Tái định nghĩa vai trò làm cha trong xã hội hiện đại

(Sóng trẻ) - Trong bối cảnh bình đẳng giới đang “tiệm cận” nhiều gia đình, vai trò làm cha trong xã hội đang có nhiều thay đổi, đặt câu hỏi lớn về hình mẫu một gia đình lành mạnh.  

Theo báo cáo phân tích của Tổ chức Lao Động quốc tế vào năm 2019, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Những chuyển biến tích cực của xã hội ngày nay đã tái định nghĩa vai trò của người cha trong gia đình. 

Khuôn mẫu và ràng buộc

Kể từ khi internet và mạng xã hội trở nên phổ biến, truyền thông đã hiện diện trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến các giá trị quan của con người. Việc nó tái hiện không toàn diện hình ảnh người đàn ông đã vô hình trung tạo nên sự “phân cực” giữa vai trò của của người cha và người mẹ. 

Một ví dụ điển hình cho khuôn mẫu này là quảng cáo của hãng bao cao su Zazoo vào năm 2017 khi khắc họa hình ảnh người cha đầy chán chường và ngó lơ đứa con quấy khóc tại một siêu thị nơi tụ tập đông người. Sản phẩm truyền thông này đã làm nảy ra một cuộc tranh luận khi quảng cáo bao cao su bằng một ý tưởng gây tranh cãi. 

Quảng cáo bị cấm của nhãn hàng bao cao su Zazoo 

Theo Báo cáo Quốc gia về Gia đình năm 2022 của Kazakhstan, 54,1% số người được hỏi tin rằng vai trò trụ cột gia đình của người cha quan trọng hơn việc tham gia nuôi dạy con cái. Ngoài ra, đàn ông ở Kazakhstan cũng được cho rằng có nhiều khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính cho gia đình hơn là phụ nữ. Đây cũng chính là thực trạng tại nhiều gia đình tại Việt Nam khi tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của họ. 

Bà Tuyết Phương (78 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ về gia đình đa thế hệ của mình: “Từ chồng tôi sang đến con trai đều là những người đàn ông của xã hội, tôi hiếm thấy chồng và con trai vào bếp lắm, chủ yếu công việc nhà là của phụ nữ. Tôi nghĩ đó cũng là suy nghĩ khó thay đổi của nhiều gia đình, người đàn ông ra ngoài bươn chải còn người phụ nữ vun vén việc nhà”. 

Cũng sống trong gia đình “kiểu mẫu” như bà Tuyết Phương, Mai Hồng (17 tuổi, Bắc Ninh) bày tỏ về quá trình trưởng thành của mình: “Gia đình mình là gia đình truyền thống kiểu xưa, mẹ mình ở nhà nội trợ, chủ yếu thu nhập của gia đình đều từ bố mình. Bố mình gần như không có thời gian ở nhà, từ lớn đến bé mình cũng không gần gũi với bố vì giờ sinh hoạt của hai bố con cũng lệch nhau”. Hồng cũng thừa nhận mình chủ yếu tâm sự, tìm kiếm sự giúp đỡ từ mẹ mỗi khi có những vấn đề khó tháo gỡ trong cuộc sống bởi hai mẹ con có nhiều thời gian gần gũi với nhau hơn. 

Một thực tế mới

Xã hội hiện đại dần hướng sự quan tâm đến các khía cạnh tinh thần của con người. Đây chính là một cú hích tạo nên cơ hội thay đổi những quy chuẩn rập khuôn về giới. 

Trên truyền hình thế giới cũng như ở Việt Nam, không quá hiếm gặp hình ảnh người cha gắn liền với các công việc chăm sóc trong gia đình. Trong bộ phim “Về nhà đi con”, nhân vật người cha do NSND Trung Anh thủ vai là hình mẫu người cha đi ngược lại các khuôn mẫu truyền thống: biết quan tâm con cái, đảm đương các công việc vốn dĩ được gắn mác dành cho phụ nữ và không mang “tính nam độc hại”.

Một cảnh phim của nhân vật Sơn - người cha trong “Về nhà đi con” (Ảnh: VTV) 
Một cảnh phim của nhân vật Sơn - người cha trong “Về nhà đi con” (Ảnh: VTV) 

Không chỉ hiện diện trên phim ảnh, hình ảnh người cha mang “tính nam lành mạnh” và phá vỡ các khuôn mẫu làm cha ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện đại chúng. “Mission: Care” - chiến dịch  truyền thông của thương hiệu Dove Men+Care hợp tác với Operation Homefront (một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ) vào năm 2013 đã phần nào xóa bỏ định kiến cho rằng đàn ông không thể chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Cụ thể, chiến dịch này đã đưa 300 lao động nam xa nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời lên tiếng về quyền được hưởng những phúc lợi nghỉ thai sản của các ông bố. 

Quảng cáo với thông điệp nhân văn của thương hiệu Dove Men+Care (Nguồn: dovemencareus)

Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý dự án của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững MSD chia sẻ rằng quan niệm “Đàn ông là trụ cột trong gia đình” trong xã hội hiện đại không nên được hiểu là “trụ cột kinh tế” mà nên được tái định nghĩa là “trụ cột tinh thần”: “Người đàn ông trong xã hội hiện đại nên là chỗ dựa tinh thần cho con cái, là người định hướng, hỗ trợ đồng hành với người phụ nữ để họ có thể hoàn thành thiên chức của mình”. 

Liệu có tồn tại một “xu hướng ngược”? 

Mỗi buổi sáng, anh Lê Minh (38 tuổi, kinh doanh tự do, Hà Nội) sẽ dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình 4 người và đảm đương tất cả các công việc nhà hỗ trợ vợ. Anh Minh đã gắn bó với thói quen này hơn 2 năm từ sau đợt dịch COVID-19 khi công việc kinh doanh của anh gặp trục trặc. Nhớ lại giai đoạn đó, anh trải lòng: “Chuyện kinh doanh của tôi không được thuận lợi, thế nên chủ yếu nguồn thu nhập của gia đình đến từ vợ tôi. Thời gian đầu cũng đấu tranh tư tưởng có nên ở nhà nội trợ thay cho vợ hay không vì sẽ có nhiều “lời ra tiếng vào” nhưng mỗi nhà mỗi cảnh, sau cùng tôi quyết định lui về chăm sóc con cái, đảm đương công việc nhà... để vợ tôi tập trung cho sự nghiệp”. 

Thực tế trên đặt câu hỏi lớn về “hình mẫu” một gia đình lành mạnh trong xã hội hiện đại. Liệu có tồn tại một “xu hướng ngược” trong xã hội ngày nay khi người phụ nữ bươn chải ngoài xã hội và người đàn ông ở nhà chăm lo gia đình? 

Bàn luận về sự chuyển mình này, TS. Trần Quốc Anh -  Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: “Gia đình cũng giống như nhiều thiết chế xã hội khác, luôn luôn vận động. Xu hướng này thể hiện rằng gia đình hiện đại đã thích ứng với hoàn cảnh, và sự bình đẳng đã được cải thiện. Đó trên hết là một hiện tượng bình thường, tùy thuộc vào đặc điểm mỗi gia đình”. 

TS. Trần Quốc Anh khẳng định gia đình hiện đại đã thích ứng được với bối cảnh ngày nay (Ảnh: NVCC) 
TS. Trần Quốc Anh khẳng định gia đình hiện đại đã thích ứng được với bối cảnh ngày nay (Ảnh: NVCC) 

Trong xã hội hiện đại, khi những khuôn mẫu dần dần được phá vỡ, việc nuôi dưỡng con trẻ không chỉ là trách nhiệm của người mẹ, mà người cha cũng đóng một vai trò quan trọng trong hành trình trưởng thành của chúng. 

Thường xuyên chia sẻ những quan điểm sống tích cực về hạnh phúc gia đình hiện đại, nhà thơ Nhược Lạc - tác giả cuốn sách “Cơm nhà nói chung là êm”, khẳng định vai trò xã hội của mỗi người không phụ thuộc vào bản chất sinh học: “Nuôi con không phải là thế mạnh của riêng người phụ nữ hay người đàn ông. Trẻ nhỏ không chỉ cần sự dịu dàng, nữ tính. Bọn trẻ cần cả sự nam tính, nghiêm khắc, rèn giũa đi vào nề nếp, quy định. Do đó, để một đứa trẻ phát triển toàn diện và lành mạnh, thật ra cần cả tính nam và tính nữ trong câu chuyện này”. 

Nhà thơ Nhược Lạc và những quan điểm tích cực về gia đình (Ảnh: NVCC) 
Nhà thơ Nhược Lạc và những quan điểm tích cực về gia đình (Ảnh: NVCC) 

Nhìn chung, khi những vai trò của nam và nữ trong gia đình được nhìn nhận toàn diện hơn, gia đình trong xã hội hiện đại sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng con trẻ một cách bình đẳng và lành mạnh. Từ đó, vai trò của người cha trong xã hội hiện đại sẽ được tái định nghĩa, phụ nữ cũng sẽ được giải phóng khỏi các vai trò truyền thống, để có những “đất diễn” hơn trong cuộc sống. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN