Sinh viên - nạn nhân đáng thương hay kẻ tiếp tay cho bóng tối? (Kỳ III)
(Sóng Trẻ) - “Chỉ vì ham 300.000 đồng thi hộ mà mình bị đình chỉ học, nhà trường gửi giấy về địa phương, mình cảm thấy xấu hổ với gia đình, làng xóm” - Đó là lời chia sẻ đầy xót xa của bạn T.H (1995) kể lại vụ việc cách đây hơn nửa năm.
Kỳ III: Thi hộ - quá liều “nghề bán chất xám”
Thi hộ - tiền rẻ mà trái đắng
Nhìn “bộ sưu tầm” thẻ giả của T.H mới biết bạn đã thi hộ nhiều như thế nào. Theo lời T.H kể, ban đầu bạn chỉ nhận làm bài thi gián tiếp - tức là sinh viên chụp đề bài gửi qua điện thoại, zalo, facebook, T.H ở nhà làm bài và chụp lại đáp án. Thi gián tiếp thường có giá từ 100.000 - 200.000 tùy vào độ khó của từng môn. Nhưng sau này do đi học hộ quá nhiều, lại muốn kiếm thêm tiền nên T.H đã nhận thi trực tiếp, người thuê làm thẻ sinh viên giả cho T.H và T.H chỉ cần vào thi, giá mỗi lần thi hộ là 300.000 - 500.000 tùy vào điểm số đạt được. “Ban đầu mình còn học đề cương cẩn thận, sau thi nhiều rồi thấy dễ thì mình mở phao, điểm vẫn cao như thường” - T.H tiết lộ “bí kíp”.
Một phần trong “bộ sưu tầm” thẻ của T.H (Ảnh: Phan Thanh).
Nhưng rồi “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, tại một lần thi ở trường Đại học Đại Nam (cơ sở Hà Đông), T.H đã bị thầy cô coi thi phát hiện, viết tường trình và bị phòng đào tạo của trường giữ lại cả buổi chiều. Ngay tuần sau, bản tường trình được gửi về ngôi trường T.H theo học và bạn đã bị đình chỉ học ngay lập tức. “Bị đình chỉ học còn có thể học tiếp nhưng sự xấu hổ và danh dự của mình đã mất, mình còn làm bẽ mặt gia đình ở quê nữa”.
Giao xảo đôi bên
Trong page Học hộ - Thi hộ, admin đã ghim hẳn lên trang đầu tiên những trường hợp nhận tiền thi hộ nhưng thi điểm thấp hoặc những người thuê “bùng tiền” không trả. Dù là thi gián tiếp hay trực tiếp, khi đôi bên đã gian xảo thì có vô vàn chiêu trò được bày ra. Nếu là thi gián tiếp, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển khoản tiền trước, hứa đến ngày thi sẽ làm đề sau khi nhận đề qua điện thoại, nhưng cuối cùng lại không làm, người thuê mất hết số tiền đã gửi. Đáng sợ hơn là kẻ lừa đảo lập nick ảo và copy thông tin của người nào đó rồi đi lừa đảo. Khi bị “bóc phốt” thì mọi người lại cứ nhằm vào kẻ bị lấy thông tin mà truy tìm, mắng mỏ. Người bị lấy thông tin đến lúc đó cũng mới biết mình bị “chơi xỏ”.
Hình thức cảnh báo lừa đảo trong page Học hộ - Thi hộ (Nguồn: Facebook)
Còn với thi trực tiếp, người nhận đi thi nhưng vòng vo trốn thi hoặc làm bài điểm thấp, nếu có rắc rối gì lại quay sang dọa người thuê sẽ lên thẳng phòng đào tạo “mách”. Thời gian gần đây, Học viện Tài chính, Đại học Giao thông Vận tải... ngày càng quản lý chặt chẽ hơn trường hợp học hộ, thi hộ khiến những sinh viên chuyên thi hộ trực tiếp phải dè chừng.
Những đối tượng thi hộ tại Đại học Giao thông Vận tải tại ngày thi 10/09/2017 (Nguồn: Facebook)
Để tránh trường hợp thi hộ trực tiếp dẫn tới bị bắt, các đối tượng thi hộ lại nghĩ ra cách dùng tai nghe siêu nhỏ trong phòng thi. Cách này đã xuất hiện từ lâu, tưởng là cũ nhưng chưa bao giờ ngưng độ phổ biến.
Bảng giá bán và cho thuê tai nghe siêu nhỏ (Nguồn: Facebook)
Không chỉ phổ biến hiện tượng thi hộ trong giới sinh viên, thi hộ lấy chứng chỉ tin học, Tiếng Anh dành cho người đi làm cũng trở nên quen thuộc. Những gói dịch vụ trọn vẹn 100% từ khâu thuê người học hộ đến làm hồ sơ, thuê người thi hộ, dàn xếp đáp án sẵn cũng được nhiều trung tâm Tin học áp dụng.
Quang cảnh trước giờ thi chuẩn đầu ra Tin học, không ai nghĩ đa phần thí sinh đều thi hộ (Ảnh: Phan Thanh)
Lần theo một bài đăng trên facebook cần tuyển người thi hộ Tin, PV Sóng Trẻ đã có cơ hội xâm nhập vào phòng thi Tin ở cơ sở trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Trước khi vào thi, những người thi hộ nhận được phiếu thông tin và không cần có thẻ học viên hoặc chứng minh nhân dân vẫn dễ dàng vào được phòng. Xung quanh phòng thi đều được “cài cắm” người của trung tâm.
Những người thi hộ thản nhiên ký tên vào tờ danh sách thí sinh (Ảnh: Phan Thanh)
Người nhận thi hộ điền thông tin vào phiếu thông tin, bạn L.T.T nói rằng “tớ thi hộ một người sinh năm 1966 bằng tuổi mẹ mình”. Khi mở màn hình máy tính làm trắc nghiệm, các đáp án đã có sẵn, người thi hộ chỉ cần dịch chuyển các câu hỏi và nhấn vào Nộp bài để kết thúc thi trắc nghiệm.
Phần trắc nghiệm đã có đáp án sẵn (Ảnh: Phan Thanh)
Đến phần tự luận, bạn L.T.T lại nói nhỏ rằng: “Qua hết ấy mà, làm cho có thôi, làm một ít nhanh còn đi về”. Với 3 phần thi Tin học nếu làm kỹ càng cũng phải ngồi đến tận cuối giờ, nhưng mới quá nửa thời gian, phòng thi (đa phần là thi hộ) đã về gần hết. Những người coi thi cũng chính là những người đưa tiền cho người nhận thi hộ, giá tiền từ 80.000 - 100.000 đồng với lời hẹn của người trong trung tâm “tuần nào cũng có thi thế này, tuần sau lại thi cho chị nhé”.
Với cách kiếm tiền đơn giản, sinh viên đang tiếp tay cho đường dây thi hộ nhiều hệ lụy. Những trái đắng khi nhận thi hộ và thuê người thi hộ đã xuất hiện như một lời cảnh tỉnh đối với sinh viên.
Hành vi thi thay cho người khác là hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP.
|
Phan Thanh
Cùng chuyên mục
Bình luận