Thú chơi bài Yu-Gi-Oh! của giới trẻ Việt Nam
(Sóng trẻ) – Chính thức du nhập vào Việt Nam song song với bộ truyện tranh Nhật Bản cùng tên, cardgame Yu-Gi-Oh! – hay còn gọi là Duel Monster sau gần 20 năm phát triển đã và đang ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm đặc biệt là của các bạn trẻ.
Cardgame Yu-Gi-Oh! là gì?
Đây là một trò chơi bắt nguồn từ bộ truyện tranh Yu-Gi-Oh! do tác giả người Nhật Bản Kazuki Takahashi sáng tác. Trong bộ truyện tranh này xuất hiện rất nhiều trò chơi Boardgame khác nhau, tuy nhiên thứ gây được ấn tượng mạnh nhất chính là những thẻ bài Duel Monster. Thời gian đầu, tác giả chỉ chú tâm sáng tạo nhiều trò chơi khác nhau. Cho đến khi Duel Monster ra đời và nhận được phản ứng tốt từ người đọc, ông mới vẽ nội dung bộ truyện phát triển theo hướng tập trung vào trò chơi thẻ bài này.
Mặc dù mới chỉ là những ý tưởng sơ khai về trò chơi, luật và cách chơi vẫn chưa hoàn thiện thế nhưng một số công ty của Nhật đã sớm nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm ăn theo bộ truyện này. Phát triển đời đầu qua công ty Bandai, sau đó là Konami cho đến tận bây giờ, trò chơi thẻ bài Yu-Gi-Oh! đã trở nên phổ biến đặc biệt là thị trường nội địa với tên gọi Official Card Game và thị trường Âu – Mĩ với tên gọi Trading Card Game.
Những sản phẩm của Cardgame Yu-Gi-Oh!
Tại Việt Nam, Cardgame Yu-Gi-Oh! được biết đến vào thời điểm bộ truyện tranh cùng tên được NXB Kim Đồng xuất bản vào khoảng những năm 2000. Song, với sự phát triển của Internet, số người tiếp xúc với loại bài này cũng nhiều hơn và dần dần trở thành những người có cùng đam mê, sở thích. Họ tụ họp lại với nhau, trao đổi trên các diễn đàn, thỉnh thoảng tổ chức một buổi offline gặp mắt rồi cứ như vậy dần lập thành các hội nhóm và phát triển cho tới bây giờ.
Chơi chuyên nghiệp nhưng vẫn không chuyên
Cộng đồng chơi bài Yu-Gi-Oh! đa phần là giới trẻ vì nó được xuất phát từ truyện tranh và phim hoạt hình. Internet phát triển cũng giúp cho họ dễ dàng tiếp xúc với nhau hơn. Mặc dù vậy, để gọi cộng đồng này là một thể thống nhất thì chưa tới. Bởi lẽ các hội, nhóm này thường chỉ hoạt động mạnh ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
Thời gian đầu, đa phần những bài thủ Yu-Gi-Oh! đều phải chơi bài “nhái” do Trung Quốc sản xuất và được bán tại các sạp đồ chơi gần trường học. Số người thực sự dùng bài chính hãng chỉ đếm trên đầu ngón tay do việc mua bán là rất khó. Thời điểm đó hoạt động mua bán trên mạng không phát triển, người Việt Nam đi du lịch hay du học nước nài cũng không nhiều như bây giờ. Vì vậy nếu có mua cũng chỉ mua theo kiểu m đợt, mang tính lẻ tẻ, tự phát.
Anh Phạm Nhật Thu – một người chơi Cardgame Yu-Gi-Oh! lâu năm tại Hà Nội chia sẻ: “Mình nghĩ cột mốc để cộng đồng Yu-Gi-Oh! ở Việt Nam tiến lên chơi chuyên nghiệp hơn là khoảng năm 2011. Hồi đó bọn mình có người đứng ra để tổ chức những giải đấu quy mô toàn quốc. Mặc dù ngày trước có biết nhau qua Internet thế nhưng để giao lưu giữa tỉnh này với tỉnh kia thì còn hạn chế. Cho tới năm 2011, những đại diện của Hà Nội và TP.HCM thi đấu với nhau. Quy mô giải vẫn được duy trì cho tới bây giờ. Cùng lúc đó việc nhập bài chính hãng cũng đơn giản hơn. Chính việc sử dụng bài chính hãng này đã đánh dấu cột mốc cho sự phát triển của cộng đồng và chuyên nghiệp hóa trò chơi Yu-Gi-Oh!”.
Cộng đồng bài thủ Yu-Gi-Oh! tại Việt Nam rất đông đảo
Có thể khẳng định một điều rằng ở Việt Nam có rất nhiều người biết đến Cardgame Yu-Gi-Oh!. Mặc dù có thể không nắm được cách chơi nhưng khi nói đến bài “Magic” hay bài “Yu-gi” thì hầu như ai cũng có thể mường tượng ra đây là cái gì. Thế nhưng trên thực tế, cộng đồng Yu-Gi-Oh! lại phát triển tương đối tự phát và chưa được Konami công nhận là một cộng đồng chính thức.
Cộng đồng chính thức là khi họ được phát ID riêng của mỗi người khi tham gia thi đấu và được xếp hạng khi trận đấu kết thúc. Ví dụ như: Việt Nam năm nay xếp hạng ra sao? Có những người nào đại diện thi đấu thế giới?,… sau đó gửi lên cho Konami xét duyệt. Tính đến thời điểm này xung quanh khu vực Đông Nam Á đã có nhiều nước được Konami công nhận như Singapore, Thái Lan hay Phillipines, còn Việt Nam thì chưa.
Nguyên nhân là do việc sử dụng bài chính hãng còn chưa được phổ biến theo như kì vọng từ phía nhà sản xuất. Do Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc nên thị trường hàng giả, hàng nhái thâm nhập vào là rất nhiều. Bên cạnh đó không phải ai cũng có điều kiện để mua, và mua nhiều. Chính vì sử dụng nhiều bài “nhái” như vậy cho nên phía Konami thấy đây vẫn chưa phải là thị trường tiềm năng. Do đó, cộng đồng Yu-Gi-Oh! tại Việt Nam vẫn đang phát triển chủ yếu dựa vào những người có đam mê, mặc dù trình độ thì không hề kém cạnh.
Chơi có tốn kém hay không?
Định kì trung bình từ 1-2 tháng nhà sản xuất sẽ cho ra đời những quân bài mới và phát hành theo dạng hộp, bóc ngẫu nhiên. Có những thẻ bài bóc ra rất dễ nhưng cũng có những quân rất khó. Thông thường những quân bài hiếm là những quân rất mạnh. Khi người chơi (chủ yếu là nước nài) tham gia những giải đấu lớn, quy mô lên tới hàng trăm nghìn người thì họ rất cần những quân bài khó kiếm đó. Đó chính là lí do thị trường trao đổi – “trading” giữa những người chơi bài với nhau hình thành.
Số lượng thẻ bài hiện nay đã lên tới hơn 10.000 lá
Khi cung ít, cầu cao, giá những quân bài chắc chắn sẽ tăng. Có những quân bài có thể lên đến vài chục đô-la. Có người nói đây là thú chơi bạc triệu với những quân bài mỏng dính nhưng giá lên tới hàng trăm đô la. “Tuy nhiên đó cũng chỉ là một phần” – anh Thu chia sẻ - “Có một số quân bài thứ nhất là có giá trị sưu tầm, tức là chỉ sản xuất theo số lượng có hạn thì giá của nó còn cao hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở vài trăm đô. Ví dụ như những quân phần thưởng của giải thế giới, chỉ những người tham gia và đạt được một thành tích nào đó mới có được có thể đem đi đấu giá vài nghìn đô. Thứ hai là những quân bài mang tính thị trường, chiếng thuật, được dùng nhiều để chiến thắng trong các giải đấu thì cũng có giá cao hơn bình thường”.
Ở Việt Nam, nói “thú chơi bạc triệu” là tương đối phóng đại đối với trò chơi này cũng vì lí do cộng đồng Yu-Gi-Oh! nước ta vẫn chưa được công nhận là chuyên nghiệp. Những mức giá vài chục, vài trăm thậm chí vài nghìn đô-la mới chỉ xuất hiện trên các trang web mua bán trao đổi nước nài. Để cộng đồng những người yêu thích Yu-Gi-Oh! tại Việt Nam thực sự được công nhận chuyên nghiệp chắc có lẽ cần một khoảng thời gian dài phát triển nữa.
Hiện tại, luật chơi bài Yu-Gi-Oh! tương đối dài. Để chơi thì dễ, để nắm được thì rất khó. Một quyển luật cơ bản có độ dài khoảng chục trang, chưa kể mỗi quân bài lại có năng lực riêng. Mỗi người khi bắt đầu trò chơi sẽ có 4000 điểm gốc. Điều kiện chiến thắng là đưa điểm gốc đối thủ về 0 hoặc đạt được một điều kiện đặc biệt nào đó. Luật chơi phức tạp cũng là lí do trò chơi này thu hút được nhiều sự chú ý bởi nó mang tính chiến thuật cao. Mỗi người chơi sẽ tự sắp xếp, xây dựng bộ bài để tạo nên một lối đánh cho riêng mình. Chính vì số lượng quân bài rất đa dạng (khoảng hơn 10.000 lá) cho nên việc kết hợp trở nên rất thú vị.
|
THẾ ANH
Cùng chuyên mục
Bình luận