhưng cả sân chơi chỉ có 3 chiếc cầu trượt bám đầy bụi do lâu ngày không được sử dụng. Trong tình trạng tương tự như vậy, sân tập thể khu nhà B1 Giảng Võ cũng chỉ có duy nhất một chiếc đu quay cũ kỹ và hầu như không bao giờ nghe thấy tiếng trẻ em nô đùa.
Sử dụng sai mục đích
Do thiếu sự quản lí chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên những sân chơi dành riêng cho trẻ hay sân chơi công cộng của các khu tập thể giờ đây đang bị người dân chiếm dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Sân chơi trẻ em tại số 527 Phạm Văn Đồng đang bị một số hộ dân gần đó tận dụng để đậu ô tô, phơi quần áo. Hơn nữa, vào buổi chiều, tức là khoảng thời gian thời gian trẻ em đến đây chơi, rất nhiều xe máy của những người đến chơi cầu lông, bóng chuyền tại sân đã quây kín những trò chơi của trẻ.
Sân chơi số 527 Phạm Văn Đồng được tận dụng để đỗ ô tô và… phơi chiếu.
Tương tự như vậy, sân khu tập thể nhà B1 Giảng Võ nằm trên đường Trần Huy Liệu hiện cũng đang được những chủ cửa hàng xung quanh tận dụng tối đa vào việc kinh doanh. Mặc dù bảng nội quy trong sân chơi có ghi "Nghiêm cấm lấn chiếm, sử dụng mặt bằng sân chơi vào mục đích riêng", nhưng tại đó vẫn mọc lên hàng loạt quán ốc, quán cà phê… và những chiếc xe máy của khách vào quán được xếp thành hàng dài, lấn chiếm phần lớn không gian của sân tập thể. Chị Ngân sống tại khu tập thể bức xúc bày tỏ: “Tôi thấy người ta quy định đây là sân chơi cho trẻ em nhưng cả sân rộng hàng trăm m2 không còn một chỗ trống dành cho trẻ chơi. Người ta tự do kinh doanh cứ như… cái chợ vậy”.
Việc các sân chơi vắng bóng trẻ hoặc bị sử dụng vào mục đích khác đang làm mất dần ý nghĩa của sân chơi dành cho trẻ em. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần quan tâm nhiều hơn, cải tạo, lắp đặt thêm đồ chơi, dụng cụ thể thao… để trẻ em có thêm không gian vui chơi lành mạnh; đặc biệt, cần nghiêm cấm triệt để các hành vi vi phạm, lấn chiếm không gian chung để sân chơi cho trẻ có thể phát huy tối đa tác dụng và trở về đúng chức năng của nó.
Triệu Quang
Lớp Báo ảnh K.29
Học viện Báo chí và Tuyên truyền