Bức ảnh hé lộ loài sinh vật tồn tại trước cả khủng long
(Sóng trẻ) - Bức ảnh được đánh giá là "đẹp một cách đáng sợ" của nhiếp ảnh gia Laurent Ballesta giành giải thưởng Nhiếp ảnh gia về Động vật hoang dã năm 2023.
Người được trao danh hiệu cao nhất của cuộc thi năm nay là nhiếp ảnh gia dưới nước kiêm nhà sinh học biển người Pháp - Laurent Ballesta, với ảnh chụp một con sam biển đang di chuyển chậm chạp trên bùn và 3 con cá vẩu bơi phía trên lưng của nó.
Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Kathy Moran đánh giá: “Thật đáng kinh ngạc khi nhìn thấy một con sam biển sống động trong môi trường tự nhiên với vẻ đẹp khiến người ta ám ảnh".
Sam biển là loài lâu đời hơn cả khủng long, vốn được mệnh danh là "hóa thạch sống" cổ xưa. Các hóa thạch của loài này có niên đại từ 475 triệu năm trước. Tuy nhiên, sam biển đang trên bờ vực tuyệt chủng do môi trường sống bị tàn phá và nạn đánh bắt bừa bãi. Ở nhiều nơi trên thế giới, sam biển tiếp tục bị khai thác để lấy thứ máu màu xanh lam nhằm phục vụ quá trình phát triển vaccine.
Đây là lần thứ 2 Laurent Ballesta giành giải Nhiếp ảnh gia về Động vật hoang dã của năm. Năm 2021, bức ảnh "Tạo hóa" ghi lại hình ảnh 3 con cá núp trong “đám mây” trứng và tinh trùng cũng giúp nhiếp ảnh gia người Pháp “ẵm trọn” giải thưởng lớn này.
Ngoài ra, các bức ảnh khác giành giải thưởng cũng nêu bật mối đe dọa đối với động vật hoang dã do hoạt động của con người. Điển hình như trường hợp con đường rừng ở Mexico bị phá hủy để dọn đường cho tuyến đường sắt du lịch mới, và góc nhìn trên cao về dòng sông Ciliwung ô nhiễm nặng nề đi qua thủ đô Jakarta (Indonesia).
Cũng có trường hợp ngoại lệ khi động vật hoang dã đang dần thích nghi với cuộc sống loài người, thể hiện trong bức ảnh hai con cú đêm đứng bên cửa sổ của một tòa nhà bỏ hoang ven đường. Carmel Bechler, nhiếp ảnh gia người Israel 17 tuổi được vinh danh là Nhiếp ảnh gia về Động vật Hoang dã Trẻ tuổi của năm nhờ bức ảnh này.
Chia sẻ với CNN, bà Kathy Moran cho biết, bà ấn tượng bởi chủ đề đa dạng của các tác phẩm, từ những hành vi độc đáo ở động vật đến sự xuất hiện của những loài hiếm khi được nhìn thấy. Bên cạnh đó, còn có những bức hình cho thấy cách loài người "đối xử" tích cực lẫn tiêu cực với thế giới tự nhiên.
Trong khi đó, Tiến sỹ Doug Gurr, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (London, Anh) cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với những cuộc "khủng hoảng khẩn cấp" về khí hậu và đa dạng sinh học. Vì vậy, những bức ảnh đặc sắc trong cuộc thi năm nay sẽ có tác động lớn đến nhận thức của nhiều người.
Cuộc thi Nhiếp ảnh gia Động vật Hoang dã lần thứ 59 được tổ chức bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London. Cuộc thi thu hút đến 49.957 tác phẩm tham gia, được thực hiện bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên ở mọi lứa tuổi, đến từ 95 quốc gia. Hoạt động nhằm kết nối hàng triệu người với những tác phẩm động vật hoang dã đẹp nhất thế giới và kêu gọi trách nhiệm với tự nhiên. |
Nguồn: CNN