Nguy hiểm rình rập từ những “gian hàng ảo” (Kỳ 1)
(Sóng trẻ) - Bất chấp quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế về việc đình chỉ thai nhi chỉ thực hiện tại bệnh viện và cơ sở y tế đã được cấp phép, hàng loạt “bác sĩ online” ngang nhiên “kê đơn” thuốc phá thai ngay trên mạng xã hội. Những giao dịch này biến các nền tảng trực tuyến thành “chợ đen” mua bán thuốc trái phép, gióng lên hồi chuông báo động về những hiểm họa khôn lường từ các giao dịch tưởng chừng vô hại.
Từ trăm kiểu chào mời…
Lướt mạng xã hội trong vài phút, chỉ với thao tác tìm kiếm “thuốc phá thai tại nhà”, không khó để bắt gặp hàng loạt hội nhóm kín với số lượng thành viên lên tới hàng chục nghìn người. Những quảng cáo được xem là “có cánh”, đánh vào tâm lý của những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn như “hiệu quả 100%,” “an toàn tuyệt đối,” hay “dùng tại nhà, không cần đến bệnh viện” xuất hiện dày đặc trên các bài đăng cá nhân của các “bác sĩ online”.

Thậm chí, để mở rộng “thị trường”, các “bác sĩ online” đã không ngần ngại lập ra những nhóm nhắn tin kín trên nền tảng Facebook (được gọi là “Đoạn chat chung”), biến mạng xã hội thành “chợ đen” giao dịch thuốc trái phép. Tại đây, họ ngang nhiên quảng cáo, tư vấn và bán thuốc phá thai, mở rộng mạng lưới khách hàng một cách hiệu quả.

Trong bóng tối của thế giới ảo, những lời mời chào đường mật như những cạm bẫy chết người, giăng ra để đón chờ những con mồi non dại.
Trong vai một nữ sinh đang đi học lỡ mang bầu và muốn tìm mua thuốc phá thai, nhóm phóng viên đã tham gia vào một “Đoạn chat chung” trên nhóm Facebook với hơn 13.000 thành viên. Chỉ vài phút sau khi trao đổi, một tài khoản tự nhận là người từng sử dụng thuốc phá thai thành công đã nhanh chóng trả lời và giới thiệu chúng tôi số điện thoại của một người bán. Người này khẳng định: “Chị này chia sẻ rất tận tình, mình đã bị lừa nhiều lần mới tìm được chị này, an toàn lắm”.

Không lâu sau, cửa sổ chat hiện lên, những dòng tin nhắn với giọng điệu tận tình xuất hiện. Một tài khoản cá nhân có tên N.T, được cho là người bán thuốc, đã trực tiếp nhắn tin tới chúng tôi qua Messenger để giới thiệu sản phẩm. Người này không chỉ mô tả kỹ lưỡng về liệu trình thuốc mà còn gửi kèm những phản hồi từ các khách hàng trước đó nhằm củng cố lòng tin.

Màn hình điện thoại của chúng tôi ngập tràn những hình ảnh phản hồi và lời cảm ơn. Tất cả đều được chụp lại cẩn thận, sắp xếp chỉn chu như một "bằng chứng thép" về sự uy tín. Nhưng liệu có ai kiểm chứng được tính xác thực của những hình ảnh này?
Đem theo câu hỏi đó, chúng tôi tiếp tục đóng vai một bạn nữ mang thai 8 tuần và tìm đến một đối tượng khác là admin thường xuyên đăng bài bán thuốc phá thai trong các nhóm cộng đồng trên Facebook.
Người bán ngay lập tức “kê đơn” mà không cần hỏi độ tuổi, giấy siêu âm hay bất kỳ thông tin nào về tình trạng sức khỏe của người mua. Đối tượng này cho hay: “Tuổi thai của em đang nhỏ, dùng thuốc được nhé!”, cùng với đó là cam kết sẽ hỗ trợ đến khi kết thúc liệu trình dùng thuốc.
Khi nhóm phóng viên tỏ ra lo lắng về việc dùng thuốc phá thai đã trên 7 tuần, một người bán khác tên N.T.T.A tiếp tục khẳng định chắc nịch: “Có người thai to hơn em vẫn dùng được kìa, chị xử lý nhiều rồi em nhé!”. Câu nói như một cú tát vào mặt những nguyên tắc y tế, phơi bày sự coi thường sức khỏe, thậm chí tính mạng của người mua!
Và sau đó, để tiếp tục tạo sự tin tưởng, người bán tung hàng loạt các ảnh chụp màn hình tin nhắn, khẳng định đã có khách hàng mang thai 13 tuần, thai 19 tuần, thậm chí có người đã mang thai ở tuần thứ 23 được cho là đã dùng thuốc thành công.

Không dừng lại ở đó, các đối tượng bán thuốc phá thai không ngần ngại thúc giục người mua chốt đơn ngay lập tức, với hàng loạt các tin nhắn như “rót mật vào tai”: “Em cứ tin tưởng chị lấy thuốc uống đi, rồi em phải cảm ơn chị đấy, chị nói thật”, “Cố gắng lấy thuốc càng sớm càng tốt” hay “Chị đã từng dùng nên chị biết hiệu quả của nó thế nào”.
Ngoài ra, những lời khen “ảo” từ các tài khoản được cho là khách hàng cũ cũng được gửi đi nhằm củng cố niềm tin của người mua. Một người bán tự hào khoe rằng: “Khách nhà chị dùng xong còn quay lại cảm ơn rối rít. Em yên tâm mà dùng”, hay thậm chí “Bạn này ở Mỹ, quay lại mua lần thứ 3”. Giọng văn người bán cho thấy sự bài bản và có tổ chức ngay từ cách thức mời chào khách hàng.
Hơn nữa, trong quá trình nhóm phóng viên thâm nhập, bất ngờ phát hiện một mâu thuẫn nảy sinh trong lời tư vấn của các “bác sĩ online”. Khi hỏi về độ tuổi sử dụng thuốc phá thai, một người bán trên Zalo cho biết: “Thuốc sử dụng với bệnh nhân trên 18 tuổi”. Trong khi một người bán hàng khác trên nền tảng Facebook xác nhận chắc nịch rằng: “Khách nhà chị 15 - 16 tuổi cũng có nên em yên tâm đi”.

Rõ ràng, người bán không hiểu rõ về các quy định cũng như giới hạn y khoa liên quan đến việc sử dụng thuốc phá thai. Sự mâu thuẫn này không chỉ phản ánh sự thiếu nhất quán trong kiến thức của chính các “bác sĩ online” mà còn cho thấy họ không được đào tạo chuyên môn hoặc cố tình phớt lờ nguyên tắc an toàn y tế để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
… đến muôn vàn giá bán
Bên cạnh những lời mời chào ngọt ngào và cam kết chắc nịch, một điểm đáng chú ý trong thị trường “chợ đen” này là sự chênh lệch bất thường về giá cả. Thị trường thuốc phá thai online lúc này giống như một khu chợ trời bát nháo, nơi mỗi người bán một giá, mỗi người một kiểu. Người mua như lạc vào mê cung, không biết đâu là thật, đâu là giả.
Để hiểu rõ hơn về giá cả thuốc phá thai, nhóm phóng viên tiếp tục tiếp cận các đối tượng được cho là có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Một người bán trên Facebook có tên N.T “chào hàng” chúng tôi với giá 1.500.000 đồng cho một liệu trình gồm 4 loại thuốc, kèm lời hứa đồng hành với người dùng tới phút cuối cùng.
Trong khi đó, một người bán khác trên Zalo có tên “Nhà thuốc T.A”, đưa ra mức giá 950.000 đồng cho liệu trình đình chỉ thai và khuyên khách hàng nên mua thêm liệu trình phục hồi với giá 450.000 đồng, tổng cộng 1.400.000 đồng. Người bán còn tư vấn thai càng lớn, liệu trình kê đơn thuốc sẽ khác nhau và đi kèm với đó là giá cả sẽ cao hơn. Ngay sau đó, đối tượng này đã nhanh nhẹn chia sẻ ngay một phản hồi của khách hàng mang thai 4 tháng và được cho là đã từng dùng thuốc có giá 1.650.000 đồng/ liệu trình.

Ở một diễn biến khác, phóng viên tiếp cận một người bán trên Facebook có tên H.D và nhận được mức giá 600.000 đồng cho một liệu trình. Rõ ràng, sự chênh lệch giá cả giữa những người bán đã khiến loại thuốc này trở thành mặt hàng đầy tính thương mại, bất chấp tính mạng của người dùng.
Nhằm tìm hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của những đường dây bán thuốc phá thai online, phóng viên đã đóng vai một người bán hàng muốn nhập sỉ thuốc để kinh doanh. Khi hỏi về giá cả nhập sỉ, người bán tên N.T.T.A cho rằng, giá nhập sỉ cho 10 liệu trình là 350.000 đồng/liệu trình, và cam kết thêm “Lấy số lượng nhiều giá sẽ mềm hơn”.

Trong khi đó, một người bán khác tuyên bố giá sỉ chỉ 300.000 đồng/liệu trình và khẳng định đang bán lẻ với giá 750.000 đồng. Tình tiết này chứng tỏ lợi nhuận mà người bán thu được gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với giá lẻ bán ra. Đặc biệt, một người bán còn đưa ra mức giá sốc 230.000 đồng/liệu trình nếu nhập trên 20 liệu trình, cùng với lời hứa “chia sẵn liệu trình, nhập về chỉ việc bán”. Người bán này còn mạnh dạn cam kết: “Nhập càng nhiều, giá càng rẻ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số liệu trình mà người bán hàng online kê đơn cho người mua tập trung vào 4 loại thuốc chính sau: thuốc ngừng phát triển (Mifrpristone), thuốc gây co bóp tử cung (Misoprotol), thuốc kháng sinh (thường là thuốc cầm máu) và cuối cùng là thuốc giảm đau. Trong khi đó, giá niêm yết của một liều thuốc phá thai nội tiết bao gồm một viên Mifepristone 200mg, hai viên Misoprostol 200mg chỉ có giá thành dao động khoảng 430.000 - 450.000 đồng.

Từ 600.000 đồng đến gần 2.000.000 đồng cho một liệu trình, mỗi con số được đưa ra đều đi kèm với những lời cam kết “có cánh”, tạo lòng tin cho người mua. Sự chênh lệch đáng kể về giá cả thuốc phá thai đặt ra một dấu hỏi lớn về chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm mà những người bán này đang cung cấp.
Tuy nhiên, khi phóng viên tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của thuốc, các “bác sĩ online” ngay lập tức cho rằng “Thuốc hoàn toàn từ thảo dược, không có tác dụng phụ”. Cùng với đó là cam kết nguồn gốc mà thuốc của người này bán là thuốc tây và giống với thuốc ở các bệnh viện.

Đáng lo ngại hơn, khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc, hầu hết người bán đều né tránh hoặc chỉ cung cấp các hóa đơn không rõ ràng. Một số người ngang nhiên khẳng định “Còn đổ sỉ cho phòng khám và nhà thuốc”, dù không có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh.

Nguồn gốc thuốc cũng trở nên mơ hồ khi mỗi người bán lại giới thiệu sản phẩm theo một cách khác nhau. Người thì quảng bá là “hàng nhập Mỹ chính hãng,” người lại khẳng định đó là thuốc thảo dược của Việt Nam. Tuy nhiên, những người bán lại không đưa ra thông tin cụ thể về thành phần hay nhà sản xuất. Chính sự nhập nhằng này không chỉ gây hoang mang cho người mua mà còn làm dấy lên lo ngại về việc các sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng.
Từ quá trình điều tra và phân tích trên cho thấy, không chỉ giá cả mà chất lượng và độ an toàn của thuốc phá thai online cũng đang là một bài toán không lời giải trong thị trường "chợ đen" đầy bất ổn này.
Đằng sau những lời quảng cáo hoa mỹ và những hứa hẹn đầy hiệu quả là giá cả lẫn nguồn gốc và chất lượng đều mơ hồ, biến việc mua bán thuốc phá thai trở thành một trò chơi may rủi. Nơi sức khỏe và tính mạng của người mua bị đặt lên bàn cân bởi sự vô trách nhiệm và lòng tham lợi nhuận của người bán.
Liệu có cách nào để giảm thiểu tình trạng này? Câu trả lời sẽ được làm rõ trong kỳ 2: “Cạm bẫy chết người từ "viên thuốc online": Nỗi đau và lời cảnh báo”.