Giải Nhất HSG Quốc gia môn Ngữ văn và hành trình “Tôi học văn cả đời”
(Sóng trẻ) - Từ giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn đến thủ khoa khối D14 toàn quốc năm 2021, Nguyễn Thị Thảo Chi đã biến tình yêu văn học thành một hành trình ý nghĩa, lan tỏa kiến thức và cảm hứng qua dự án “Tôi học văn cả đời”.
Hành trình lan tỏa niềm đam mê văn học
“Tôi học văn cả đời” là dự án do Thảo Chi (sinh viên ngành Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cùng hai người bạn đồng hành sáng lập, với mục tiêu chia sẻ kiến thức văn học và kinh nghiệm thi cử cho học sinh trên cả nước.
Nói về nguồn cảm hứng khởi đầu, Chi chia sẻ: “Ý tưởng này bắt nguồn từ những năm mình học cấp 3, khi còn trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Thời điểm đó, mình nhận thấy hiếm có kênh nào cung cấp kiến thức văn học chuyên sâu, gần gũi mà lại miễn phí cho các bạn yêu văn. Qua quá trình học tập và tham gia các kỳ thi, mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá, và mình muốn truyền tải điều đó đến các bạn học sinh khác”.
Với mong muốn ấy, Thảo Chi cùng các cộng sự đã xây dựng “Tôi học văn cả đời” không chỉ như một kênh thông tin mà còn là một diễn đàn kết nối những tâm hồn yêu văn trên khắp mọi miền đất nước.

Với Chi, phương pháp học hiệu quả nhất chính là sử dụng sơ đồ tư duy và học nhóm. “Ngày còn trong đội tuyển, mình và các bạn thường xuyên trao đổi bài vở, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ. Tinh thần đồng hành ấy chính là giá trị cốt lõi mà dự án muốn lan tỏa”, Chi tâm sự.
Dự án nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ học sinh khắp nơi, cung cấp tài liệu học tập, bài phân tích chuyên sâu và những bí kíp học văn hiệu quả. “Chúng mình muốn biến việc học văn thành một hành trình đầy cảm hứng, giúp các bạn không chỉ nắm vững kiến thức mà còn kết nối sâu sắc với môn học, phát triển tư duy ngôn ngữ”, Chi nhấn mạnh. Đối với Thảo Chi, “Tôi học văn cả đời” không chỉ là nơi chia sẻ mà còn là ngọn lửa giữ ấm đam mê văn học cho thế hệ trẻ.
Những nỗ lực đầu tiên đã gặt hái thành quả khi lớp bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia do dự án tổ chức ghi dấu ấn với một giải Nhì và hai giải Ba. “Thành công này thuộc về sự nỗ lực của các bạn học sinh. Chúng mình chỉ là người đồng hành, hỗ trợ trên chặng đường ấy”, Chi khiêm tốn nói.
Học văn không phải chỉ cần đọc nhiều và học thuộc
Với kinh nghiệm dày dặn từ các kỳ thi học sinh giỏi và thành tích giải Nhất HSG Quốc gia năm 2021, Thảo Chi hiểu rằng học văn không chỉ là đọc nhiều hay học thuộc lòng. “Văn học là sự chân thật trong suy nghĩ, trong cách diễn đạt và khả năng cảm thụ cái đẹp của tác phẩm”, cô chia sẻ.
Chi dành lời khuyên: “Đọc nhiều giúp tích lũy vốn hiểu biết, nhưng quan trọng hơn là biết sử dụng nó hiệu quả. Các bạn nên đọc không chỉ tác phẩm mà còn các bài phê bình, bình giảng, thậm chí là tài liệu lý luận văn học. Khi kỹ năng đọc thành thục, bạn sẽ biết cách tổng hợp, chọn lọc và kết nối kiến thức một cách chủ động, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sách vở”.

Bên cạnh việc đọc, Thảo Chi nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy phản biện: “Văn học không có khuôn mẫu cứng nhắc hay đáp án duy nhất. Điều cốt lõi là bạn đưa ra được góc nhìn riêng và lập luận thuyết phục. Khi đọc một tác phẩm, hãy tự hỏi: Vì sao tác giả viết như vậy? Nếu đặt trong bối cảnh khác, ý nghĩa có thay đổi không? Những câu hỏi ấy sẽ giúp bạn đào sâu và hình thành phong cách tư duy riêng”.
Ngoài ra, cô cũng khuyến khích học sinh rèn luyện kỹ năng viết: “Đừng ngại viết chưa hay. Viết nhiều, sửa nhiều sẽ giúp bạn tiến bộ. Một bài viết tốt cần nội dung sâu sắc, lối diễn đạt trôi chảy và logic. Hãy bắt đầu từ việc viết nhật ký, cảm nhận sách hoặc ghi lại suy nghĩ hằng ngày”.
Để tiếp tục hành trình “Tôi học văn cả đời”, Thảo Chi dự định theo học chương trình Thạc sĩ, sau đó trở thành biên tập viên tại một nhà xuất bản hoặc theo đuổi sự nghiệp giảng dạy. “Dù lựa chọn hướng đi nào, mình vẫn sẽ gắn bó với văn học, không ngừng khám phá và lan tỏa những giá trị đẹp đẽ của nó”, Chi khẳng định.