Sinh viên và nỗi lo thiếu kiến thức, ra trường muộn vì đại dịch Covid-19

(Sóng trẻ) - Diễn biến của đại dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp. Sinh viên đã phải học trực tuyến hơn nửa năm qua. Nỗi lo về việc thiếu kiến thức thực tế, ra trường muộn vì đại dịch của các bạn sinh viên đang lớn hơn bao giờ hết.

Trong suốt hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó ngành giáo dục nước ta cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Kế hoạch của năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung môn học phải thay đổi chỉ còn kiến thức cốt lõi. Từ đó nhiều sinh viên rơi vào tình trạng thiếu tiếp cận kiến thức thực tế, đứng trước nguy cơ ra trường muộn. Nỗi lo về vấn đề này của sinh viên ngày một tăng.

Môn học thực hành chuyển thành online

Tính đến nay đã được hơn 6 tháng các bạn sinh viên gắn bó với hình thức học trực tuyến. Đối với các sinh viên năm 3, năm 4 phải tiếp cận với rất nhiều các môn học chuyên ngành cần có sự thực hành trên thực tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch nên tất cả các môn học đều phải chuyển sang hình thức online. Đây là sự thiệt thòi rất lớn đối với các bạn sinh viên trong thời điểm này. 

Nguyễn Linh Chi (sinh viên năm 3 ngành Báo Truyền Hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và các bạn trong khoa sẽ được giới thiệu đến các địa phương để học tập môn Thực Tế Chính Trị Xã Hội. Tuy nhiên việc di chuyển và đi lại ở thời điểm này là hết sức khó khăn nên kế hoạch này không thể triển khai. 

“Là một sinh viên năm 3, mình và tất cả các bạn khác đều rất mong chờ để được đến các địa phương học tập thực tế. Nhưng vì dịch kéo dài mà môn học này đã phải hoãn suốt 1 học kỳ. Dự kiến đến cuối tháng 11 này chúng mình sẽ được đi theo kế hoạch, nhưng dịch lại bùng phát trở lại và môn học này cũng được chuyển thành học online luôn. Mình cảm thấy môn học thực tế mà chuyển sang hình thức online thì hiệu quả tiếp thu kiến thức không nhiều. Thay vì được nhìn trực tiếp, được thực hành thì bây giờ chỉ được nghe qua điện thoại, rất thiệt thòi và thiếu kiến thức thực tế khi ra trường.” - Linh Chi chia sẻ.

z2984837063994_3b6ae2ca9de16b12b67dbcca004a27b5.jpg
Những môn học thực hành bây giờ cũng phải chuyển học online

Hiện tại, tình trạng này đã là vấn đề không còn của riêng ai. Ngoài Linh Chi là sinh viên ngành Báo, bạn Trương Tuấn Anh (sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã) cũng gặp phải tình trạng tương tự.

“Những đợt dịch trước thật sự học online cũng đã gây khó khăn rất nhiều rồi nhưng mới là sinh viên 2 năm đầu nên vẫn có thể khắc phục. Thế nhưng đến bây giờ chương trình học của mình có rất nhiều môn học cần đến trường để thực hành, ví dụ như môn kỹ thuật đo lường điện tử cũng chuyển thành học online luôn. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì mình rất lo lắng về hiệu quả cũng như tiến độ học tập.” - Tuấn Anh cho biết.

Nỗi lo ra trường muộn của sinh viên năm cuối

Đối với các sinh viên năm cuối thì nỗi lo ra trường muộn hơn dự định luôn thường trực. Bạn Trần Tiến Anh (sinh viên năm cuối khoa Tuyên Truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

“Trong suốt 4 năm học chưa bao giờ mình có một kỳ nghỉ dài ở nhà như năm nay. Thay vì thoải mái vì được ở nhà thì mình lại cảm thấy lo lắng. Bởi nếu cứ nghỉ như thế này thì mình sẽ rất khó khăn trong việc mong muốn học cải thiện, phải đẩy lùi sang kỳ sau. Mình theo dõi tình hình dịch liên tục nhưng cứ kiểm soát được một chút thì lại bùng nên rất khó khăn cho việc đi học lại.

Thêm nữa là việc thi chứng chỉ, kỳ thi này thì không thể tổ chức online mà muốn đi lại trong tình hình dịch bệnh thì quá khó, vậy nên cực kỳ bất lợi đối với sinh viên bọn mình. Nếu không thể thi chứng chỉ đầu ra đúng lịch thì nguy cơ ra trường muộn là rất cao. Chậm tiến độ ra trường còn ảnh hưởng đến việc làm, chưa có bằng tốt nghiệp sẽ rất khó khi xin việc.”

Có gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian dài. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 11/11, số lượng lớn sinh viên không thể ra trường đúng hạn vì đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp nhân lực. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học.

Biện pháp khắc phục

Trong phiên trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, Bộ đang chuẩn bị về cơ sở pháp lý, nền tảng, nhân lực, mô hình thí điểm để tiến tới đại học ảo, đào tạo từ xa. Nền tảng học trực tuyến cũng sẽ được đầu tư để đồng bộ, đủ lớn, bền vững mang tầm quốc gia. Ngoài ra, cần xây dựng kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn, vì khi có nền tảng thì việc học trực tuyến sẽ đảm bảo ngay cả trong điều kiện dịch bệnh.

Trong chiến lược của Bộ Giáo dục thì chuyển đổi số là một trong những đột phá của ngành thời gian tới. "Chúng tôi cho rằng việc dạy trực tuyến lúc này là hình thức ứng phó tạm thời nhưng khi dịch đã ổn định, ngành cũng sẽ nghiên cứu để đưa vào thực hiện mang tầm chiến lược" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN