Thực hư dòng chữ trên phần mềm chụp ảnh hoạt hình của Trung Quốc
(Sóng Trẻ) - Những ngày gần đây, facebook đang rộ lên phong trào chụp ảnh hoạt hình. Đây là một phần mềm của Trung Quốc cho phép người dùng ghép ảnh khuôn mặt mình hoặc bất kỳ ai vào những hình ảnh hoạt hình vui nhộn. Tuy nhiên, với dòng chữ Trung Quốc bên dưới mỗi bức ảnh đã khiến không ít người dùng hoang mang về nội dung thông tin của nó.
Phần mềm này có tên gọi là Moman Camera. Ngay khi mới xuất hiện, nó đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất cho hệ điều hành Android và iOS. Dạo qua một vòng facebook, có thể thấy, phần mềm chụp ảnh hoạt hình này đang trở thành trào lưu mới trên mạng xã hội.
Phần mềm chụp hình trên hệ điều hành Android và iOS
Văn Mai Hương thích thú dùng thử ứng dụng
Tuy nhiên, đáng chú ý là bên dưới những bức ảnh vui nhộn đó là dòng chữ bằng tiếng Trung. Không rõ từ nguồn thông tin nào mà nhiều bạn cảnh báo rằng nên cẩn trọng với nội dung của nó.
Một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều bạn dù chưa rõ nghĩa chính xác, nhưng khi có bức ảnh nào được đăng tải cũng đều quy chụp và cho rằng những dòng chữ đó liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. Vô hình chung, chính những người đó lại trở thành những người “truyền tải khẩu hiệu” này khi dòng chữ đó chỉ là dòng quảng cáo cho ứng dụng!
Để kiểm chứng tính chính xác của dòng chữ Trung Quốc dưới mỗi bức ảnh hoạt hình là điều không quá khó. Chị Bùi Hương Linh – Thạc sĩ quản trị kinh doanh hiện đang sinh sống tại Thượng Hải cho biết: “ Dòng chữ này là dòng quảng cáo cho ứng dụng, giới thiệu ứng dụng luôn mang lại bất ngờ thú vị chứ không hề có chữ nào là Hoàng Sa, Trường Sa hay thậm chí chữ dễ nhận nhất là Trung Quốc cũng không hề có. Nên mọi người đừng quá hoang mang”
Hoặc, với những bạn vẫn không tin tưởng lắm vào lời giải thích của những người biết tiếng Trung, thì có thể nhờ đến ogle Translate, một ứng dụng dịch phổ thông được nhiều người sử dụng.
“ Dòng chữ lạ” được ogle dịch sang Tiếng Việt
Như vậy, những người từng sinh sống tại Trung Quốc và biết rõ tiếng Trung thì không thể nhầm lẫn nội dung của một dòng chữ đơn giản, và ogle Translate cũng không thể dịch sai hoàn toàn một câu văn ngắn. Do đó, nhận định đây là dòng chữ xuyên tạc nhằm truyền bá tư tưởng sai lệch về chủ quyền biển đảo Việt Nam là không chính xác.
Tuy vậy, việc cẩn trọng và có chút đa nghi của người dùng Việt với những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Khi mà không ít lần, người Việt mắc phải những sai lầm đáng tiếc từ những sản phẩm “Made in China” . Như dịp tết âm lịch hồi đầu năm, không ít người đã phải giật mình khi thấy dòng chữ “Tam Sa” gắn đầy chi chít trên những chiếc lồng đèn ngay giữa trung tâm vùng đất cảng. Hoặc hàng loạt vụ việc như thu mua lá điều, rễ cây tiêu, móng trâu bò, ốc biêu vàng và thậm chí có cả... đỉa khiến không ít người Việt mình đã phải rơi vào cảnh tay trắng vì những lợi nhuận trước mắt ấy.
Nói đi cũng phải nói lại, dẫu sao người dùng facebook vẫn nên sáng suốt, bình tĩnh suy xét sự việc trước khi bình luận hay chia sẻ bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội – con dao hai lưỡi của thế giới ảo.
Trần Xuân Quỳnh
Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận