Cạm bẫy chết người từ "viên thuốc online": Nỗi đau và lời cảnh báo (Kỳ 2)
(Sóng trẻ) - Ẩn sau những lời quảng cáo chắc nịch là những hiểm họa khôn lường, đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng của người sử dụng. Không chỉ gây ra những biến chứng nguy hiểm về thể chất, việc dùng thuốc phá thai online bừa bãi có thể đẩy nhiều phụ nữ vào bi kịch và nỗi đau dai dẳng.
Sinh mạng treo trên “sợi chỉ ảo”
Trong vai một người cùng cảnh ngộ đang tìm thuốc phá thai, chúng tôi làm quen một nữ sinh viên từng là nạn nhân của những lời quảng cáo “thuốc phá thai an toàn” tràn lan trên mạng.
Chia sẻ với chúng tôi, M.N cho biết, vì sợ bố mẹ khó tính, cô không dám tâm sự về việc mang thai ngoài ý muốn. Việc đã đành mà không còn sự lựa chọn, cô tìm tới các phương án khác song chi phí quá cao, khiến cô gái trẻ “liều mình” với con đường tiết kiệm hơn.

Sau khoảng thời gian mày mò, cô tìm đến các hội nhóm trên mạng xã hội để mua thuốc phá thai. Người bán không đưa ra bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay chứng chỉ nghề y, nhưng những lời hứa “nhẹ nhàng, an toàn, kín đáo” khiến M.N. tin tưởng và chấp nhận rủi ro.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi sử dụng thuốc, M.N rơi vào tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu liên tục (băng huyết), cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt. Sợ hãi, cô nhập viện trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, với phần thai vẫn còn sót lại trong tử cung. Các bác sĩ phải thực hiện thủ thuật hút thai để cứu mạng cô.
“Lúc đó, tôi rất sợ và đau đớn. Bác sĩ mắng tôi vì tự ý uống thuốc mà không thăm khám. Nhưng tôi không biết làm gì khác. Khi tôi liên lạc lại với người bán để hỏi thì họ gắt gỏng, rồi chặn số tôi, biến mất không dấu vết,” M.N nói trong nghẹn ngào.

Trước khi uống thuốc, M.N từng vẽ ra một tương lai tươi sáng. Nhưng giờ đây, tất cả chỉ còn là màu xám xịt. Giấc mơ đại học, tình yêu và niềm tin vào cuộc sống đều tan vỡ.
Biến chứng không chỉ để lại những tổn thương về thể chất, mà còn khiến cuộc sống của M.N rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Khi bố mẹ phát hiện sự việc, họ sốc và đau lòng, nhưng không mắng trách cô. Tuy nhiên, sự việc dẫn đến những mâu thuẫn gia đình trầm trọng, khiến M.N thường xuyên lủi thủi trong căn phòng trọ nhỏ, ôm mặt nức nở khóc trong cô đơn và sợ hãi.

“Tôi không dám về nhà, không dám đi học vì sợ bị mọi người chê cười,” M.N chia sẻ.
Bi kịch của M.N là hồi chuông cảnh báo cho nhiều người khác. Những quyết định vội vã, thiếu hiểu biết trong phút chốc có thể để lại hậu quả nặng nề suốt đời.
Trường hợp tiếp theo, trong vai một người trẻ đang hoang mang vì lỡ mang thai ngoài ý muốn, nhóm phóng viên chúng tôi đăng bài trên nền tảng mạng xã hội Threads để khảo sát nhanh tâm lý chung của cộng đồng mạng và tiếp cận tới các nạn nhân khác.

Bài đăng nhanh chóng nhận được hàng loạt bình luận. Trong đó, một câu chuyện đã thu hút sự chú ý chúng tôi. Chúng tôi tìm tới chị N, một người phụ nữ đến từ Thái Nguyên.
Chị N kể: “Chị ấy là hàng xóm của tôi, khoảng 35 tuổi, đã phá thai nhiều lần trước đó. Lần nào chị ấy cũng chọn cách kín đáo, tự mua thuốc phá thai trên mạng mà không đến bệnh viện hay khám bác sĩ. Nhưng lần này may mắn đã không mỉm cười, do chủ quan, chị tự ý uống thuốc khi thai đã khá lớn”.
“Sau khi sử dụng thuốc, chị bắt đầu bị đau bụng dữ dội, rong kinh kéo dài không ngừng. Cả nhà thấy chị xanh xao, người lả đi nên đưa chị vào viện. Nhưng bác sĩ nói đã quá muộn. Chị mất vì băng huyết nặng và nhiễm trùng”, N chia sẻ với chúng tôi.
Chỉ đến khi nạn nhân mất, người thân mới bàng hoàng nhận ra sự tình. Còn người bán thuốc thì “biến mất”, từ chối hoàn toàn trách nhiệm dù thuở đầu, những người này luôn mực hứa hẹn sẽ hỗ trợ người dùng tới cùng. Đây cũng là lời cảnh tỉnh đắt giá đối với những người phụ nữ trẻ thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin.
Vì lo sợ và chủ quan: Liệu có đáng?
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới, với khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong số này, 30% là phụ nữ từ 15 đến 19 tuổi, và 70% là học sinh, sinh viên. Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cũng thống kê rằng cả nước ghi nhận từ 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai mỗi năm, trong đó 20% rơi vào độ tuổi vị thành niên. Đáng nói, số lượng ca phá thai tự ý dùng thuốc mà không qua thăm khám đang tăng mạnh, dẫn đến hàng nghìn ca biến chứng và tử vong.
Giải thích nguyên nhân tại sao nhiều người lựa chọn mua thuốc phá thai qua mạng xã hội thay vì đến các cơ sở y tế có giấy phép, bác sĩ Trần Văn Bảo - Phó Trưởng khoa Kế hoạch hoá gia đình, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, cho biết lý do chính là vì nhiều người sẽ cảm thấy lo ngại vì phải làm thủ tục hành chính, bệnh viện đông đúc, và có thể gặp phải sự phiền toái không đáng có.
“Tại bệnh viện, một số thủ tục cần phải yêu cầu thăm khám, xét nghiệm và ký giấy tờ đầy đủ. Đối với những người tìm kiếm thông tin trên mạng, đa số là những người chưa kết hôn, sinh viên hoặc có hoàn cảnh chưa ổn định nên họ rất ngại phải thực hiện thủ tục tại bệnh viện, đặc biệt là những thủ tục cần sự có mặt của người thân. Thứ hai là họ cũng sợ gặp phải người quen, bởi vấn đề này khá nhạy cảm, họ muốn giữ kín thông tin cá nhân. Chính vì vậy, sự lựa chọn mua thuốc online có thể dễ dàng hơn”, bác sĩ Trần Văn Bảo nói.

Theo bác sĩ, thực tế, tất cả bệnh nhân có nhu cầu phá thai trong trường hợp thai dưới 4 tuần đều có thể được chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải loại trừ các chống chỉ định.
Mỗi loại thuốc đều có những chống chỉ định riêng, chẳng hạn như bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch, suy thận, hoặc bệnh lý về máu như dễ chảy máu hay thiếu máu nặng. Nếu sử dụng thuốc mà không theo dõi đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám, khai thác bệnh sử, và làm các xét nghiệm cần thiết.
Bác sĩ Trần Văn Bảo nhấn mạnh: “Thuốc phá thai là thuốc kê đơn, và không phải loại thuốc nào cũng có thể dễ dàng mua được tại quầy thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc này phải tuân thủ một phác đồ điều trị cụ thể, với liều lượng và đường dùng chuẩn xác. Nếu không, nguy cơ gặp phải các biến chứng rất lớn”.
Theo bà Lê Thị Huyền - Giảng viên bộ môn Dược, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, việc tự ý phá thai có thể gây ra những biến chứng khó lường. Chuyên gia cho biết: “Theo quy định của Bộ Y tế, thuốc phá thai bao gồm hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm thuốc chứa Progesterone, có tác dụng ngừng tổng hợp hormone cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Sau khi dùng loại thuốc này, người ta sẽ tiếp tục sử dụng thuốc nhóm thứ hai là Misoprostol, có tác dụng co bóp tử cung để đẩy thai ra ngoài. Ngoài ra, thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau chỉ là các loại thuốc hỗ trợ, dùng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn và giảm cơn đau”.
Để giảm thiểu rủi ro và biến chứng, thai phụ cần làm các bước theo hướng dẫn của người có chuyên môn. Đầu tiên, việc sử dụng thuốc phá thai phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, có sự giám sát của bác sĩ tại cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra tiền sử bệnh, tiền sử mang thai, và xem xét tuổi thai để xác định có phù hợp để thực hiện phá thai bằng thuốc hay không. Bên cạnh đó, quyết định này cũng cần có cam kết tự nguyện của người mẹ. Sau khi phá thai, cần tái khám để theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện kịp thời những biến chứng có thể xảy ra.

Theo chuyên gia Lê Thị Huyền, việc sử dụng thuốc phá thai không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ngoài những biến chứng thường gặp như viêm nhiễm phụ khoa, rong kinh, băng huyết, người dùng còn có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng khác như thai nhi còn sống nhưng bị dị tật, hoặc sót thai, cần phải can thiệp ngoại khoa để loại bỏ hoàn toàn thai. Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể dẫn đến vô sinh.
Việc bán thuốc phá thai mà không có đơn từ bác sĩ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Đây là thuốc yêu cầu phải kê đơn, và nếu bán mà không có đơn, người bán sẽ bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép hành nghề nếu tái phạm nhiều lần.
Theo điểm đ khoản 3 Điều 59, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn thuốc được quy định xử phạt với mức phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Cũng theo điểm đ khoản 8 Điều 59 của nghị định này quy định hình thức xử phạt bổ sung với hành vi nói trên là: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i khoản 3 và điểm c khoản 5 điều này”.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt như sau:
– Mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng – 500 nghìn đồng đối với kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ:
– Mức xử phạt từ 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng đối với kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ giá trị từ 1 triệu đến dưới 3 triệu đồng
Thực trạng mua, bán thuốc phá thai trực tuyến như một vết thương “khó khép miệng” trong xã hội. Để có thể ngăn chặn những bi kịch không đáng có, người có nhu cầu cần tỉnh táo trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan trực tiếp tới sức khỏe bản thân, thay vì đặt cược vào “canh bạc” tương lai một cách mù mịt.