Tình hình dịch bệnh COVID – 19 thế giới ngày 24/5: Ấn Độ vượt mốc 300.000 người tử vong
(Sóng trẻ) – Theo số liệu trên trang Worldometer, tính đến 20h00 ngày 24/5/2021, toàn thế giới có 167.653.596 ca dương tính với COVID – 19, trong đó gồm 3.480.642 trường hợp tử vong, 148.757.091 ca hồi phục.
WHO kêu gọi tiêm vắc xin COVID-19 cho 10% dân số trước tháng 10
“Đại dịch đang kéo dài vì bất bình đẳng trong phân phối vắc xin. Chúng ta cần tiêm chủng ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia trong tháng 9 và 30% người dân vào cuối năm nay. Tôi kêu gọi các nước và nhà sản xuất đóng góp vaccine cho chương trình Covax để chuyển hàng triệu liều đến những quốc gia nghèo”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp thường niên của cơ quan này hôm nay.
Ông Tedros khẳng định tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn rất nguy hiểm, khi số ca nhiễm được ghi nhận trong 5 tháng qua đã cao hơn tổng số trường hợp mắc COVID-19 được báo cáo trong năm 2020.
Thế giới đã ghi nhận hơn 167 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 3,5 triệu ca tử vong, trong khi hơn 148,5 triệu người đã bình phục hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vắc xin COVID-19, trong đó Israel dẫn đầu về tỷ lệ người được tiêm ít nhất một mũi.
Để ngăn tình huống này, sáng kiến Covax ra đời dưới sự dẫn dắt của WHO, Liên minh Vắc xin và Tiêm chủng Toàn cầu GAVI, cùng Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), nhằm đảm bảo mọi quốc gia giàu nghèo đều được tiếp cận với vắc xin COVID-19.
Ấn Độ vượt mốc 300.000 người tử vong
Con số trên đưa Ấn Độ lần đầu vượt mức 300.000 người tử vong do COVID-19; và tiếp tục là nước có số người tử vong nhiều thứ 3 thế giới, chiếm tới 8,6% trong số gần 34,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu.
Ngày 23/5, Chính phủ Ấn Độ từng tuyên bố tiến hành đợt xét nghiệm COVID-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 2,1 triệu mẫu xét nghiệm. Kết quả, nước này ghi nhận thêm 222.315 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên gần 27 triệu.
Hoạt động tiêm phòng của Ấn Độ trong thời gian gần đây cũng đang chững lại, khi chính quyền nhiều bang cho biết, họ không còn đủ vắc xin để tiêm chủng hết cho người dân. Được xem là quốc gia sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất thế giới, nhưng Ấn Độ hiện mới chỉ tiêm chủng cho hơn 41,6 triệu người, chiếm khoảng 3,8% trong hơn 1,4 tỷ dân số.
Tốc độ lây lan dịch ở mức báo động tại Nhật Bản
Tỉnh Osaka đứng thứ ba trên tổng số ca thiệt mạng vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản trong tháng 5/2021. Tốc độ lây lan của dịch bệnh đang “áp đảo” hệ thống chăm sóc y tế nơi này.
Theo số liệu y tế được chính quyền tỉnh Osaka công bố, chỉ có 14% trong tổng số 13.770 người nhiễm COVID-19 tại đây được nhập viện, số còn lại phải tự lo liệu.
“Biến chủng khiến những người trẻ tuổi ốm nhanh hơn, và một khi họ đã ốm nặng thì rất khó có thể hồi phục. Tôi tin rằng, hiện nay có nhiều thanh niên vẫn có quan niệm họ đủ khoẻ mạnh. Nhưng với dịch bệnh này thì điều đó là không thể. Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau”, Giám đốc bệnh viện Y học và Dược phẩm thuộc Đại học Osaka (OMPUH), ông Toshiaki Minami nhận định.
Người phụ trách chuyên khoa y học cấp cứu thuộc OMPUH, ông Akira Takasu cho biết, Thế vận hội Olympic sắp tới nên dừng lại do tình hình dịch bệnh phức tạp.
Số ca nhiễm tại Malaysia tăng kỷ lục
Theo đài CNA, tình hình dịch ở Malaysia tiếp tục diễn biến đáng lo ngại. Bộ Y tế nước này cho biết, bang Selangor đang là “điểm nóng" về dịch với thêm 2.236 ca nhiễm hôm 23/5, đứng đầu cả nước.
Tính đến sáng 24/5, Malaysia ghi nhận tổng cộng 512.091 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 2.248 bệnh nhân không qua khỏi, tăng 49 trường hợp so với một ngày trước đó.
Chính phủ Malaysia thông báo sẽ siết chặt các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 25/5 - 7/6. Theo đó, 80% công chức, viên chức và 40% lao động khối tư nhân sẽ làm việc tại nhà. Đại đa số lĩnh vực kinh tế phải cắt giảm thời gian hoạt động và người dân không được phép lưu lại nơi mua sắm quá 2 giờ.
Nguồn: Tổng hợp