Sổ tay hay máy ghi âm?
(Sóng Trẻ) - Đó là một cuộc tranh luận kéo dài trong giới phóng viên: Công cụ nào tốt hơn khi phỏng vấn? Viết lại điểm mấu chốt theo cách truyền thống hay sử dụng máy ghi âm? Mỗi phương pháp đều có những mặt tích cực cũng như hạn chế của riêng chúng.
Sổ tay
Từ bao lâu nay, cuốn sổ tay đi cùng cây bút là những vật dụng không thể thiếu trong một cuộc phỏng vấn. Sổ tay thuận tiện, dễ dàng để vừa trong túi quần hay túi xách. Không phô trương, một quyển sổ sẽ không khiến người được phỏng vấn trở nên căng thẳng.
Hơn nữa, không bao giờ phải lo lắng về việc cuốn sổ bị hết pin. Đối với một phóng viên bị áp lực về hạn nộp bài, sổ tay là cách nhanh nhất để ghi chép những gì nguồn tin cung cấp, giúp trích dẫn lại lời của họ khi viết bài sau này.
Sổ tay và cây bút - công cụ gần gũi nhất đối với người phóng viên (ảnh: internet)
Nhưng nếu bạn không phải một người có thể tốc ký, sẽ rất khó để ghi lại được đủ thông tin, nhất là khi người được phỏng vấn nói quá nhanh. Vì thế, bạn có thể đánh mất những trích dẫn quan trọng nếu chỉ dựa vào ghi chép bằng tay.
Nài ra, cũng khó có thể ghi lại chính xác câu nói của nguồn tin, từng từ một, chỉ với một cuốn sổ tay. Điều này có thể không quan trọng lắm nếu như bạn chỉ làm phỏng vấn nhanh với một-người-bất-kỳ-trên-phố. Nhưng đó sẽ là vấn đề nếu bạn đang dự một sự kiện mà trích dẫn chính xác là cần thiết – một diễn văn mang tính then chốt của Tổng thống chẳng hạn.
Máy ghi âm
Ghi âm cho phép bạn nắm được toàn bộ những gì nguồn tin cung cấp, từng từ một. Bạn không phải lo về việc bỏ sót hay chép sai những từ khóa. Sử dụng máy ghi âm giúp bạn không phải mất thời gian vào việc ghi chép, mà thay vì thế có thể quan sát người được phỏng vấn, như là biểu hiện, vẻ mặt, thái độ của họ…
Máy ghi âm giúp phóng viên giảm bớt thời gian ghi chép (ảnh: internet)
Dù thế, như bất kỳ một thiết bị điện tử nào khác, máy ghi âm có thể gặp trục trặc. Thực tế, mỗi phóng viên từng sử dụng máy ghi âm đều đã có trải nghiệm về việc máy hết pin giữa chừng một cuộc phỏng vấn quan trọng.
Hơn nữa, sử dụng máy ghi âm sẽ mất thời gian hơn so với sổ tay. Bởi cuộc phỏng vấn sau khi ghi âm cần được nghe lại, chép ra rồi mới có được những lời trích dẫn. Trong trường hợp tin bất ngờ, giật gân (breaking news) thì sẽ không ai đủ thời gian để làm việc đó.
Sau cùng, máy ghi âm sẽ khiến một số người cảm thấy không thoải mái. Một vài người thậm chí không muốn “bị” ghi âm cuộc nói chuyện của mình.
Người chiến thắng?
Không ai thắng tuyệt đối trong cuộc đấu này. Nhưng có những điểm rõ ràng sau đây:
- Sổ tay là tốt nhất khi thời hạn nộp bài gấp rút.
- Máy ghi âm hữu dụng trong trường hợp có thời gian sau phỏng vấn.
Rất nhiều phóng viên đã dựa vào sổ tay trong những trường hợp xảy ra tin bất ngờ, và dùng máy ghi âm cho các bài viết có hạn nộp muộn hơn, ví dụ như bài tiêu điểm. Nhưng nhìn chung, sổ tay vẫn được sử dụng nhiều hơn máy ghi âm.
Hãy ghi nhớ: Kể cả khi bạn đang ghi âm một phỏng vấn, vẫn đừng quên phải ghi chép lại. Vì sao? Vì cái lần bạn hoàn toàn phụ thuộc vào máy ghi âm sẽ chính là lần duy nhất chiếc máy gặp trục trặc.
Tony Rogers (About.com Guide)
Dịch: Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận