Lớp học “màu da cam” ở Làng Hữu Nghị
(Sóng trẻ)-Có một lớp học đặc biệt như thế ở Làng Hữu Nghị Việt Nam – lớp học cho trẻ khuyết tật của “mẹ Hà”. Học sinh trong lớp độ tuổi từ 6 đến 22 tuổi nhưng hầu hết đều có nhận thức như một đứa trẻ mẫu giáo, bởi tất cả đều là con của những cựu chiến binh và bị phơi nhiễm chất độc màu da cam.
Lớp học này có 12 học sinh, đa số các bạn bị chậm phát triển trí tuệ, một số đa tật, câm điếc.
Có những em lúc nào cũng ngại ngùng…
…có những em lại luôn luôn quậy phá.
Vừa mới đây còn vui vẻ luôn tay luôn chân…
…hai giây sau mặt đã “buồn thỉu buồn thiu”.
Cô Bùi Thị Thu Hà – giáo viên chủ nhiệm của lớp, người luôn được các học sinh yêu mến gọi là “mẹ Hà” – nói về học sinh: “Mỗi một đứa trẻ đều là giáo án cho một giáo viên, bởi vì các em mỗi người đều đặc biệt theo cách riêng của mình.”
Chung là học sinh lớn tuổi nhất lớp – 23 tuổi nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ. Tuy mang nhận thức của một đứa trẻ nhưng chị cũng phần nào hiểu được mình lớn hơn các học sinh khác trong lớp rất nhiều, vậy nên có những lúc không khỏi tủi thân, lủi thủi một mình.
Thế nhưng, thực tế là chị rất quý các bạn khác, chụp ảnh cũng muốn chụp chung…
…hay là rất thích ôm ấp tình cảm như thế này.
Không chỉ riêng mình chị mà các học sinh trong lớp đều thích những cử chỉ thân mật, tình cảm như nắm tay…
…hay đập tay, kể cả với người lạ. Chị Hà cũng chia sẻ: “Các bạn đặc biệt yêu thích những câu ngọt ngào, tình cảm như “Con yêu”, “Con nan”. Tuy bề nài hiếu động nhưng các bạn rất tình cảm, rất muốn giao tiếp bằng hành động, ánh mắt.”
Hiếu đã ở trong làng được 2 năm, em bị chậm phát triển trí tuệ thế nhưng em vẫn luôn yêu đời và trở thành người vui vẻ nhất lớp. Hiếu luôn bày trò đùa với mọi người, như là giả vờ “xì mũi”.
Đồng thời, em cũng là người “điệu” nhất lớp…
…và vẽ đẹp nhất lớp. Các em có thể không may mắn có được trí tuệ bình thường, nhưng điều ấy không ngăn các em nhìn cuộc sống đầy màu sắc như những đứa trẻ khác.
Không phải luôn rộn ràng và vui vẻ như Hiếu, Hương là người im lặng nhất lớp, em bị câm do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Hương đã ở trong làng được 3 năm. Em cũng là người khá khép kín, còn ngại khi gặp người lạ.
Nhưng sự “hướng nội” ấy lại cho em khả năng tập trung rất tốt. Khi em chơi xếp hình hay khi tập viết, em đều chăm chú hoàn thành, không bị sao nhãng nhiều bởi những thứ xung quanh, cho dù đôi khi chữ viết cũng…không có nghĩa.
Đa số các học sinh trong lớp đều như vậy. Muốn các em thực sự viết đúng, làm đúng thì luôn phải kèm cặp 1 cô – 1 trò, bởi nhận thức của các em không khác gì trẻ mẫu giáo, nếu không có người hướng dẫn thì rất khó để các em hiểu bài.
Trong lớp học này, những giây phút im lặng là vô cùng hiếm hoi. Như những đứa trẻ 3, 4 tuổi, các bạn luôn tạo tiếng động để được quan tâm, được để ý. Và khi đã chú ý, chúng ta sẽ đều thấy các bạn thật đáng yêu, thật vui vẻ, có chút nghịch ngợm nhưng lại rất nghe lời. Giây phút rời đi, ai cũng nhao tới tạm biệt, cầm tay mới thấy rằng: “Người ta có thể khuyết tật về trí tuệ, nhưng cảm xúc thì lúc nào cũng toàn vẹn.”
Nguyễn Hà Trang
Báo mạng điện tử 34
Cùng chuyên mục
Bình luận