Tìm hướng phát triển mới cho kinh tế vùng cao
(Sóng trẻ) - Một dự án mới có thể sắp được triển khai đầu tư, xây dựng tại xã vùng cao Long Hẹ được kỳ vọng góp phần thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của hơn một nửa người dân nơi đây.
Chặng đường hơn 400km từ Hà Nội đi Long Hẹ (xã vùng cao thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) dường như trở nên quá quen thuộc đối với đoàn công tác thuộc Trung tâm khoa học và Tư vấn phát triển OCOP.
Hơn 1 năm đi lại trên cung đường này, cho những ý tưởng, kế hoạch hình thành dự án đầu tư xây dựng liên kết chuỗi giá trị gắn với hình thành các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao cho quả táo mèo (hay còn gọi là quả sơn tra) - loại quả chi phối đời sống của hơn một nửa đồng bào người Mông. Tại đây, anh Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc Trung tâm cùng đoàn chuyên gia dường như đã thông thuộc, am hiểu từng cung đường, con người, từng gốc cây, ngọn cỏ,…
Anh Nam kể: "Ngày đầu lên với Long Hẹ là một cái duyên, tôi bị ngợp với sự bạt ngạt của đồi sơn tra, một loại quả vốn dĩ chỉ được nghe thấy trồng nhiều ở Yên Bái, Lào Cai hay một phần ở Bắc Yên - Sơn La. Từ loại quả có giá trị kinh tế cao, nhưng tại đây chỉ được thu hoạch và bán với giá rẻ mạt, thậm chí không bù nổi chi phí thu hái. Thế là, từ một lời hứa sẽ quay lại với sơn tra Long Hẹ, anh em gắn bó đến ngày hôm nay".
Hành trình từ con số “0”
Long Hẹ là xã của 100% đồng bào người Mông sinh sống. Người dân quanh năm gắn bó với cây táo sơn tra, cây ngô, sắn,… Đời sống họ bình dị, khép kín ở mức thu nhập thấp khiến chất lượng đời sống dân cư có phần hạn chế. Tổng diện tích táo sơn tra trên địa bàn khoảng 700 ha là nguồn thu nhập chính của hơn 400/800 hộ. Họ kiếm sống từ việc thu hoạch, bán quả sơn tra tươi.
Mùa sơn tra tập trung chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Thời gian nằm ngoài mùa vụ, người dân không có việc làm. Điều này dẫn tới tình trạng một phần lớn dân cư đã dịch chuyển sang địa phương khác làm thuê nhằm cải thiện thu nhập…

Tiếp xúc với phóng viên, ông Vừ A Hờ - Chủ tịch UBND xã Long Hẹ chia sẻ: "Khi UBND huyện Thuận Châu cùng đoàn chuyên gia của Trung tâm về trao đổi ý tưởng xây dựng dự án có đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại khoảng hơn một năm trước, bà con rất vui, háo hức. Nhưng đây lại là thách thức không nhỏ đối với xã, khi mọi thứ bắt đầu từ con số 0, từ trình độ tri thức, tay nghề đến thói quen canh tác trong đại bộ phận dân cư đến áp lực về bố trí mặt bằng, vốn,…".
Ông Hờ nhớ lại những những buổi họp đầu tiên, người dân từ nghi hoặc, không dám tin đến nay lại hào hứng và chờ đợi dự án thực thi. Sự kiên trì của đội ngũ chuyên gia trong những chuyến khảo sát, sự vào cuộc của các ngành thuộc tỉnh Sơn La, huyện Thuận Châu đã tạo niềm tin và động lực cho xã. Đảng Uỷ, UBND xã nhanh chóng thống nhất và ban hành các văn bản giúp đẩy nhanh tiến độ giúp đoàn có cơ sở nghiên cứu.

Anh Thào A Hồng, một thanh niên trong xã từng khởi nghiệp không thành công và phải rời bản đi làm thuê ở Hải Phòng, khi nghe tin có chương trình đã chủ động liên hệ với cán bộ huyện xin quay về tham gia. Anh Hồng là người đã trải qua những khó khăn, nhưng lại vừa có đam mê, vừa được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp khi làm công nhân tại LG Hải Phòng nên dự án đã nhanh chóng thu hút anh.
Anh chia sẻ: “Không có gì giá trị bằng tự mình phát triển ở quê hương, vừa được sống gần gia đình, lại vừa đóng góp được cho đồng bào của mình. Tôi đi làm thuê một tháng được 8 - 9 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, ăn ở cũng không còn lại bao nhiêu. Giờ về xã, dù tôi chưa rõ tương lai của bản thân sẽ thay đổi như thế nào, nhưng tôi nhìn thấy một kỳ vọng lớn nên quyết về thôi”.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh Hồng đã trực tiếp tham gia dưới tư cách thành viên thanh niên thuộc dự án theo chỉ đạo của UBND xã. Anh thực hiện tuyên truyền, vận động giúp hơn 30 thanh niên xa quê sẵn sàng trở về quê hương, cùng đóng góp vào thành công dự án.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào đồng bộ hoá toàn bộ nội dung trong một bản dự án. Thêm vào đó, theo chia sẻ của Phó Giám đốc Nguyễn Thành Nam, dự án còn cần đến nguồn vốn, khoa học kỹ thuật. Việc các doanh nghiệp tham gia đầu tư ở vùng sâu như thế này là một thách thức không nhỏ.
Đi tìm một giải pháp
Chị Nguyễn Thanh Hường, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu là người trực tiếp đưa đoàn cán bộ trung tâm lên khảo sát, nghiên cứu dự án từ những ngày đầu tư khởi sự năm 2023. Dù chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng với chị, nếu có thể triển khai, dự án là "cú hích" lớn, mang giá trị trực tiếp cho người dân, cho bộ mặt của xã vùng cao vốn khó khăn trong tìm hướng phát triển.
Chị Hường cho biết: "Mặc dù lâu nay, chính sách của Đảng, Nhà nước tập trung rất nhiều cho xã vùng cao nhằm kích thích sự phát triển, nhưng đâu đó vẫn còn thiếu vắng những chương trình mang tính đồng bộ, hiệu quả lâu dài. Khi tiếp nhận ý tưởng của dự án, dù biết là khó, nhưng chúng tôi cũng cố nghiên cứu".

Nút thắt lồng ghép mục tiêu các chương trình, các nguồn vốn để tìm giải pháp gỡ khó cho dự án mang tính tổng thể và đồng bộ như vậy không hề dễ dàng. Những câu hỏi: "Ai làm? Vốn từ đâu? Làm như thế nào?" không chỉ là những câu hỏi khó nhằn của các thành viên tham gia ngày ấy mà còn là áp lực không nhỏ đối với cả hệ thống chính trị của huyện Thuận Châu, cũng như tỉnh Sơn La.
Theo ông Hà Trung Thắng - Phó chủ tịch huyện Thuận Châu, ngay thời điểm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông báo về việc lựa chọn dự án mô hình thí điểm OCOP về sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, những vướng mắc của dự án dần được tháo gỡ. UBND huyện nhanh chóng đề xuất với tỉnh và nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện.
Ông Thắng nhớ lại buổi làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin đăng ký dự án, anh Hà Như Huệ - khi đó làm giám đốc Sở trực tiếp dẫn đoàn đã mang theo toàn bộ tâm tư, kỳ vọng của tỉnh, huyện, xã và người dân. May mắn thay, sau khi xem nội dung dự án, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã nhanh chóng đồng thuận cho triển khai.
Tới thời điểm hiện tại, dự án đã được trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo uỷ quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ thay đổi tư duy canh tác, đến trang bị tay nghề hay lo hướng đầu ra ổn định và bền vững cho dự án đã có. Việc còn lại là chờ một quyết định hợp lòng dân, hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước.