Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
(Sóng Trẻ) - Đất nước ta, dân tộc ta thật là hạnh phúc khi có một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một nhân cách lớn là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã để lại cho muôn đời tấm gương đạo đức. Soi vào đấy, chúng ta thấy tâm hồn trong sáng hơn, hành vi của ta tốt đẹp hơn, nhân cách con người được nâng cao hơn... Đó là tấm gương của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất đỗi bình dị, đời thường và ai cũng có thể học theo, làm theo để hoàn thiện mình…
Ngay từ thời trai trẻ, Hồ Chí Minh đã chọn cho mình con
đường suốt đời phấn đấu cho cách mạng, tất cả vì giải phóng dân tộc, giải phóng
giai cấp, giải phóng con người. “Trung với nước, hiếu với dân” là mục tiêu
Người kiên định theo đuổi, không quản gian khổ, hy sinh; bất chấp thách thức,
nguy hiểm; sáng suốt và dũng cảm quyết tâm đi tới đích. Những năm trước Cách
mạng, trước cơ hội Tổng khởi nghĩa, tuy đang bị sốt nặng, nằm lả đi trên lán Nà
Lừa, Người vẫn căn dặn đồng chí của mình: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường
Sơn, cũng phải dành cho được độc lập!”.
Tấm gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tấm gương của ý chí và nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh, chính là bài học hàng đầu của người cộng sản, của một con người biết người yêu nước, thương nòi. Người tự răn mình: “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần phải càng cao”. Người dạy thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Chúng ta học ở đạo đức Hồ Chí Minh sự tin tưởng tuyệt đối
vào sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, vào sự tự tôn trọng dân, hết lòng vì dân.
Dựa vào dân, lấy dân làm gốc là phương châm công tác dân vận của Người. Bởi
Người hiểu rõ: Chèo thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân. Người tình nguyện
là “người lính vâng mệnh quốc dân trước mặt trận”.
Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc trong việc xây dựng con
người, xây dựng cuộc sống mới. Người luôn nhắc nhở: “Vì lợi ích trăm năm thì
phải trồng người”. Hai tiếng “trồng người” đã làm sáng tỏ tấm lòng nhân hậu,
bác ái, vị tha và tình yêu thương bao la của Người đối với mọi tầng lớp nhân
dân. Người nói: “Mỗi con người ta đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta
phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và
phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Hồ Chí Minh biết
cách dùng người và cảm hóa con người rất đặc biệt. Người căn dặn chúng ta: “Năm
ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp lại trên nơi bàn
tay… Vậy nên phải khoan hồng độ lượng. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu
Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”.
Ngay khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi mọi người xây dựng đời sống mới. Đó là Cần – Kiệm – Liêm – Chính, Chí công vô tư, nếp sống giản dị, trong sáng, trung thực, khiêm tốn. Phải nâng cao đạo đức cách mạng thường xuyên như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Người dẫn chứng cụ thể:
“Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu đông
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người”
Người nhấn mạnh: “Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của
tập thể, của người dân là hành động trộm cắp mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ
bỏ”
Người coi trọng công tác xây dựng Đảng là rất quan trọng. Bởi
vì: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải
xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hồ Chí Minh đề ra tư cách người cách mạng cho cán bộ, đảng
viên và tự mình nghiêm túc gương mẫu thực hiện. Ở Người nói và làm, lý luận và
thực hành luôn đi đôi với nhau.
Những đức tính cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại rất gần
gũi bình dị, cụ thể, không xa hoa. Mọi người chúng ta ai cũng có thể học được,
làm theo được.
Trên hành trình phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu,
cuộc vận động rộng lớn trong toàn Đảng, toàn xã hội “Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh” sẽ góp phần làm cho con người Việt Nam thêm lành
mạnh để xứng đáng với vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế. Nhất là đối
với sinh viên Việt Nam cần có nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và
những giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ; tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ; đẩy
lùi sự suy thoái về chính trị đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần
thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Trần Thị Ngọc Chi
Lớp Lịch sử Đảng K. 27