Sinh viên trong mùa dịch: Sống thế nào là một lựa chọn
(Sóng trẻ) - Với sinh viên, 7 tháng nghỉ dịch có thể là khoảng thời gian phát triển bản thân; cũng có thể là thời gian khủng hoảng với cảm xúc tiêu cực.
Tính từ đợt dịch thứ tư trên cả nước, đã hơn 7 tháng sinh viên không thể tới trường. Học tập và làm việc tại nhà đã mang tới không ít thách thức cho sinh viên; đồng thời, cũng mang lại nhiều cơ hội mới.
Với những sinh viên học xa nhà, đây là thời điểm vô cùng lý tưởng để có thể vừa học tập vừa ở bên gia đình.
Đại dịch COVID-19 giúp cho Phương Anh (sinh viên năm 2 trường Đại học Thương Mại) có cơ hội được ở bên gia đình nhiều hơn. Trước đây, chỉ khi đến Tết và nghỉ hè, Phương Anh mới được về nhà. Vì vậy, cô bạn rất trân trọng khoảng thời gian quý giá này, dành nhiều thời gian để nói chuyện, giúp đỡ bố mẹ và dạy các em học bài.
Khác hẳn với những lần trò chuyện vội vàng qua điện thoại; giờ đây, Phương Anh và gia đình trở nên gắn kết hơn. Không thể phủ nhận, đại dịch COVID-19 đã giúp cho sinh viên có cơ hội được về nhà, sống gần với người thân.
Làm mới bản thân
Hình thức học trực tuyến giúp sinh viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Không phải trả tiền trọ, tiền xăng xe, tiền ăn uống… Đồng thời, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Ngoài giờ học, Phương Anh đã dành thời gian để học những điều mới mẻ. Với cô bạn, đây là cơ hội lớn để tìm hiểu và phát triển bản thân. Bạn đã tập sống tích cực hơn, có ích hơn như: tập yoga, đọc sách, làm bánh, học ngôn ngữ mới hay làm thêm một công việc tại nhà.
Phương Anh chia sẻ: “Mình đã dành khoảng thời gian nghỉ dịch để làm mới bản thân. Khác hẳn với tâm lý mệt mỏi khi đi học offline, mình dần trở nên tích cực hơn. Mình đã nhận ra mình là ai, mình thích gì và xây dựng mục tiêu tương lai như thế nào".
Sau 7 tháng, nhiều sinh viên đã trở thành một phiên bản mới của chính mình. Biến khó khăn thành cơ hội, các bạn đã tạo dựng được một nền tảng tốt trước khi trở lại trường.
Chênh vênh
Đối lập với đó, nhiều sinh viên lại lựa chọn lối sống buông xuôi, bị động. Hình thức học trực tuyến đã gây ra không ít cản trở cho các bạn, đặc biệt là những sinh viên năm nhất.
Khó tiếp thu những kiến thức ở Đại học, chưa có phương pháp học tập hợp lý, bạn Trần Phương Huyền - sinh viên năm nhất trường Đại học Văn hóa cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi với chuyện học hành. Việc ở nhà quá lâu đã khiến bạn dần mất đi động lực, niềm tin.
Bước sang một môi trường mới, không có sự quản lý chặt chẽ và hướng dẫn tận tình của thầy cô và gia đình; không ít lần Huyền cảm thấy chênh vênh. Bạn không biết mình đang học gì, làm gì, không biết tương lai sẽ như thế nào.
Thời gian sinh hoạt không lành mạnh, Huyền thường thức khuya để lướt mạng xã hội và xem phim. Bạn chia sẻ: “Mình biết bản thân đang sống rất tiêu cực, nhưng mình không thoát ra được. Mình không có động lực để phấn đấu và không biết phải làm gì”.
Có thể thấy, dịch bệnh đã đảo lộn cuộc sống thường ngày của tất cả chúng ta. Đứng trước những gian nan và thử thách, những người trẻ - đặc biệt là sinh viên, cần biết xây dựng mục tiêu và lựa chọn cách sống sao cho ý nghĩa.