Số lượng người nhập cư ở các nước OECD lại lập kỷ lục
(Sóng trẻ) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận 6,5 triệu người nhập cư thường trú mới vào năm 2023, so với 6,1 triệu người vào năm 2022.
Trong năm thứ hai liên tiếp, dòng người di cư đang đạt “mức kỷ lục nhưng không nằm ngoài tầm kiểm soát”, OECD khẳng định trong một báo cáo được công bố vào hôm 14/11, trong đó ghi nhận 6,5 triệu người nhập cư thường trú mới vào các nước này trong năm 2023 (so với 6,1 triệu người vào năm 2022).
Khoảng một phần ba trong số 38 quốc gia OECD chứng kiến mức nhập cư kỷ lục vào năm 2023, đặc biệt là Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Các nước OECD chỉ ra rằng phần lớn sự gia tăng này là do di cư theo gia đình với tỷ lệ trên 16%, thêm nữa số lượng người nhập cư nhân đạo cũng đạt trên 20% và đang có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, di cư lao động vẫn ổn định tuy nhiên “sự gia nhập của người nhập cư vào thị trường lao động tiếp tục đạt mức chưa từng có”.
Theo đó, xu hướng tăng việc làm cho người nhập cư sau đại dịch vẫn tiếp tục trong năm 2023, khi OECD ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thấp và mức việc làm đạt cao kỷ lục, lần lượt là 7,3% và 71,8%. Mười quốc gia bao gồm Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, cũng như tất cả 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận “tỷ lệ việc làm của người nhập cư cao nhất trong lịch sử”.
Ông Stefano Scarpetta (Giám đốc về việc làm, lao động và các vấn đề xã hội tại OECD) giải thích: “Nhu cầu lao động mạnh mẽ ở các nước sở tại là một trong những động lực chính dẫn đến di cư trong hai năm qua. Ở nhiều nước OECD đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trên diện rộng và những thay đổi về nhân khẩu học sắp xảy ra, số lượng lao động nhập cư ngày càng tăng đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế”.
Tỷ trọng người nhập cư là các doanh nhân đã tăng lên đáng kể ở các nước OECD trong 15 năm qua. Vào năm 2022, trung bình có 17% lao động tự do là người nhập cư, so với 11% vào năm 2006.
“Việc cải thiện khả năng nhập cư vì mục đích nghề nghiệp không chỉ giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động mà còn cần thiết đối với việc tăng cường kiểm soát dòng người di cư và quản lý di cư bất hợp pháp”, ông Stefano Scarpetta nhấn mạnh.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) là một tổ chức quốc tế liên chính phủ hiện bao gồm 38 quốc gia thành viên. OECD được thành lập vào năm 1961 nhằm thúc đẩy điều phối các chính sách và tự do kinh tế giữa các quốc gia phát triển. |
Nguồn: Le Parisien